Có nguồn gốc từ Sài Gòn, dừa vàng, bưởi đỏ vẽ thư pháp du nhập về miền Bắc một, hai năm trở lại đây và nhanh chóng làm mưa, làm gió trên thị trường mỗi khi Tết đến xuân về.
Khác với bưởi hình thỏi vàng hay quất hồ lô phải tạo khuôn và kỳ công chăm sóc ngay từ nhỏ, dừa, bưởi vẽ thư pháp được sản xuất đơn giản hơn nhiều. Theo các nghệ nhân, mỗi sản phẩm dừa, bưởi thư pháp được sơn và vẽ chữ, hoa văn trong khoảng 20 – 30 phút. Nếu đã lành nghề, mỗi ngày một thợ vẽ thư pháp có thể hoàn thành 20-30 sản phẩm.
Dừa vàng vẽ thư pháp làm mưa gió trên thị trường cận Tết
Tất bật vừa bán hàng, vừa xếp đơn hàng đi giao, chị Hương, chủ cửa hàng trái cây ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, năm nay nhu cầu mua trái cây thư pháp bày Tết còn cao hơn cả năm ngoái. Năm ngoái, 2 tuần cận Tết Nguyên đán, chị bán khoảng 1.000 trái dừa và khoảng 800 trái bưởi thư pháp thì năm nay mới qua rằm chị đã bán được hơn 500 trái dừa và 300 trái bưởi, chưa kể các đơn đặt sẵn gần Tết mới lấy. “Giá mỗi trái dừa thư pháp là 150.000 đồng/quả, còn bưởi đỏ vẽ chữ là 350.000 đồng/quả. Có thể sang tuần giá sẽ lên một chút”, chị Hương cho biết.
Theo anh Tuấn Anh, chuyên vẽ thư pháp ở quận Ba Đình (Hà Nội) cho biết, những ngày gần đây, mỗi ngày anh kiếm được 1-2 triệu đồng do được thuê vẽ chữ lên các trái dừa, bưởi, dưa hấu tròn. Tùy vào độ to, nhỏ, dễ, khó từng loại quả mà anh tính công 50 – 100.000 đồng/quả, trung bình anh vẽ được khoảng 25-30 trái mỗi ngày.
"Năm nay, ngoài các đơn hàng nhỏ lẻ, tôi mới nhận được hai đơn hàng lớn, mỗi đơn lên tới 500 trái. Ngoài vẽ các chữ như, Tài, Lộc, Phúc, Thọ, An Khang, Thịnh Vượng, Vạn Sự, Như Ý… thì Nhẫn, Đức cũng được đặt hàng nhiều", anh Tuấn Anh cho biết.
Các thợ vẽ chữ lên trái cây cũng kiếm được tiền triệu mỗi ngày
Đang làm thiết kế tại một công ty ở trung tâm Hà Nội, chị Thanh Hằng (25 tuổi, Hoàn Kiếm) cho biết: “Năm ngoái tôi nhận vẽ thuê cho một số cửa hàng trái cây trên địa bàn Hà Nội, cả đợt Tết được hơn 30 triệu đồng tiền công. Thấy tiềm năng của mảng kinh doanh này nên dù gần Tết khá bận công việc của công ty, tôi vẫn nhận vẽ và bán các sản phẩm trái cây thư pháp”, chị Hằng chia sẻ.
Theo chị Hằng, ngoài nhận vẽ thuê, chị bán luôn các sản phẩm trái cây thư pháp. Ví dụ như trái dừa, chị nhập với giá khoảng 15.000 đồng/quả, bán ra 200.000 – 250.000 đồng/cặp. “Tôi chỉ bán theo cặp từ hai trái dừa trở lên, không bán lẻ một trái. Tính ra mỗi đơn hàng ít nhất tôi lãi được hơn 150.000 đồng. Hiện mỗi ngày tôi bán được khoảng 30-40 trái, chưa kể nhiều khách hàng đặt trước gần Tết mới lấy hàng”, chị Hằng cho biết.
“Ngày Tết, người Việt mình vẫn có truyền thống bày mâm ngũ quả sao cho thật đẹp, thật rực rỡ để thắp hương cúng ông bà tổ tiên. Chính vì thế, dù nếu tự tính ra thì ai cũng biết một trái dừa thư pháp đắt hơn nhiều so với trái dừa thường, nhưng khách hàng vẫn nườm nượp mua. Bởi một là cuối năm hầu như mọi người đều có tiền rủng rỉnh, hai là nhiều người vẫn quan niệm những trái cây vẽ thư pháp này sẽ giúp gia chủ cầu được may mắn, tiền tài trong năm mới”, chị Hằng phân tích.
Cây hồng trà mini được cho là có một không hai ở Hà Nội nhưng chủ nhân lại rao bán với mức giá rất “phải chăng“.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.