Đức nuốt “liều thuốc đắng” sau khi dùng nhiều khí đốt giá rẻ của Nga

Thứ tư, ngày 17/08/2022 20:56 PM (GMT+7)
Người Đức phải nuốt “liều thuốc đắng” sau nhiều năm sử dụng năng lượng rẻ của Nga, Bộ trưởng Kinh tế Robert Habeck nhận định.
Bình luận 0

 

Đức nuốt “liều thuốc đắng” sau khi dùng nhiều khí đốt giá rẻ của Nga - Ảnh 1.

Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức Robert Habeck. Ảnh chụp màn hình

“Đức đã phát triển một mô hình kinh doanh chủ yếu dựa trên sự phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ của Nga. Mô hình này đã thất bại và sẽ không quay trở lại" - Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức Robert Habeck nói với báo giới ở Berlin ngày 15/8.

Quan chức Đức chỉ ra, vì nguồn cung khí đốt từ Nga cho EU đã bị gián đoạn, Đức cần phải "giải cứu những công ty đã rơi vào khó khăn, đồng thời phải ứng phó với sự gián đoạn này với tư cách là nền kinh tế quốc gia”.

Ông Habeck gọi đây là “liều thuốc đắng” phải uống khi công bố thuế đặc biệt với khí đốt nhằm phân bổ lại tác động của việc thiếu hụt năng lượng giữa các công ty và người dân nói chung.

Đức nuốt “liều thuốc đắng” sau khi dùng nhiều khí đốt giá rẻ của Nga - Ảnh 2.

Đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 1 ở Lubmin, Đức. Ảnh: Annegret Hilse

“Thuế này là cách thức công bằng nhất có thể để phân phối và chịu các chi phí bổ sung đã tăng lên trong người dân" - ông nói.

Theo Bộ trưởng, nếu không đánh thuế khí đốt bổ sung, thị trường năng lượng Đức và cùng với phần lớn thị trường năng lượng Châu Âu sẽ sụp đổ.

Ngày 15/8, một hiệp hội các nhà khai thác đường ống dẫn khí đốt đã quyết định áp thuế 2,4 cent cho mỗi kilowatt giờ, sẽ có hiệu lực vào tháng 10 và kéo dài đến tháng 4.2023.

Theo ước tính được Reuters công bố trước đó trong ngày, mỗi hộ gia đình ở Đức sẽ chịu khoảng 500 euro (508 USD) mỗi năm cho mức thuế này.

Bộ trưởng Habeck thông tin thêm, đến nay đã có 12 nhà nhập khẩu khí đốt nộp đơn xin cứu trợ và sẽ nhận được khoảng 34 tỉ euro (34,7 tỉ USD) tiền cứu trợ, tức khoảng 90% khoản thuế bổ sung thu được.

“Tất cả các biện pháp đều có hậu quả và một số biện pháp trong số đó cũng bị áp đặt" nhưng sẽ giúp Đức độc lập với năng lượng Nga cũng như có thể hành động một cách có chủ quyền về chính sách đối ngoại và an ninh - Bộ trưởng Kinh tế và Hành động Khí hậu Đức khẳng định.

 

Hải Anh (laodong.vn)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem