Trong một thông điệp được đăng tải trên trang web của chính phủ Đức cho biết hôm 15/4, Thủ tướng Scholz tuyên bố: “Cuộc tấn công vào Ukraine của Nga không chỉ là vấn đề của châu Âu vì nếu nó lan rộng, nó sẽ gây ra mối đe dọa cho hòa bình và an ninh trên toàn cầu”.
Ông lưu ý rằng, Nga đang tiến hành một cuộc chiến tranh chống lại Ukraine và nói thêm rằng không ai nên giúp Moscow tiếp tục cuộc chiến này, đặc biệt là các hoạt động liên quan đến việc lách các biện pháp trừng phạt quốc tế hoặc cung cấp vũ khí cho Moscow.
Trước đó, ngày 7/4, Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã tích cực tăng cường hỗ trợ cho ngành công nghiệp quân sự của Nga, giúp Moscow khôi phục lại năng lực quân sự ngang bằng với thời điểm trước cuộc chiến ở Ukraine.
Ngày hôm sau, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố rằng Bắc Kinh không thu lợi từ cuộc chiến ở Ukraine và họ luôn quản lý việc xuất khẩu hàng hóa "phù hợp với luật pháp và quy định".
Ngày 9/4, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan tuyên bố Mỹ không có bằng chứng về việc Trung Quốc cung cấp viện trợ quân sự trực tiếp cho Nga. Tuy nhiên, ông đề cập rằng Trung Quốc đang giúp Nga củng cố và mở rộng tổ hợp công nghiệp-quân sự của nước này.
Chủ tịch Tập Cận Bình công bố 4 nguyên tắc chấm dứt cuộc chiến Ukraine
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 16/4 đã đề xuất 4 nguyên tắc nhằm ngăn chặn cuộc khủng hoảng Ukraine vượt khỏi tầm kiểm soát và sớm khôi phục hòa bình.
Những nguyên tắc này được đưa ra khi ông Tập tiếp Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang thăm và làm việc tại Bắc Kinh. Hai nhà lãnh đạo đã trao đổi sâu sắc quan điểm về cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong cuộc hội đàm.
Ông Tập nhấn mạnh rằng trong tình hình hiện tại, để ngăn xung đột vượt khỏi tầm kiểm soát, tất cả các bên nên hợp tác để khôi phục hòa bình càng sớm càng tốt. Để đạt được mục đích này, nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đề xuất bốn nguyên tắc.
"Đầu tiên, chúng ta nên ưu tiên duy trì hòa bình, ổn định, không tìm kiếm lợi ích ích kỷ. Thứ hai, chúng ta nên hạ nhiệt tình hình, không đổ thêm dầu vào lửa. Thứ ba, chúng ta cần tạo điều kiện để lập lại hòa bình, kiềm chế làm trầm trọng thêm căng thẳng. Thứ tư, chúng ta nên giảm tác động tiêu cực đến nền kinh tế thế giới và kiềm chế làm suy yếu sự ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”, ông Tập nói.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.