“Đục” rừng quốc gia lấy nhựa

Thứ ba, ngày 18/05/2010 10:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Mỗi ngày có tới hàng trăm kg nhựa trám được khai thác trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử , vận chuyển và tiêu thụ trên địa bàn.
Bình luận 0
img
Một người dân thôn Nà Ó đang lấy mủ cây trám.

Chỉ cần một cái “soi” (con dao tán mỏng), một xô nhựa là người dân xã An Lạc, Sơn Động, Bắc Giang đã có thể vào rừng đục cây trám lấy nhựa bán kiếm tiền. Tuy nhiên, do quá ham lợi nhuận, nhiều người đã vào cả Khu bảo tồn thiên nhiên Tây Yên Tử để hành nghề.

Nhựa trám nuôi cả thôn

Thôn Nà Ó, xã An Lạc là một trong những nơi nổi tiếng nhất về nghề “đục” nhựa trám. Theo ông Nguyễn Văn Tư - Trưởng thôn Nà Ó, nhựa trám ở đây được thương lái mua chuyển về Thái Bình, Thanh Hoá làm nhang (hương). Ông nói: “Nghề này đã có ở thôn hơn 10 năm nay rồi. Trước đây tôi cũng làm nhưng giờ nhà neo người quá nên hướng dẫn cho anh em trong họ làm”.

Thôn có 56 hộ, thì quá nửa số hộ có một đường trám riêng trong rừng. Do vị trí của thôn nằm ngay cạnh Khu bảo tồn Khe Rỗ (thuộc Khu bảo tồn Tây Yên Tử) nên thôn có nhiều thuận lợi hơn các thôn khác trong nghề này. Nhựa trám ở đây thường có số lượng nhiều và chất lượng tốt (nhựa trắng hơn, sạch dăm) nên thường bán được với giá cao hơn.

Nhựa trám thực sự đã nuôi cả thôn Nà Ó. Trung bình mỗi ngày người “đục” nhựa có thể kiếm được từ vài chục đến vài trăm ngàn đồng.

Gặp các anh Na Văn Toòng, Na Văn Cường, Na Văn Cao… tại chợ phiên (5 ngày/phiên) chúng tôi được biết mỗi phiên các anh bán khoảng 10kg nhựa, với giá từ 27-30 ngàn đồng/kg, mỗi tháng các anh cũng có thu nhập từ 1,5 - 2 triệu đồng/người. Nhiều gia đình ở Nà Ó đã tậu được xe, xây được nhà… thậm chí là nuôi con học đại học cũng từ nghề lấy nhựa trám.

Do đây là nghề tốn ít nhân công, đầu từ ít vốn lại cho thu nhập cao nên không chỉ riêng thôn Nà Ó mà tất cả các thôn trong xã An Lạc đều có người đi khêu nhựa trám.

“Đục”cả rừng phòng hộ

An Lạc là một trong những xã nằm trong Khu bảo tồn Tây Yên Tử. Xã có 9.364,08ha diện tích đất lâm nghiệp, trong đó diện tích rừng nằm trong rừng phòng hộ của huyện quản lý, bảo vệ là 1.630,28ha. Diện tích rừng nguyên sinh do Ban Quản lý Khu bảo tồn Tây Yên Tử quản lý, bảo vệ là 6.907ha.

Ông Nguyễn Văn Hùng, một người dân địa phương cho biết: “Khi mới thành lập Khu bảo tồn thì việc khêu nhựa trám bị cấm đoán ghê lắm. Mọi việc khai thác, vận chuyển đều phải lén lút”.

Lệnh cấm khai thác nhựa trám cũng đã được ban bố, nhiều kỳ họp Hội đồng nhân dân xã An Lạc cũng đưa ra thông báo. Thế nhưng đó là chuyện của gần 10 năm trước, giờ đây người dân tự do vào Khu bảo tồn để khai thác nhựa trám.

Ban đầu người dân địa phương cũng chỉ khai thác ở vùng đệm, khu rừng sản xuất đã giao cho từng hộ dân quản lý bảo vệ… Nhưng sau vì lợi nhuận, nhiều hộ vào cả rừng phòng hộ, rừng cấm nằm sâu trong Khu bảo tồn để “xẻ thịt” cây trám, khai thác nhựa.

Theo dấu chân người dân, chúng tôi thấy rừng nguyên sinh đặc dụng được bảo vệ nghiêm ngặt trong Khu bảo tồn đều bị “đục nhựa”. Mỗi ngày có tới hàng trăm kg nhựa trám được khai thác, vận chuyển và tiêu thụ trên địa bàn. Nhiều người dân có đường nhựa trám ở xa còn dựng trại ngủ luôn trong rừng để tiện cho việc khai thác.

img
Khu rừng phòng hộ này cũng đang bị người “đục” nhựa trám tấn công.

Và không biết tự bao giờ, lực lượng kiểm lâm ở đây không còn xử lý việc này nữa. Được đà, người dân thi nhau “đục” trám, làm cho những cánh rừng trám ở đây kiệt quệ sức sống. Nhiều cây trám đã lụi dần và chết do bị đục nhựa quá mức. Việc người dân tự do vào rừng cấm thuộc Khu bảo tồn đục trám, đã khiến cho việc quản lý, bảo vệ rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này ông Trần Dìn - Chủ tịch UBND xã An Lạc khẳng định: “Nhựa trám chỉ được phép khai thác tại các khu rừng thuộc dự án 661 và rừng 02 (đã giao cho từng hộ dân quản lý, bảo vệ), trên cơ sở xác định đủ điều kiện khai thác thì xã sẽ làm thủ tục cho người dân vận chuyển, tiêu thụ, tạo điều kiện cho người dân có thêm thu nhập. Còn rừng nghiêm ngặt thì không được phép khai thác”. Thế nhưng hàng ngày người dân vẫn vào rừng cấm để khai thác một cách ồ ạt.

Thực tế, nếu quản lý tốt và có cách khai thác hợp lý (có thời gian khai thác và nghỉ ngơi cho cây phục hồi) tại các rừng vùng đệm do người dân quản lý sẽ giúp nâng cao thu nhập cho người trồng rừng nơi đây. Thế nhưng với cách khai thác vô tổ chức một cách ồ ạt và tự do như hiện nay, e rằng những cánh rừng trám bạt ngàn nơi đây sẽ sớm bị xóa sổ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem