Đừng bắt nông dân “bám” mãi cây lúa!

Thứ ba, ngày 09/04/2013 06:54 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Sau khi đăng tải thông tin công bố của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam “Trồng lúa ngày càng ít lãi” (ngày 8.4), NTNN đã nhận được nhiều ý kiến phản hồi. Hầu hết các chuyên gia cho rằng, không thể bắt nông dân bám mãi vào cây lúa!
Bình luận 0

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NNPTNT): Oxfam nói đúng thực tế...

Theo ông Nguyễn Như Hải - Trưởng phòng Cây lương thực và Cây thực phẩm (Cục Trồng trọt), những điều tra, nghiên cứu của Tổ chức Oxfam đã phần nào chỉ ra thực tế chung đó là người nông dân trồng lúa được hưởng lãi rất thấp. “Việc tổ chức thu mua lúa tạm trữ chủ yếu thông qua hệ thống thương lái mà không phải là những doanh nghiệp xuất khẩu gạo trực tiếp thu mua, vì thế nảy sinh thực tế doanh nghiệp, thương lái được hưởng lợi nhiều mà nông dân thì chẳng đáng là bao”- ông Hải lấy ví dụ.

img
Sản xuất lúa gạo của nông dân phải qua nhiều khâu trung gian nên lợi nhuận họ được hưởng rất thấp (ảnh minh họa).

Theo ông Hải, để đảm bảo người trồng lúa có lãi thì cần giải quyết được vấn đề vướng mắc mấu chốt là chính sách thu mua, trong đó, nhất định doanh nghiệp xuất khẩu gạo phải trực tiếp thu mua lúa gạo cho người trồng lúa.

“Chúng tôi đang đề xuất chính sách nhằm xây dựng chương trình doanh nghiệp xuất khẩu gạo thu mua lúa trên cánh đồng mẫu lớn, nhằm giảm khâu trung gian, nâng cao giá trị của sản phẩm góp phần tăng lợi nhuận cho người trồng lúa”- ông Hải cho biết thêm.

Ông Lê Minh Đức - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Long An: Cần tăng cường khuyến nông

Vụ đông xuân vừa rồi, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) phân bổ cho Long An mua 87.000 tấn quy gạo, thời gian mua từ 20.2 đến 31.3.2013. Trong thời gian thu mua tạm trữ, giá lúa hầu như không tăng, nông dân chỉ thu lãi từ 8 - 15 triệu đồng/ha.

Thực tế, tại thời điểm mua tạm trữ, các doanh nghiệp được giao chỉ tiêu đang tồn kho lượng lúa còn cao hơn con số 87.000 tấn. Do đó, quá trình thu mua thực chất chỉ là chuyển thóc từ kho nhỏ qua kho lớn của doanh nghiệp, bởi nếu giá lúa cao họ không cần mua vẫn có đủ lúa trong kho. Cũng tại Long An, chúng tôi áp dụng nhiều biện pháp nhằm làm giảm giá thành hạt gạo và mức lãi của nông dân có tăng hơn.

Cụ thể, ở một số huyện vùng Đồng Tháp Mười, chúng tôi ứng dụng san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, giảm hẳn lượng phân thuốc, giống, nước… nên mỗi ha giảm chi phí đầu vào từ 3 – 7,7 triệu đồng. Hay như các cánh đồng mẫu lớn tại Long An (diện tích vụ đông xuân vừa qua là 5.000ha), Công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang hợp tác cùng nông dân từ khâu giống tới khâu tiêu thụ, lợi nhuận của nông dân trong CĐML cũng tăng lên thấy rõ. Tôi cho rằng, cần phải đẩy mạnh khuyến nông, chuyển giao khoa học kỹ thuật thì nông dân mới khá lên được.

GS-TS Võ Tòng Xuân: Tầm nhìn phải “cao hơn ngọn lúa”

Có lần tôi đã nói, ở miền Bắc, nếu bám theo cây lúa thì nông dân khổ dài dài vì 4 mùa hết chống rét đến chống hạn, rồi chống úng, trong khi rất nhiều loại cây trồng khác phù hợp với khí hậu này. Tôi khẳng định, cứ bắt nông dân mình “đeo” theo cây lúa, thì nông dân còn nghèo dài dài. Việt Nam xuất khẩu gạo đứng đầu thế giới, nhưng người trồng lúa thì thu nhập rất thấp so với cái nhất này. Nếu nói để đảm bảo an ninh lương thực, chúng ta chỉ cần giữ lại một nửa diện tích trồng lúa, bởi xuất khẩu gạo không đem lại nhiều lợi ích cho nông dân. Trồng lúa lãi không cao, nhưng nhà quản lý của ta cảm thấy “an toàn” nên họ không dám “nhìn cao hơn ngọn lúa”. Rất nhiều nước nông nghiệp bỏ dần cây lương thực, chuyển sang các loại cây khác hiệu quả hơn rất nhiều. Với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng như Việt Nam, việc chuyển đổi là hoàn toàn có thể. Có điều, nhà quản lý phải dũng cảm thoát khỏi cái bóng cây lúa.

Ông Nguyễn Minh Nhị - nguyên Chủ tịch tỉnh An Giang: Chính sách còn kém chất lượng

Từ làm đất đến giống, phân bón, bơm nước, xịt thuốc, rải phân, rồi thu hoạch, phơi sấy, vận chuyển…, nếu nông dân không tự làm thì đều phải qua dịch vụ và bất kỳ khâu trung gian nào cũng phải có ăn. Thành ra giá thành hạt lúa còn cao. Giải quyết vấn đề này, khâu liên kết 4 nhà rồi thực hiện cánh đồng mẫu lớn là rất quan trọng. Có điều, thực tế cho thấy chất lượng của sự liên kết có vấn đề. Thậm chí, chính sách của Chính phủ dành cho nông dân không có chế tài nên ai muốn làm gì thì làm, thành ra chính sách cũng không có chất lượng. Nếu chính sách có chất lượng, được giám sát chặt chẽ, nông dân sẽ khá hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem