Đừng biến đài phun nước vườn hoa Con Cóc thành "di tích thương binh”

Huy Hoàng Thứ bảy, ngày 14/09/2019 08:30 AM (GMT+7)
Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến, việc quây thanh sắt xung quanh đã biến công trình đài phun nước tại vườn hoa Con Cóc thành "di tích thương binh".
Bình luận 0

Di tích 120 năm tuổi giằng thanh sắt mất thẩm mỹ

Lâu nay người Hà Nội vẫn thường dừng chân nghỉ ngơi quanh những chiếc ghế đá xung quanh đài phun nước tại vườn hoa Con Cóc, hay còn gọi là vườn hoa Diên Hồng. Đài phun nước được biết đến là đài phun nước cổ nhất của Hà Nội này đã trở thành địa điểm đẹp, mang tính hoài cổ, lịch sử cho các cặp đôi chụp ảnh cưới.

img

Đài phun nước tại Vườn hoa Con Cóc được coi là đài phun nước cổ nhất Hà Nội. Ảnh: Huy Hoàng

Vườn hoa Con Cóc được thiết kế năm 1901, từ thời Pháp, với đài phun nước hình tròn được xây ở giữa vườn hoa, có một trụ đá to hình vuông, cao khoảng 3,5m. Trên trụ đá ấy có tiểu sành đựng di hài của Chavassieux. Xung quanh có các họa tiết trang trí cổ điển, bắt mắt, kết hợp hài hòa giữa phong cách kiến trúc của phương Đông được thể hiện ở hình tượng 8 con rồng chầu hướng về 4 hướng ở chân trụ đá và nét phương Tây thể hiện ở cấu trúc đài phun nước với các họa tiết trang trí cổ điển. Ngoài ra, xung quanh bồn nước còn có 4 con cóc bằng đồng được tạo hình sinh động phun nước lên trụ đá. Vì hình tượng này mà vườn hoa được người Hà Nội gọi là vườn hoa Con Cóc.

img

Tuy nhiên vài năm trở lại đây, trụ đá tại đài phun nước đã bị xuống cấp, nhà quản lý đã cho neo dây thép xung quanh cột, đồng thời trên cột cây bồ đề mọc rễ chằng chịt xung quanh. Hơn nữa, không biết có phải vì muốn giữ cây bồ đề tươi tốt không mà công ty cây xanh dẫn nước tưới cây, khiến tình trạng xuống cấp của di tích càng trở nên nghiêm trọng.

Chia sẻ về vấn đề này, nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho biết, đài phun nước tại vườn hoa Con Cóc là công trình văn hóa ở nơi công cộng đầu tiên không mang dấu ấn đô hộ mà chính quyền Pháp xây dựng tại Hà Nội. Đây là công trình kết hợp nhuần nhuyễn giữa văn hóa dân gian Việt với nghệ thuật kiến trúc và tạo hình của phương Tây. 

Cụ thể, trong kho tàng truyện cổ tích Việt Nam có chuyện “Cóc kiện trời” với 2 câu thơ kết “Con cóc là cậu ông trời/Ai mà đánh cóc thì trời đánh cho”, chỉ có con cóc mới có thể bắt ông trời mưa và mỗi khi cóc kêu thì thế nào cũng sắp có mưa. Hình tượng cóc phun nước ở công trình này được đúc rất đẹp.

Không chỉ có nghệ thuật kiến trúc và tạo hình, ở công trình này người ta còn sử dụng công nghệ thời đó khiến con cóc có thể phun nước lên trụ có kiến trúc Gothic tạo ra sự mềm mại và mát mẻ cho không gian công cộng vào mùa hè nóng nực.

“Hiện nay, nhiều lần đi qua đây tôi thấy cây bồ đề mọc xanh tốt trên đài phun nước. Sự sống của cây sẽ là sự cộng sinh khiến công trình mất đi dáng vẻ uy nghi và gây ra nguy hiểm khi rễ cây ăn vào phần vật liệu xây dựng công trình. Và thực tế nó đã làm hỏng kiến trúc, làm biến dạng công trình. Nhẽ ra việc chặt bỏ cây bồ đề phải làm từ lâu nhưng người ta đã không làm việc đó. Tuy nhiên, tôi lại đang thấy nhà chức trách, không hiểu vì lý do gì lại tiếc cây bồ đề thay vì tiếc một di tích có tuổi thọ 120 năm mà vẫn giữ cây. Thậm chí họ còn quây thanh sắt xung quanh, biến công trình thành "di tích thương binh". Theo tôi, nhà chức trách nên lập dự án sửa chữa để di tích trở lại cấu trúc  ban đầu, vì những di tích kiểu này Hà Nội hầu như không có nhiều”.

img

Hạ giải đài phun nước cổ nhất Hà Nội sẽ có hội đồng thẩm định

Chia sẻ về những bức xúc của người dân và các chuyên gia, ông Phạm Tuấn Long – Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho hay, vườn hoa Con Cóc trước đây thành phố Hà Nội giao Sở Xây dựng quản lý, thời gian gần đây UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất thành phố giao toàn bộ vườn hoa nằm trên địa bàn quận để quản lý. Với mục tiêu cải tạo và nâng cấp các không gian công cộng xung quanh hồ Hoàn Kiếm, quận sẽ cải tạo toàn bộ hạ tầng kỹ thuật xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm tạo thành vườn hoa mở. Thứ hai, các vườn hoa đảo giao thông, trong đó có vườn hoa Con Cóc, đang được quận lên kế hoạch thiết kế cải tạo.

“Vườn hoa Con Cóc được xây dựng với đài phun nước hình tròn, ở giữa có một trụ đá to hình vuông, xung quanh có những con cóc bằng đồng phun nước lên trụ đá, các họa tiết trang trí cổ điển, bắt mắt. Tuy nhiên, gần đây cột đá đang bị xuống cấp và phải neo bảo vệ bằng những thanh sắt xung quanh cột đá. Ngoài ra cây bồ đề đã bám rễ mọc trên cột đá. Cây bồ đề này chúng tôi đã nhiều lần cắt tỉa, thế nhưng khi gặp mưa cây tiếp tục mọc trở lại. Tới đây chúng tôi sẽ tiếp tục đề nghị công ty môi trường cây xanh cắt tỉa", ông Phạm Tuấn Long nói. 

Trong dự án tới đây của quận Hoàn Kiếm, đài phun nước tại vườn hoa Con Cóc sẽ là một trong những hạng mục nằm trong dự án để quận nghiên cứu và trùng tu. Ông Phạm Tuấn Long cho hay, "đài phun nước tại vườn hoa Con Cóc là một trong những công trình có kiến trúc bằng đá rất độc đáo nên quận Hoàn Kiếm sẽ cần sự tham vấn của các chuyên gia về lĩnh vực này”.

Theo ông Phạm Tuấn Long, kinh phí  thực hiện phương án cải tạo xung quanh bờ hồ Hoàn Kiếm cũng như đài phun nước tại vườn hoa Con Cóc sẽ được kết hợp giữa ngân sách nhà nước và kêu gọi xã hội hoá. 

“Trước tiên quận Hoàn Kiếm sẽ chi ngân sách để thiết kế phương án cải tạo, sau đó chúng tôi lên dự toán xem với thiết kế đó hết bao nhiêu tiền và kêu gọi các nhà đầu tư để thực hiện xã hội hoá cùng tham gia phương án cải tạo. Với vườn hoa Con Cóc, chúng tôi xác định chủ thể chính là tháp nước ở giữa và phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật, đặc biệt là vấn đề hạ giải. Khi hạ giải các cấu kiện xuống, chúng ta phải đánh giá và đưa ra các thông số kỹ thuật nên phần dự kiến con số chính xác kinh phí cho các hạng mục này cần được xét trên tình hình thực tế mới có thể nói được. Hơn nữa cũng còn chờ vào sự đánh giá, kinh nghiệm của các chuyên gia xem nên hạ giải hết hay hạ giải đến đâu thì tốt”, ông Phạm Tuấn Long chia sẻ.

img

V ườn hoa Con Cóc ngày trước

Ông Phạm Tuấn Long cho biết, quận Hoàn Kiếm đang lên phương án thiết kế kỹ thuật, sau đó sẽ lên dự toán kinh phí và tiếp đến mở đấu thầu công khai, tuy nhiên đơn vị thi công chuyên tu bổ di tích đặc biệt sẽ là ưu tiên số 1 để chọn thi công. Dự kiến phương án cải tạo đài phun nước tại vườn hoa Con Cóc sẽ được thực hiện vào năm 2020.

Trước câu hỏi, hiện nay nhiều địa phương đang gặp phải tình trạng trùng tu, bảo tồn di tích không đúng cách, dẫn tới làm hỏng, biến dạng di tích, ông Phạm Tuấn Long cho hay: “Quận Hoàn Kiếm là quận có nhiều di tích nhất của thủ đô Hà Nội, cũng là nơi có 3 khu vực di sản đô thị, bao gồm: phố cổ là di tích cấp quốc gia; hồ Gươm là di tích cấp quốc gia đặc biệt; phố cũ là những biệt thự do người Pháp xây dựng và được quản lý theo quy chế biệt thự. Trong quần thể này lại có rất nhiều di tích cấp quốc gia đặc biệt, ví dụ như đền Ngọc Sơn, đền Bạch Mã, hiệu quán Quảng Đông, hiệu quán Phúc Kiến… Với kinh nghiệm của UBND quận Hoàn Kiếm trong nhiều năm qua trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, đặc biệt trong kinh nghiệm bảo tồn, chúng tôi sẽ chuẩn bị kỹ lưỡng khi cải tạo, trùng tu các di sản”.

Nhà Hà Nội học Nguyễn Ngọc Tiến cho hay, bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử từ lâu có vấn đề, do quan niệm sai từ những năm 1960. Vì thiếu quan tâm và bỏ mặc nên việc dân sinh sống trong chùa, di tích văn hóa diễn ra trong suốt thời kỳ bao cấp, khiến đất di tích bị chiếm, công trình thì méo mó. Hiện chúng ta đã có luật di sản, thế nhưng nhiều công trình văn hóa, lịch sử, kiến trúc vẫn bị xâm hại, ví dụ như nhiều biệt thự đẹp ở Hà Nội có tuổi đời trăm năm bị phá bỏ để xây nhà cao tầng, do vậy cần đánh giá cụ thể để người quản lý không thể lợi dụng sơ hở của luật để mưu lợi cá nhân.  

Và theo ông Nguyễn Ngọc Tiến, một phần nguyên nhân biến dạng di tích là bởi sự thiếu hiểu biết của các nhà chức trách dẫn tới bảo tồn nhiệt tình quá hoá phá hoại.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem