Dựng cơ nghiệp từ tay trắng

Thứ sáu, ngày 14/09/2012 09:21 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Từ 2 bàn tay trắng, giờ đây ông Nguyễn Văn Năm ở xã Minh Sơn, huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa đã tạo dựng được một cơ ngơi bề thế, khang trang nơi mảnh đất còn nhiều gian khó.
Bình luận 0

Năm 1984, ông Năm xuất ngũ trở về quê hương, trong tay không có tài sản giá trị, đến một mảnh đất để làm ăn cũng không. "Ngày ấy, tôi đi buôn bán ở miền xuôi, gặp gì buôn nấy, rồi tôi gặp những người buôn trâu, bò, xin làm thuê cho họ"- ông Năm nhớ lại.

img
Ông Nguyễn Văn Năm bên đàn bò của trang trại mình.

Song làm thuê lương thấp, không biết bao giờ mới khá lên được, ông bàn với vợ vay ngân hàng đầu tư nuôi bò. Được vợ ủng hộ, ông mua 1 con bò, nuôi khoảng 3-4 tháng rồi bán. Cứ như vậy, số bò của ông ngày một nhân lên. Đến nay, ông đã có vài chục con bò. "Cái được lớn hơn, không chỉ là số tiền bán bò mà tôi còn tích lũy được kinh nghiệm, cách thức chăm sóc, chữa bệnh cho bò. Giờ tôi kiêm luôn nghề chữa bệnh cho bò cho bà con trong xã" - ông Năm chia sẻ. Không chỉ nuôi bò, ông Năm còn đào ao thả cá, nuôi gà, lợn để bán giống cho các trang trại khác trong và ngoài tỉnh.

Có vốn, ông đầu tư trồng luồng, nuôi ong. Ông kể: "Khi vào làm công nhân tại Công ty Lâm trường Cẩm Ngọc (nay là Công ty Lâm trường Ngọc Lặc), tôi thấy nghề trồng luồng truyền thống ở quê tôi phát triển mạnh mà thu nhập lại khá, tôi quyết định nhận thầu 9ha để trồng luồng".

Theo ông Năm, luồng dễ trồng, sau 7 năm cho khai thác lứa đầu. Chi phí trồng, chăm sóc ít tốn kém cho thu hoạch hàng năm. Tuổi thọ của luồng khá cao, nếu chăm sóc, bảo vệ tốt có thể tới hàng trăm năm. Luồng thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3 năm sau, chỉ đến khi thu hoạch mới phải thuê lao động.

Từ những chuyến đi rừng, chăm sóc luồng, ông Năm đến với nghề nuôi ong lúc nào không hay. Học hỏi qua Internet, ông áp dụng nuôi ong theo hướng công nghiệp, chăn thả tự nhiên. Ong lớn nhanh và sinh trưởng mạnh, một năm thu mật 2 lần. Nếu được mùa hoa, mỗi năm đàn ong cho ông 3 lần thu mật. Ngoài ra, ông còn trồng 1ha mía bán nguyên liệu cho Công ty Đường Lam Sơn.

Ông Năm cho biết, mỗi năm, thu nhập từ vườn- rừng và ong của gia đình ông từ 100 - 150 triệu đồng, giúp giải quyết việc làm thời vụ cho hàng chục con em lao động tại địa phương.

Tâm sự về dự định sắp tới, ông Năm cho haỵ: "Tôi sẽ tu sửa lại ao, nuôi thêm ba ba…".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem