Cho tới thời điểm này, thông tin chính thức duy nhất từ phía VN là Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) dừng tuyển lao động đi Hàn Quốc ở 3 xã thuộc tỉnh Hà Tĩnh, đã gây bao sóng gió cho các gia đình có người chuẩn bị xuất cảnh.
|
Lớp học tiếng Hàn của lao động một huyện nghèo. |
Nỗi buồn người ở lại
Chị Hồ Thị Hiền (SN 1980) ở xóm Bắc Hà, xã Thạch Sơn, huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho biết: Sau khi lập gia đình, vợ chồng chị chỉ có mấy sào ruộng làm không đủ ăn, chồng phải vào Nam kiếm sống. Cuộc sống quá thiếu thốn trong khi sức lực còn trẻ, chị Hiền đã bàn bạc với chồng làm hồ sơ đăng ký thi tuyển để đi XKLĐ ở Hàn Quốc.
“Tôi đã thi đậu chứng chỉ tiếng Hàn, học xong giáo dục định hướng và hoàn thiện hồ sơ chờ đợi ngày bay. Khi nhận được tin tạm dừng tuyển dụng lao động đi xuất khẩu ở Hàn Quốc, chân tay tôi như rụng rời. Gần 2 năm qua, mọi tâm trí, sức lực và tiền của đổ dồn vào việc làm hồ sơ đi XKLĐ, giờ mà không đi được thì gia đình tôi nguy khốn” - chị Hiền nói.
Theo chị Hiền, dù chưa phải đóng phí đi XKLĐ nhưng sau khi làm xong hồ sơ chị đã huy động anh em họ hàng và đi vay ngân hàng được gần 200 triệu đồng để đi học và giữ lại ngày nào bay còn có tiền đóng phí cho kịp thời. Vì vậy, gần 2 năm chờ đợi, chưa kể số tiền gốc bị thâm hụt, tiền lãi đã mất 30 - 40 triệu đồng, với những gia đình nông dân như chị, đây là số tiền quá lớn chưa biết lấy đâu để trả.
Hà Tĩnh có khoảng 3.100 lao động đang làm việc tại Hàn Quốc, với mức thu nhập bình quân 900 - 1.100 USD/người/tháng. Riêng xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân) đã chiếm tới 1/3 số lao động này. Ông Hoàng Đình Hùng - Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết: “Với trên 1.000 người đang làm việc tại Hàn Quốc, mỗi năm người lao động gửi về hàng trăm tỷ đồng”. Như vậy, nếu “mất” thị trường lao động Hàn Quốc, riêng Hà Tĩnh mỗi năm mất khoảng 600 tỷ đồng.
Những cảnh báo sớm...
Trước thực trạng lao động bỏ trốn nhiều, ông Jung Jin Young - Trưởng đại diện Cơ quan phát triển nhân lực Hàn Quốc tại Việt Nam đã đưa ra nhận định: “Nếu không kiểm soát được lao động bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp, phía Hàn Quốc có thể quyết định tạm dừng nhận lao động Việt Nam đến tháng 5.2012”.
Hiện phía Hàn Quốc mới chỉ chính thức có văn bản về việc tạm dừng thi tiếng Hàn, chúng tôi vẫn đang đàm phán để thống nhất ngày tổ chức thi lại. Chương trình này hiện đang thu hút cả lao động huyện nghèo, lao động các tỉnh phía Nam, nếu dừng lại sẽ ảnh hưởng rất lớn tới tâm lý và lòng tin của người dân.
Ông Nguyễn Ngọc QuỳnhTrao đổi với NTNN ngày 13.9 ông Nguyễn Ngọc Quỳnh – Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐTBXH) khẳng định, chưa có thông tin chính thức giữa cơ quan lao động phía Hàn Quốc tạm ngừng nhận lao động Việt Nam. Tuy nhiên, đây vẫn là cảnh báo mà lao động Việt Nam cần phải lưu ý để tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng”.
Thực tế, năm 2005 và 2007, nhiều lao động Việt Nam đã bị hẫng hụt khi Nhật Bản và Đài Loan ngừng tiếp nhận lao động Việt Nam ở một số ngành nghề. Chẳng hạn như Đài Loan tạm ngừng nhận lao động giúp việc gia đình khiến cho hàng vạn lao động (chủ yếu là lao động nông thôn) bị đình lại, dù đã học tiếng, học định hướng vẫn không xuất cảnh được. Ông Trần Lực - Tổng Giám đốc Công ty TTLC cho biết: “Thời điểm đó, doanh nghiệp mất thị trường, người lao động cũng mất cơ hội làm việc với mức lương là 15.800 đài tệ/tháng, tương đương khoảng 15 triệu đồng”.
Hiện tại, theo Trung tâm Lao động ngoài nước, chương trình đưa lao động đi Hàn Quốc (Chương trình EPS) vẫn đang tiến hành bình thường. Tuy nhiên, do tình trạng bỏ trốn và làm việc bất hợp pháp của người lao động Việt Nam tại Hàn Quốc nên lao động Việt Nam đang dần mất uy tín với các nghiệp đoàn Hàn Quốc.
Thanh Xuân- Lê An - Hữu Anh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.