Dừng dự án nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân: Trách nhiệm thuộc về ai?

Lương Kết Thứ năm, ngày 27/11/2014 19:21 PM (GMT+7)
Dự án khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế World Shine-Huế trên đèo Hải Vân đã bị dừng. Việc làm này nhận được sự đồng tình của dư luận, nhưng vấn đề hệ lụy khả năng phải đền bù thiệt hại cho nhà đầu tư là không nhỏ, trách nhiệm để xảy ra việc như này sẽ thuộc về ai, Dân Việt đã trao đổi với đại biểu ĐBQH Lê Như Tiến (Quảng Trị).
Bình luận 0

img
ĐB Lê Như Tiến

Thưa ông nếu tỉnh Thừa Thiên - Huế có thẩm định tốt thì dự án khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân sẽ không được phê duyệt, như vậy chúng ta tránh được nhiều hệ lụy từ việc dừng dự án này?

- Làm bất kỳ dự án nào mà liên quan đến liên đến nhiều bộ, ngành thì chúng ta phải có sự phối hợp liên ngành. Cái yếu của chúng ta là khi triển khai một dự án thường bộ nào làm, ngành nào làm, tỉnh nào làm thì chỉ biết mình, không có sự phối hợp chặt chẽ.

Lẽ ra một dự án quan trọng như khu nghỉ dưỡng quốc tế World Shine trên đèo Hải Vân, lại nằm ở vị trí xung yếu thì địa phương cần phải xin ý kiến của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về mặt an ninh quốc gia.

Vấn đề nữa cũng cần phải xem nó có liên quan gì đến môi trường không. Đúng ra tỉnh Thừa Thiên - Huế khi cho triển khai dự án này cần có sự bàn bạc kỹ với các ngành chức năng liên quan.

Hiện nay dự án đã bị dừng nhưng để có được kết quả đó thì dư luận, báo chí đã phải lên tiếng mạnh mẽ. Một hậu quả nữa là nhiều khả năng chúng ta sẽ phải tốn một khoản phí nhất định đền bù cho việc phá vỡ hợp đồng với đối tác nước ngoài.

Tôi thấy đây là điều rất đáng tiếc, nó sẽ là bài học đắt giá, cảnh tỉnh cho việc phê duyệt các dự án sau này, khi những dự án có liên quan đến nhiều vấn đề khác nhau như quốc phòng, an ninh, môi trường... 

Tôi đã từng chất vấn trước Quốc hội để cảnh báo về việc các tỉnh cho người nước ngoài thuê đất trồng rừng, việc dự án khu nghỉ dưỡng trên đèo Hải Vân cũng tương tự như thế. Phê duyệt dự án không được nhìn lợi ích kinh tế trước mắt mà phải nhìn tổng thể lợi ích lâu dài của toàn đất nước.

Theo ông để dự án trên được phê duyệt rồi lại dừng thì trách nhiệm thuộc về ai?

- Chắc chắn là các cơ quan quản lý Nhà nước, đặc biệt là Chính phủ phải có chỉ đạo để quy trách nhiệm cụ thể thuộc về ai. Tôi nghĩ trước tiên trách nhiệm thuộc về UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Khi đã có địa chỉ về đơn vị, cá nhân chịu trách nhiệm thì phải có hình thức xử lý.

Cũng liên quan đến dự án cho người nước ngoài, ông đã từng nêu tại các kỳ họp Quốc hội khóa XII và những kỳ họp đầu Quốc hội khóa XIII về việc 10 tỉnh trong cả nước cho nước ngoài thuê 342.000ha đất rừng với thời hạn 50 năm ở những khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, khu vực phòng thủ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh nhưng lại không nhận được câu trả lời thỏa đáng. Từ vụ việc vừa xảy ra ở Thừa Thiên - Huế ông có suy nghĩ gì?

-  Tại kỳ họp Quốc hội này tôi có tái chất vấn lại vấn đề trên khi nghe báo cáo của Chính phủ. Sau đó tôi được Bộ trưởng Bộ NNPTNT và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư gặp, trao đổi và cho biết đã dừng việc cho thuê đất để trồng rừng với người nước ngoài. Còn những nơi nào đã thuê rồi thì sớm chấm dứt hợp đồng đó, những nơi họ thuê mà đang triển khai rồi thì để họ triển khai xong, trong thời điểm thích hợp sẽ ách lại. Vấn đề này tôi cũng trao đổi cả với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên Môi trường.

 Xin cảm ơn ông!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem