Dựng hàng rào, mua lưới ngăn chim, chuột chống dịch tả lợn châu Phi

Giang Hạ Thứ sáu, ngày 29/11/2019 15:00 PM (GMT+7)
Trước tình hình diễn biến dịch tả lợn Châu Phi (DTLCP) vẫn diễn ra phức tạp, chăn nuôi an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp căn cơ, góp phần phòng chống dịch bệnh, từ đó chủ động được nguồn thực phẩm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp cuối năm.
Bình luận 0

Ngày 29/11, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp với Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT), Sở NNPTNT Bắc Ninh tổ chức Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp chủ đề “Giải pháp phát triển chăn nuôi lợn ATSH vùng Đồng bằng sông Hồng”.

img

Tại diễn đàn, các chuyên gia, nhà quản lý đã giải đáp những câu hỏi của đại biểu và các hộ chăn nuôi.

ATSH - giải pháp căn cơ để chăn nuôi lợn bền vững

Từ ngày 13/3 đến hết ngày 18/11, DTLCP đã xảy ra tại 12.445 hộ của 8/8 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Bắc Ninh, làm 131.087 con lợn mắc bệnh, chết và phải tiêu hủy với tổng trọng lượng 9.083.337 kg (ước tính thiệt hại khoảng 400 tỷ đồng).

Tuy nhiên, với nhiều giải pháp đồng bộ như thay đổi phương thức chăn nuôi, giết mổ, đặc biệt là áp dụng ATSH trong chăn nuôi lợn nên đã hạn chế được thiệt hại do DTLCP gây ra.

Đến thăm mô hình chăn nuôi lợn ATSH của Công ty TNHH lợn giống hạt nhân Dabaco (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), ông Nguyễn Đức Toản – Phó Giám đốc Công ty cho biết: Để ngăn chặn dịch lây lan vào trại, ngoài biện pháp phun thuốc tiêu độc khử trùng, rải vôi bột bên trong và ngoài chuồng trại, chúng tôi phải thực hiện nghiêm ngặt các quy trình chăn nuôi ATSH để giữ được đàn lợn khỏe mạnh như hiện nay.

Theo ông Toản, đơn vị đã xây dựng hàng rào và vùng an toàn từ cổng đến khu trại nuôi, bên cạnh đó  công ty mua lưới dày che kín, xử lí côn trùng, kiểm soát chim, chuột, vật trung gian truyền bệnh. Đồng thời, kiểm soát nguồn thức ăn, tăng cường chăm sóc nuôi dưỡng, bổ sung men sinh học, vitamin cao cấp trộn vào thức ăn để tăng sức đề kháng cho lợn... Nhờ đó, đàn lợn trong trang trại vẫn được đảm bảo an toàn.

img

Người chăn nuôi xã Việt Ngọc (huyện Tân Yên, Bắc Giang) áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp chăn nuôi ATSH.

Tại diễn đàn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Tài (tỉnh Bắc Ninh) cũng chia sẻ kinh nghiệm trong công tác phòng chống DTLCP. Theo đó, huyện Lương Tài có tổng đàn lợn 32.150 con, sau khi DTLCP bùng phát ngày 21/3, đến nay toàn huyện đã tiêu hủy 19.506 con.

Để bảo vệ đàn lợn chưa mắc bệnh, huyện Lương Tài đã tuyên truyền, hướng dẫn nhiều trang trại và các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ áp dụng ATSH trong chăn nuôi lợn như: vệ sinh, thu gom rác thải, chất độn chuồng đem ủ, khử trùng tiêu độc bằng vôi bột và hóa chất sát trùng toàn bộ khu chăn nuôi…

“Chúng tôi đã hướng dẫn và tuyên truyền cho người chăn nuôi thực hiện các biện pháp chăn nuôi ATSH, không giết mổ, không mua bán lợn ốm, chết, chủ động khai báo khi có gia súc ốm, chết…Cấp vật tư, hóa chất đến các xã, thị trấn để phục vụ công tác phòng, chống dịch”, ông Dương Đình Toản – Phó Giám đốc Trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện Lương Tài chia sẻ.

Chuyên gia “hiến kế” giúp bà con chăn nuôi an toàn

img

Bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm KNQG khẳng định: Chăn nuôi an toàn sinh học đặc biệt quan trọng, vì vậy cần làm tốt công tác kiểm soát các cơ sở sản xuất để tái đàn; Tăng cường sử dụng chế phẩm sinh học để tăng cường sức khỏe cho đàn lợn; Cần đảm bảo nguồn giống; Các địa phương chăn nuôi một số sản phẩm bản địa thay thế để giảm áp lực thịt lợn, đặc biệt vào giai đoạn Tết Nguyên đán.

Tại diễn đàn, các đại biểu, hộ chăn nuôi đã đưa ra nhiều câu hỏi trao đổi, chia sẻ những khó khăn, vướng mắc trong quá chăn nuôi lợn, cách phòng, chống DTLCP… với các nhà quản lý, chuyên gia trong lĩnh vực chăn nuôi, công nghệ hóa sinh.

Trả lời câu hỏi của ông Nguyễn Văn Hòa (huyện Quế Võ, Bắc Ninh) về giải pháp phòng chống DTLCP, ông Nguyễn Văn Trọng – Phó Cục trưởng Cục chăn nuôi cho biết: "Để giảm thiểu dịch bệnh, chúng tôi khuyến cáo bà con thực hiện tốt chăn nuôi ATSH, đối với tất cả đàn vật nuôi cần tiêm phòng vaccine đầy đủ để tăng sức đề kháng của vật nuôi. Ngoài ra phải áp dụng khoa học công nghệ trong chăn nuôi để hạn chế mầm bênh; con giống phải đảm bảo được nguồn gốc hoặc mua từ các đơn vị uy tín; thực hiện tái đàn cần tuân thủ các quy định của cơ quan thú y.

Giải đáp câu hỏi của chị Trần Thị Hoa (huyện Vụ Bản, Nam Định) về việc sử dụng nước máy cho lợn uống có an toàn và tránh được DTLCP hay không?, ông Nguyễn Văn Hưởng – Trung tâm KNQG cho hay: Nước máy là nước sạch đã qua xử lý nên có thể sử dụng làm nguồn nước uống cho lợn, tuy nhiên ông Hưởng cũng lưu ý bà con nếu không kiểm soát tốt các thiết bị chứa, dẫn nước sẽ là nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh cho đàn lợn.

Trả lời băn khoăn của các hộ dân có lợn mắc DTLCP bị tiêu hủy nhưng đến nay chưa nhận được tiền hỗ trợ, ông Nguyễn Công Trình – Phó Giám đốc sở NNPTNT Bắc Ninh cho biết: Do thủ tục hoàn thiện hồ sơ cần nhiều thời gian, vì vậy đã ảnh hưởng đến công tác giải ngân đến các hộ được hỗ trợ, Sở NNPTNT tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh tạm ứng kinh phí dự phòng trên 313 tỷ đồng hỗ trợ các hộ có lợn mắc DTLCP bị tiêu hủy.

"Trung tâm Khuyến nông Quốc gia sẽ kiến nghị Bộ Nông nghiệp và PTNT tiếp tục xây dựng các dự án chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh; tiếp tục chuyển giao các tài liệu phòng chống dịch tả lợn châu Phi, giới thiệu các mô hình hay để nhân rộng trong sản xuất; tiếp tục tổ chức các Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp kết nối các nhà quản lý, nhà khoa học và doanh nghiệp với bà con nông dân để hỗ trợ tối đa cho khôi phục sản xuất, phát triển chăn nuôi lợn trong thời gian tới", bà Hạ Thúy Hạnh - Phó Giám đốc Trung tâm KNQG cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem