Tám năm kể từ ngày đi vào vận hành thương mại đến nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nhiều lần gửi văn bản lên Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ CôngThương gây sức ép về việc điều chỉnh thuế nhập khẩu xăng dầu vì cho rằng việc hạ các mức thuế nhập khẩu theo lộ trình thực hiện các cam kết quốc tế khiến nhà máy này luôn có nguy cơ đóng cửa do sản phẩm khó cạnh tranh.
Mới đây, trong một văn bản của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam gửi đến Bộ Công Thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ cho biết nhà máy lọc dầu Dung Quất lại tiếp tục phải đối mặt nguy cơ dừng sản xuất, do không cạnh tranh nổi với xăng dầu nhập cảng từ ASEAN dù đã giảm giá bán. Nguyên nhân là kể từ đầu năm 2016 giá bán sản phẩm dầu diesel của Dung Quất chịu thuế cao hơn 10% so với hàng cùng loại nhập từ ASEAN. Nhà máy lọc dầu Dung Quất không thể cạnh tranh so với nguồn hàng nhập cảng từ ASEAN.
Nhà máy lọc dầu Dung Quốc là dự án kinh tế trọng điểm quốc gia đặt tại Quảng Ngãi song ngay từ khi ra đời đã nhận không ít sự thiếu đồng thuận vì yếu tố địa điểm không mang tính kinh tế.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất của Việt Nam do Tập đoàn PetroVietnam thực hiện trị giá 3,1 tỷ USD (con số điều chỉnh cuối cùng). Thời gian thực hiện 6 năm, từ năm 2003 - 2009 (không tính thời gian đàm phán).
Nhà máy được thiết kế để chế biến 100% dầu ngọt Bạch Hổ. Song dầu Bạch Hổ giảm sản lượng, không đủ cung cấp cho nhà máy và sẽ nhanh chóng hết hẳn trong vài năm tới, nên PetroVietnam ngay từ năm đầu tiên đã phải đi nhập dầu thô khác cho nhà máy lọc dầu Dung Quất.
Tuy nhiên, nhập dầu ngọt nhập về để chế biến rất khó vì hiếm, không có nguồn nhập ổn định. Do đó, xăng dầu của nhà máy Dung Quất chế biến luôn chịu nhiều rủi ro kỹ thuật. Chất lượng các sản phẩm cuối cùng của nhà máy không bảo đảm nên càng khó tiêu thụ.
Phải thấy rằng bản chất của lọc hóa dầu có lợi nhuận thấp, đặc biệt ở các nước có công nghệ phụ thuộc như Việt Nam và một số nước Đông Nam Á. Chính phủ đã phải áp dụng rất nhiều ưu đãi cho nhà máy lẫn sản phẩm mà Dung Quất sản xuất ra. Với những ưu đãi, chính người dân đang phải chịu thiệt thòi với phần tiền thuế bị mất.
Rõ ràng, việc các dự án lọc dầu như Dung Quất năm nào cũng phải xin ưu đãi là có vấn đề, không bình thường. Bộ Tài chính năm nay có thể sẽ lại phải điều chỉnh mức thuế cho Dung Quất nhưng đã đến lúc chúng ta phải xem lại toàn bộ cơ chế tài chính cho nhà máy lọc dầu này. Về lâu dài, Chính phủ nên thận trọng, cân nhắc trong phát triển công nghiệp hóa dầu. Lợi ích của các dự án lọc dầu, trên thực tế Việt Nam không được bao nhiêu. Càng kéo dài ưu đãi càng làm cho các nhà máy lọc dầu như Dung Quất không thể có sức cạnh tranh.
Đã đến lúc Nhà máy lọc dầu Dung Quất phải có những giải pháp về con người, quản lý, khoa học công nghệ, nguồn nguyên liệu và sản phẩm. Cần đẩy mạnh tối ưu hóa, nhằm kịp thời đưa ra các giải pháp hữu hiệu để vận hành Nhà máy ổn định và hiệu quả, có tính cạnh tranh cao về giá cả và đảm bảo sản phẩm tiêu thụ tốt tại thị trường nội địa.
Dung Quất phải làm chủ công nghệ sản xuất, cải tiến kỹ thuật nâng cao hiệu suất, chất lượng, giảm chi phí sản xuất và đa dạng hóa sản phẩm, chế biến phụ phẩm sản xuất ethanol thành chế phẩm sinh học… Có chiến lược về mở rộng và nâng cấp nhà máy, tìm kiếm nguồn dầu thô nguyên liệu đầu vào, tái cấu trúc và cổ phần hóa công ty, xác định nguồn vốn khả thi để phục vụ đầu tư cho giai đoạn từ nay đến 2025. Trong bối cảnh hiện nay, khi các dự án lọc hóa dầu khác đã và đang được đầu tư dưới nhiều hình thức tại Việt Nam, thì những vấn đề về cạnh tranh công nghệ, nhân lực, thương mại, thị trường... cũng trở thành những thách thức đối với tương lai của Dung Quất
Vui lòng nhập nội dung bình luận.