Đứng thứ 3 thế giới về xuất khẩu tơ tằm, Việt Nam hướng đến thu 150 triệu USD/năm vào 2025

Bình Minh Thứ bảy, ngày 11/11/2023 17:30 PM (GMT+7)
Việt Nam có gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, diện tích dâu tằm 2022 khoảng 13.210 ha. Việt Nam đứng thứ 3 trên thế giới về sản lượng tơ, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD. Tuy nhiên, nghề trồng dâu nuôi tằm chủ yếu tự phát, quy mô sản, xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có một quy hoạch tổng thể.
Bình luận 0

Thông tin trên được các cơ quan quản lý Nhà nước, chuyên gia và các doanh nghiệp cho biết tại Hội thảo: "Xây dựng vùng nguyên liệu và Phát triển thương mại ngành dâu tằm tơ", chiều 11/11, được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (KNQG) phối hợp với Sở NNPTNT Hà Nội tổ chức.

Theo Trung tâm Khuyến nông Quốc, cả nước có gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, diện tích dâu tằm đạt 13.210 ha tính đến năm 2022, sản lượng kén đạt 16.824 tấn/năm, sản lượng tơ đạt khoảng 2.000 tấn/năm.

Ngành - Ảnh 1.

Bà Lương Thanh Hạnh, CEO Công ty Cổ phần Thương mại Hanhsilk cho rằng, cho rằng điểm yếu của ngành dâu tằm tơ Việt Nam đó là, chưa có quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài. Ảnh: Bình Minh

Việt Nam đang đứng thứ 3 thế giới về sản lượng tơ, chỉ sau Trung Quốc và Ấn Độ, giá trị xuất khẩu năm 2022 đạt 70 triệu USD/năm. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Doãn Hùng, Trưởng phòng Khuyến nông Trồng trọt và Lâm nghiệp (Trung tâm KNQG), ngành dâu tằm tơ Việt Nam đang gặp nhiều trở ngại cả về sản xuất và thị trường. Trong đó, nghề trồng dâu nuôi tằm được thực hiện chủ yếu tự phát, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa có một quy hoạch tổng thể và chương trình phát triển dài hạn để hình thành các vùng nguyên liệu gắn với tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ sản phẩm.

Nghề trồng dâu nuôi tằm chủ yếu vẫn là sản xuất thủ công nhiều khâu, đặc biệt là trồng dâu nuôi tằm và hái lá, cơ giới hóa trong sản xuất còn nhiều hạn chế. Trình độ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ dịch bệnh... còn thấp. Việc nuôi tằm vẫn phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Biến đổi khí hậu, sâu bệnh hại cây dâu, tằm khiến sản lượng kén thực tế thấp hơn nhiều so với năng suất tiềm năng. Bên cạnh đó, ngành dâu tằm tơ Việt Nam chủ yếu sản xuất kén, chế biến tơ thô xuất khẩu nguyên liệu.

Ngành - Ảnh 2.

Mô hình trồng dâu, nuôi nằm ở xã Khánh Sơn, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Vĩnh Khang

Đồng quan điểm, bà Lương Thanh Hạnh, CEO Công ty Cổ phần Thương mại Hanhsilk cho rằng, điểm yếu của ngành dâu tằm tơ Việt Nam khi chưa có quy hoạch và định hướng phát triển lâu dài và sản xuất nhỏ, manh mún, thiếu tính chuyên nghiệp.

Bà Hạnh cho hay, để ngành dâu tằm tơ Việt Nam phát triển cần chủ động nguồn giống tằm, đồng thời nhập khẩu chính ngạch giống trứng tằm từ Trung Quốc về Việt Nam.

Ông Lê Quang Tú, Chủ tịch Hiệp hội Dâu tằm tơ Việt Nam cho hay, mức đầu tư cho trồng dâu nuôi tằm không nhiều (thậm chí có thể nói là thấp hơn hẳn so với một số ngành nghề khác như trồng cà phê, chè, cây ăn quả....) nhưng mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhanh có thu nhập.

Ở Việt Nam nghề trồng dâu nuôi tằm được rải khắp từ Bắc vào Nam. Những năm gần đây do thu nhập từ dâu tằm khá lên, một số nơi chưa có tập quán cũng đã phát triển nhanh hình thành những vùng dâu có diện tích lớn, sản lượng kén cao như: Yên Bái, Cao Bằng, Lào Cai, Sơn La, Thanh Hóa, nhất là các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai, Đồng Nai.

Theo ông Tú, để thực hiện được mục tiêu đến năm 2025 đưa diện tích dâu của nước ta lên 15.000ha, giá trị xuất khẩu đạt 150 triệu USD/năm đòi hỏi ngành sản xuất dâu tằm tơ phải có các giải pháp đồng bộ và toàn diện từ giải pháp về KHCN, giải pháp tổ chức sản xuất và giải pháp về thị trường, về chính sách, về xây dựng cơ sở và vật chất kỹ thuật.

Ngành - Ảnh 3.

Việt Nam có gần 40.000 hộ nông dân làm nghề trồng dâu nuôi tằm, diện tích dâu tằm 2022 khoảng 13.210 ha. Ảnh: Vĩnh Khang

Lâm Đồng là tỉnh phát triển ngành dâu tơ tằm lớn nhất cả nước, theo đại diện Sở NNPTNT tỉnh này cho biết, diện tích trồng dâu đạt 9.882 ha (trong đó diện tích trồng dâu ứng dụng công nghệ cao đạt trên 2.000 ha), với khoảng trên 15.000 hộ trồng dâu nuôi tằm, tập trung chủ yếu tại các huyện Lâm Hà (3.510 ha), huyện Đạ Tẻh (1.573 ha), huyện Đức Trọng (1.754 ha), thành phố Bảo Lộc (749 ha), huyện Di Linh (710 ha), huyện Đam Rông (630 ha), huyện Bảo Lâm (596 ha)...

Diện tích cây dâu tằm tăng bình quân 7,6%/năm. Sản lượng lá dâu đạt 250.398 tấn/năm, Sản lượng kén tằm đạt 14.867 tấn/năm; sản lượng sợi tơ các loại đạt 2.117 tấn.

Hiện, Lâm Đồng có 200 cơ sở nuôi tằm con tập trung (công suất sản xuất bình quân 100 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa nắng và 200 hộp trứng/cơ sở/tháng vào mùa mưa). Tuy nhiên, do chưa chủ động được nguồn trứng giống tằm và phụ thuộc phần lớn nguồn giống nhập khẩu từ nước ngoài.

Để tháo gỡ các khó khăn, tồn tại nhằm thúc đẩy ngành trồng dâu nuôi tằm phát triển bền vững, đại diện tỉnh Lâm Đồng đề xuất Bộ NNPTNT làm việc với cơ quan chức năng có thẩm quyền của Trung Quốc để tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng được nhập khẩu trứng tằm theo đường chính ngạch. 

Đồng thời hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng và các doanh nghiệp nhập khẩu trứng giống tằm tìm các nguồn cung cấp giống từ các nước khác ngoài Trung Quốc để tránh phụ thuộc vào một thị trường như hiện nay.


 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem