Dùng tro, xỉ than làm vật liệu xây dựng: Tiết kiệm tiền tỷ mỗi năm

Việt Hà Thứ hai, ngày 26/11/2018 10:37 AM (GMT+7)
“Doanh nghiệp sử dụng tro, xỉ nhiệt điện than sẽ đầu tư công nghệ, chất xám, nhưng Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ kịp thời, hợp lý, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển bền vững”.
Bình luận 0

Đó là chia sẻ của ông Kiều Văn Mát - Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Công ty CP Sông Đà Cao Cường, cũng là tâm tư chung của các doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực này.

Nhiều vướng mắc trong tiêu thụ tro, xỉ

img

Lượng tiêu thụ chỉ đạt khoảng 30% tổng lượng tro, xỉ từ các nhà máy nhiệt điện than ở Trung tâm Nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: V.H

Phó Tổng giám đốc EVN Nguyễn Tài Anh: EVN sẽ tiêu thụ hết lượng tro, xỉ nhiệt điện

Hiện nay, khối lượng tro, xỉ thải ra từ các nhà máy nhiệt điện than của EVN khoảng  8,1 triệu tấn/năm. Cần khẳng định rằng, mục tiêu chính của EVN là tiêu thụ hết toàn bộ lượng tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện trong dài hạn.
Tập đoàn đang chủ động xây dựng hồ sơ mời xử lý tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện trong dài hạn, với mục tiêu lựa chọn được các đối tác có đủ năng lực, có giải pháp khả thi, sẵn sàng hợp tác với các nhà máy điện để tiêu thụ tro, xỉ lâu dài.
EVN kiến nghị các cơ quan quản lý nhà nước sớm ban hành, sửa đổi một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan. Cụ thể, sửa đổi Nghị định 38 và các thông tư hướng dẫn liên quan, xác định tro, xỉ là hàng hóa thông thường trong vận chuyển, lưu thông.
EVN cũng đề xuất bổ sung các quy định bắt buộc đối với các cơ quan quản lý nhà nước trung ương và địa phương phải ưu tiên sử dụng sản phẩm sản xuất từ tro, xỉ trong các công trình xây dựng, san lấp… nhất lại tại các địa phương có các nhà máy nhiệt điện than.

Theo Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường Công nghiệp (Bộ Công Thương), tổng hợp số liệu từ 23 nhà máy nhiệt điện cho thấy, lượng tro, xỉ các nhà máy thải ra hàng năm khoảng 12,2 triệu  tấn. Trong đó, chủ yếu tập trung tại khu vực phía Bắc (chiếm 60%), miền Trung (chiếm 21%) và miền Nam (chiếm 19%). Đến nay, lượng tro, xỉ được tiêu thụ hàng năm vẫn còn thấp. Năm 2017, cả nước chỉ tiêu thụ được 4 triệu tấn (khoảng 30%). Nguyên nhân là do thị trường vẫn còn quen sử dụng vật liệu xây dựng (VLXD) truyền thống, trong khi đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều bất cập.

Cụ thể, chính sách thuế chưa thực sự khuyến khích sản xuất VLXD không nung, chưa tạo chênh lệch giá giữa sản phẩm gạch nung với gạch không nung. Đặc biệt, Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT của Bộ Tài nguyên và Môi trường lại đưa tro bay và bụi lò hơi có dầu từ các nhà máy nhiệt điện than vào danh mục chất thải nguy hại.

Ông Kiều Văn Mát cho biết, quy định này làm cho các nhà máy mất thêm kinh phí phân tích thành phần tro, xỉ, nhưng kết quả cuối cùng đều thấp hơn ngưỡng chất thải nguy hại theo quy định. Ngoài ra, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho xử lý, sử dụng tro, xỉ trong sản xuất VLXD và sử dụng trong các công trình xây dựng còn thiếu.

Cần cơ chế hỗ trợ

Ông Vũ Thanh Tuyền-Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thanh Tuyền cho biết: Để có nhà máy sản xuất gạch không nung Thanh Tuyền như hôm nay, Công ty đã “chia tay” 1 nhà máy gạch nung. Công ty phải mang tro - xỉ sang Nhật Bản tìm công nghệ chế biến phù hợp... Tuy nhiên, hoạt động của các DN sản xuất gạch không nung còn nhiều khó khăn.

Sau 8 năm Nhà nước đưa ra chủ trương thay thế vật liệu nung bằng vật liệu không nung, nhưng đến nay, thị trường chủ yếu vẫn sử dụng gạch… nung.

Theo ông Tuyền, muốn thu hút nhiều DN tham gia sản xuất gạch không nung, Chính phủ cần có chính sách hỗ trợ tổng thể cho DN, từ quản lý, vận chuyển, sử dụng và tiêu thụ tro - xỉ nhiệt điện, cho đến các ưu đãi về thuế, tín dụng, kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm của các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền...

Cùng chung quan điểm trên, ông Kiều Văn Mát cho rằng, cần phải làm rõ tro xỉ là chất thải rắn, chất thải thông thường hay chất thải nguy hại. Theo đó, các cơ quan quản lý nhà nước cần ban hành tiêu chuẩn rõ ràng, xác định tro xỉ có thể tái sản xuất, tạo ra vật liệu không nung hoặc phụ gia bê tông, xi măng đảm bảo chất lượng và đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường. Nếu vật liệu không nung được thay thế, mỗi năm nước ta có thể tiêu thụ 15 triệu tấn tro, xỉ.

Theo PGS-TS Bạch Đình Thiên (Viện Nghiên cứu ứng dụng VLXD nhiệt đới, nếu xử lý tốt tro, xỉ, có thể tiết kiệm hàng chục triệu tấn khoáng sản/năm, tiết kiệm hàng trăm ha đất làm bãi thải và quan trọng hơn là đảm bảo phát triển bền vững...

Vì vậy, các bộ, ngành cần khẩn trương phối hợp thực hiện có hiệu quả Quyết định số 452/QĐ-TTg ngày 12.4.2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, nhà máy hóa chất, phân bón làm nguyên liệu sản xuất vật VLXD và trong các công trình xây dựng”.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem