Được nới room tín dụng, ngân hàng tính rót tiền vào đâu?

Huyền Anh Thứ sáu, ngày 09/09/2022 15:49 PM (GMT+7)
Hàng chục ngân hàng đã được điều chỉnh room tín dụng từ 0,7% - 4%. Dù vậy dư địa cho vay trong 4 tháng cuối năm cũng không còn nhiều. Nhiều ngân hàng khẳng định, sẽ tập trung rót vốn vào các lĩnh vực ưu tiên và các lĩnh vực thế mạnh.
Bình luận 0

Giữa tuần này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thông báo chính thức về việc đã thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2022 đối với các tổ chức tín dụng (TCTD) có đề nghị và có thông báo gửi các TCTD này.

Theo thông tin chúng tôi có được, trong số khoảng 15 ngân hàng được điều chỉnh hạn mức tín dụng trong đợt này, với mức room điều chỉnh giao động từ 0,7% - 4%.

Trong đó, Sacombank là nhà băng được cấp bổ sung 4% - cao nhất. Tiếp theo là "ông lớn" Agribank được nới room thêm 3,5% từ ngưỡng 7%. Một số ngân hàng khác được nới room lần này còn có MB (3,2%); OCB thêm 3,1%; Vietcombank thêm 2,7%; SeABank thêm khoảng 2,7%; TPBank thêm 1,2%;...

Hàng chục ngân hàng được nới thêm room tín dụng từ 0,7% - 4%, tiền rót vào đâu?

Là một trong những nhà băng được cấp bổ sung hạn mức tăng trưởng tín dụng lần này, ông Nguyễn Thanh Tùng - Phó Tổng giám đốc Vietcombank cho biết, Vietcombank được NHNN điều chỉnh room tín dụng tăng thêm 2,7%. Như vậy trong năm 2022, Vietcombank được tăng trưởng tín dụng ở mức 17,7% so với cuối năm.

Tuy nhiên, để được NHNN chấp thuận cho tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa đến cuối năm 2022, trong thời gian vừa qua, Vietcombank đã nỗ lực để đạt được xếp hạng hạng A theo Thông tư 52 của NHNN về qui định xếp hạng các tổ chức tín dụng, chi nhánh các ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, Vietcombank đã thực hiện tốt các tiêu chí, chỉ tiêu về an toàn vốn, về thanh khoản, về chất lượng điều hành cũng như đạt kết quả tốt về hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, Vietcombank cũng đã thực hiện tốt các chỉ đạo của NHNN như giảm lãi suất, cho vay đối với doanh nghiệp và người dân cũng như hỗ trợ cho tổ chức tín dụng yếu kém.

"Sau khi được NHNN cho phép tăng thêm 2,7% dư nợ tín dụng tối đa, Vietcombank sẽ tiếp tục kiểm soát tăng trưởng tín dụng vào những lĩnh vực, ngành nghề thiết yếu của nền kinh tế, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, kiểm soát tốt thanh khoản, kiểm soát tốt rủi ro tín dụng, đảm bảo tỷ lệ nợ xấu được kiểm soát ở mức độ thấp, duy trì mặt bằng lãi suất huy động vốn, lãi suất cho vay, đảm bảo ở mức hợp lý, hỗ trợ cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế cũng như phục hồi và phát triển của các doanh nghiệp", ông Tùng thông tin thêm.

Được điều chỉnh room tín dụng 0,7% - 4%, ngân hàng “rót” tiền vào đâu? - Ảnh 1.

Hàng chục ngân hàng được nới thêm room tín dụng từ 0,7% - 4%. (Ảnh: VCB)

Tại Sacombank, Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Thạch Diễm cho hay, sau khi được cấp thêm, từ nay đến cuối năm, Sacombank sẽ còn khoảng 15.000 tỷ đồng để cung ứng ra nền kinh tế. Sacombank sẽ hướng vào các lĩnh vực theo định hướng của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.

Riêng với bất động sản, theo bà Diễm việc cho vay sẽ tiếp tục hạn chế hoặc nếu có chỉ là thực hiện những hợp đồng đã cam kết cấp tín dụng từ trước.

Tương tự, lãnh đạo VIB khẳng định, với hạn mức tăng trưởng tín dụng được cấp thêm là 3%, nhà băng này sẽ dùng nguồn lực bổ sung này vào thế mạnh của mình, đó là cho vay các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cho vay tiêu dung để kích thích nhu cầu tiêu dùng của người dân.

"Chúng tôi tập trung vào mảng bán lẻ, trong đó có tài trợ cho người dân mua nhà để ở, tài trợ cho người dân mua xe để đi, tài trợ cho việc tăng trưởng thẻ tín dụng của chúng tôi. Đồng thời, chúng tôi cũng có mảng rất quan trọng là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất nhập khẩu,…", lãnh đạo VIB chia sẻ và nhấn mạnh, với mức 3% được cấp thêm, VIB không nghĩ là thiếu cho việc tăng trưởng.

Với hạn mức tăng thêm 3,2%, ông Vũ Thành Trung – Thành viên Ban điều hành MBBank cho biết, MB sẽ nhanh chóng giải ngân trong vòng 1 tháng để đáp ứng các hồ sơ vay hiện có.

"Mức tăng thêm khoảng 12.000 tỷ đồng. MBBank định hướng trong vòng 1 tháng tới có 90% nguồn vốn này sẽ được phân bổ về cho vay hoạt động sản xuất kinh doanh. Đây là mảng trong vòng 2 tháng qua nhu cầu về vốn rất lớn", ông Trung nhấn mạnh.

Nới room với quy mô chưa đủ lớn, ngân hàng thương mại vẫn kỳ vọng

Khẳng định động thái nới room tín dụng cho các ngân hàng là việc cần thiết, tuy nhiên không ít chuyên gia vẫn cho rằng, mức điều chỉnh cho các ngân hàng còn khá "nhỏ giọt" trong khi phần lớn các nhà băng đã tăng trưởng tín dụng mạnh từ nửa đầu năm. Do đó, dư địa cho vay còn lại trong 4 tháng cuối năm rất hạn chế.

"Con số được cấp thêm là không quá lớn và có sự phân hoá giữa các ngân hàng. Điều này chỉ là một sự "giải toả" cho áp lực căng trong thời gian vừa qua và không đáp ứng được kỳ vọng của thị trường", một chuyên gia cho hay.

Dẫn số liệu cho biết, 8 tháng đầu năm cả nước có 101.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 24,2% so với cùng kỳ năm trước. GS-TS. Trần Thọ Đạt - Ủy viên hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia thừa nhận, nhu cầu vốn cho doanh nghiệp còn rất lớn, thông thường sẽ mạnh hơn trong nửa cuối năm.

Được điều chỉnh room tín dụng 0,7% - 4%, ngân hàng “rót” tiền vào đâu? - Ảnh 3.

Dù đã nới room tín dụng cho các ngân hàng, dư địa cho vay 4 tháng cuối năm vẫn hạn chế. (Ảnh: BID)

Tuy nhiên, theo GS-TS. Trần Thọ Đạt, do tác động tiêu cực của đại dịch, khả năng suy giảm chất lượng tài sản, nguy cơ nợ xấu phát sinh dẫn đến tiềm ẩn rủi ro an toàn hệ thống.

Các tổ chức tài chính quốc tế như IMF, WB, tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc gia vẫn duy trì cảnh báo xu hướng tỷ lệ tín dụng/GDP của Việt Nam tăng nhanh trong giai đoạn gần đây, đặc biệt từ năm 2020 (năm 2021 là 124% GDP), gây rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính.

Mặt khác, tỷ lệ dư nợ tín dụng/huy động vốn thị trường đối với VND của toàn hệ thống hiện ở mức rất cao trong những năm gần đây. Ngoài ra, áp lực lạm phát có xu hướng tăng trong năm 2022 và cả năm 2023. Đây là "ràng buộc" lớn đối với công tác điều hành chính sách tiền tệ của NHNN trong việc giải bài toán điều hành tín dụng để vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế, nhưng phải đảm bảo kiểm soát lạm phát, đảm bảo hoạt động của các TCTD an toàn.

"Theo tôi điều quan trọng nhất trong bối cảnh hiện tại là cần phải nâng cao chất lượng và hướng dòng vốn đến đúng địa chỉ. Chỉ có như vậy mới có thể phát huy tối đa hiệu quả đồng vốn và giảm áp lực lạm phát từ tín dụng", GS-TS. Trần Thọ Đạt nhấn mạnh.

Dù vậy, trong quý cuối năm nhiều ngân hàng vẫn kỳ vọng, NHNN sẽ có thêm một đợt điều hành hạn mức tăng trưởng tín dụng, tạo điều kiện cho các nhà băng này đẩy mạnh hoạt động cho vay, bởi không ít nhà băng đến thời điểm hiện tại cũng đã "xài" gần hết room tín dụng sau nếu tính cả phần được cấp thêm.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem