Được, mất khi sáp nhập tỉnh: Chia sẻ từ "người trong cuộc" - nguyên Bí thư tỉnh ủy Bắc Thái Nguyễn Ngô Hai

Quỳnh Nguyễn Thứ tư, ngày 21/07/2021 06:30 AM (GMT+7)
Những ngày qua, dư luận "nóng" lên vấn đề sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh. Vị nguyên Bí thư tỉnh ủy từng trải qua 2 lần sáp nhập cho rằng cần có một nghiên cứu độc lập để đánh giá, tổng kết từng giai đoạn lịch sử, đánh giá toàn diện các vấn đề được và mất của việc sáp nhập tỉnh.
Bình luận 0

Mới đây, Bộ Nội vụ vừa đề xuất thí điểm sáp nhập một số tỉnh không đạt chuẩn về quy mô dân số, diện tích tự nhiên theo NQ1211/2016. Việc tổ chức sáp nhập tỉnh sẽ được thực hiện trong giai đoạn 2026 - 2030. Theo Bộ Nội vụ, sẽ thí điểm sắp xếp các tỉnh chưa đạt 50% một trong hai tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và quy mô dân số theo quy định. Trước mắt, sẽ thí điểm sáp nhập tỉnh có diện tích tự nhiên nhỏ, mật độ dân số đông, có khó khăn về quỹ đất dành cho không gian phát triển. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này, Bộ Nội vụ cho biết chưa đề nghị lên Chính phủ và các cấp có thẩm quyền xem xét, sáp nhập bất cứ một đơn vị hành chính cấp tỉnh nào. Lý do bởi đây là một vấn đề quan trọng, cần được nghiên cứu thấu đáo, thận trọng, kỹ lưỡng trên cơ sở lý luận và thực tiễn. 

Bên cạnh đó, cần đánh giá tác động nhiều chiều nhằm bảo đảm tính khả thi, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia và điều kiện thực tiễn của từng địa phương... trên tinh thần phải bảo đảm mục tiêu ổn định và phát triển

Những lần chia tách, sáp nhập

Sau khi thống nhất đất nước (tháng 4/1975) đến nay, Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính địa phương.

Theo thông tin tổng hợp của Bộ Nội vụ về quản lý địa giới đơn vị hành chính các cấp được công bố cách đây vài năm, sau khi thống nhất đất nước (tháng 4/1975), Việt Nam có 72 đơn vị hành chính cấp tỉnh; trong đó, miền Bắc có 25 đơn vị và miền Nam có 47 đơn vị.

Đến tháng 12/1975, Quốc hội khóa V đã ra nghị quyết bãi bỏ cấp khu, giải thể khu tự trị, hợp nhất đơn vị hành chính, sáp nhập hàng loạt tỉnh phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Sáp nhập tỉnh được gì, mất gì: Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Bắc Thái lên tiếng - Ảnh 1.

Việc sáp nhập các tỉnh sẽ không chỉ dựa trên tiêu chí về diện tích và quy mô dân số. (Ảnh minh họa/INT)

Đầu năm 1976, việc sáp nhập tiếp tục được thực hiện trên diện rộng trải dài từ Bắc Trung Bộ đến các tỉnh Tây Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên. Tính đến năm 1976, cả nước chỉ còn 38 đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Vào năm 1978, Quốc hội phê chuẩn mở rộng địa giới Hà Nội, sáp nhập thêm 5 huyện; tách tỉnh Cao Lạng thành hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn. Khi đó, cả nước có 39 tỉnh thành.

Năm 1979 thành lập Đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo, tương đương cấp tỉnh và cả nước tăng lên thành 40 đơn vị hành chính.

Năm 1989, tỉnh Bình Trị Thiên được tách ra làm 3 tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên - Huế; tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành Quảng Ngãi và Bình Định; tỉnh Phú Khánh được tách ra thành tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa. Lúc này, cả nước có 44 tỉnh thành; trong đó có 40 tỉnh, 3 thành phố và đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo.

Tới năm 1991, hàng loạt tỉnh nhập lại trước đây tiếp tục tách ra như tỉnh Hà Sơn Bình tách ra thành tỉnh Hà Tây và tỉnh Hòa Bình; tỉnh Hà Nam Ninh tách ra thành tỉnh Nam Hà và tỉnh Ninh Bình; tỉnh Nghệ Tĩnh tách ra thành tỉnh Nghệ An và tỉnh Hà Tĩnh; tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu được thành lập trên cơ sở 3 huyện tách từ tỉnh Đồng Nai hợp nhất với đặc khu Vũng Tàu Côn Đảo (giải thể đặc khu). Đến lúc này, cả nước có 53 tỉnh thành.

Năm 1997, cả nước tăng lên 61 tỉnh thành khi một số tỉnh tiếp tục chia tách. Cụ thể, tỉnh Bắc Thái tách thành tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên; tỉnh Hà Bắc tách thành tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh; tỉnh Nam Hà tách thành tỉnh Hà Nam và tỉnh Nam Định; tỉnh Hải Hưng tách thành tỉnh Hải Dương và tỉnh Hưng Yên.

Năm 2004, nước ta tách thêm 3 tỉnh nâng số đơn vị hành chính cấp tỉnh lên đến 64: Tỉnh Đắk Lắk tách thành tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk; tỉnh Cần Thơ tách thành tỉnh Hậu Giang và thành phố Cần Thơ; tỉnh Lai Châu tách ra thành tỉnh Lai Châu và tỉnh Điện Biên.

Đến giữa năm 2008, Quốc hội đã biểu quyết thông qua nghị quyết sáp nhập tỉnh Hà Tây, 4 xã của tỉnh Hòa Bình và huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) về thành phố Hà Nội.

Từ năm 2008 đến nay, Việt Nam có 63 tỉnh, thành gồm 58 tỉnh và 5 thành phố trực thuộc Trung ương.

Bí thư Tỉnh uỷ trải qua 2 lần tách - nhập tỉnh nói gì?

Xung quanh đề xuất sáp nhập một số tỉnh của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái (nay đã tách thành Thái Nguyên và Bắc Kạn) cho rằng, vấn đề quan trọng trong việc sáp nhập là cơ sở khoa học, các tiêu chí được gì mất gì phải tính toán kỹ.

Sáp nhập tỉnh được gì, mất gì: Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Bắc Thái lên tiếng - Ảnh 3.

Ông Nguyễn Ngô Hai, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái trong một lần làm việc với báo chí. (Ảnh: Báo Thái Nguyên)

Ông Hai cho biết, tách hay nhập tỉnh phù hợp với từng giai đoạn theo yêu cầu đổi mới cơ chế, nguồn lực. Năm 1965, 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn sáp nhập với tên gọi Bắc Thái. Thời điểm sáp nhập có cơ sở do Bắc Kạn có hậu phương biên giới, khi nhập vào thì toàn bộ Bắc Thái sẽ là hậu phương cho Cao Bằng. Ngoài ra, việc sáp nhập cũng để tạo điều kiện cho tỉnh Bắc Kạn phát triển, thời điểm ấy dân số của tỉnh này chỉ ở mức hơn 270.000 người.

Gắn bó dưới "mái nhà chung" đúng 31 năm, đến năm 1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã ra Nghị quyết phê chuẩn việc chia tách và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, trong đó có tỉnh Bắc Thái. Theo đó, từ ngày 1/1/1997, hai tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn chia tách, mở ra chặng đường phát triển mới cho mỗi địa phương.

Trước khi tách tỉnh, diện tích tự nhiên của Bắc Thái rộng hơn 8.000km2, địa hình phức tạp, hạ tầng giao thông còn thấp kém, gây khó khăn không nhỏ cho công tác lãnh đạo, điều hành cũng như quản lý hành chính.

Trong khi đó, nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, nhất là khu vực các huyện phía Bắc còn hạn hẹp, hạn chế khai thác được những tiềm năng, lợi thế. Trong lịch sử, Thái Nguyên và Bắc Kạn đã được hình thành đơn vị hành chính cấp tỉnh từ rất sớm (tỉnh Thái Nguyên thành lập năm 1831, tỉnh Bắc Kạn thành lập năm 1900).

20 năm sau ngày tái lập tỉnh là một khoảng thời gian chưa dài nhưng cũng đủ để khẳng định sự phát triển toàn diện của hai tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn.

Ông Nguyễn Ngô Hai chia sẻ, khi tách ra, dù được đề bạt từ cấp phó lên cấp trưởng nhưng nhiều cán bộ không muốn về Bắc Kạn vì gia đình đều ở Thái Nguyên. Với cương vị Bí thư tỉnh uỷ, ông đã thuyết phục cán bộ bằng tình cảm, trách nhiệm và bằng cả chính sách. Cụ thể, mỗi cán bộ lên Bắc Kạn công tác được tăng một bậc lương, nhận hỗ trợ 4 triệu đồng để giải quyết khó khăn và có chế độ xe đưa đón về với gia đình vào cuối tuần.

"Nhập có cái tốn kém của nhập, tách cũng có cái tốn kém của tách nhưng tách thì dễ hơn vì nhập thì dẫn tới dư thừa cán bộ. Bên cạnh đó, nhập lại thì cần lãnh đạo đủ tầm để lãnh trách nhiệm, không phải nói là có ngay nên dễ dẫn tới tình trạng đuối sức.

Theo tôi nên có hội thảo tổng kết từng giai đoạn lịch sử, vì sao nhập, vì sao tách, được gì, mất gì... nếu muốn làm tiếp. Có thể mời cựu lãnh đạo các tỉnh đã qua thực tiễn sáp nhập - chia tách để lấy ý kiến thực tiễn", ông Hai nói.

Đồng tình với quan điểm của vị nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bắc Thái, ông Bùi Văn Xuyền - cựu đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng: "Trước đây, chúng ta nhiều lần tách ra – nhập vào, nhập vào - tách ra, nhưng khi đó vẫn thiếu những căn cứ khoa học. Lúc tách ra thì có lập luận của tách ra, lúc nhập vào cũng có lập luận để nhập vào.

Còn bây giờ, cần rút kinh nghiệm từ những lần tách ra - nhập vào trước đây, phải có những lập luận chắc chắn, có luận cứ về mặt khoa học, về mặt thực tiễn, phải nghiên cứu cả về văn hóa, con người, đặc điểm khu dân cư."

Sáp nhập tỉnh được gì, mất gì: Nguyên Bí thư tỉnh uỷ Bắc Thái lên tiếng - Ảnh 5.

Ông Bùi Văn Xuyền - cựu đại biểu Quốc hội khóa XIV. (Ảnh: Quốc hội)

Ông Xuyền bày tỏ sự đồng tình với quan điểm nên sáp nhập một số đơn vị địa phương, đặc biệt là các đơn vị cấp huyện, cấp xã. Bởi, theo ông việc sáp nhập như vậy sẽ đem lại hiệu quả trong tổ chức, tinh giản biên chế, giảm đầu mối, kinh phí, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

"Hiện nay, không gian phát triển của nhiều tỉnh rất nhỏ, quy mô manh mún; trong khi đó những quy hoạch về kết cấu, về vùng thì lại chưa cụ thể, rõ ràng, chưa đủ về mặt pháp lý, cho nên rất vướng. Vì thế, việc sáp nhập các tỉnh nhỏ vào một quy mô lớn để có không gian cho quy hoạch phát triển là lẽ tất yếu.

Tuy nhiên, cần bài bản hơn, tạo đồng thuận của người dân, cán bộ Đảng viên, đảm bảo được sự đoàn kết trong nội bộ… để làm sao sau khi sáp nhập sẽ bền vững, hiệu quả lâu dài; tránh những hệ lụy xấu, không hay xảy ra", ông Xuyền nhấn mạnh.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem