Phản hồi loạt bài "Công sở tiền tỷ lãng phí sau sáp nhập”: Cao Bằng lập 3 đoàn kiểm tra

Lam Anh - Hoàng Chiên Thứ ba, ngày 15/06/2021 15:30 PM (GMT+7)
Sau khi Báo NTNN/Điện tử Dân Việt đăng tải loạt bài về Trụ sở bỏ hoang sau sáp nhập huyện, xã, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng cho biết đã có 3 đoàn công tác kiểm tra tại các huyện Hà Quảng, Trùng Khánh, Quảng Hòa.
Bình luận 0

Tỉnh Cao Bằng tìm giải pháp tránh lãng phí

Theo đó, sáng ngày 11/6/2021, Đoàn công tác do ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng làm Trưởng đoàn đến kiểm tra, đánh giá thực trạng cơ sở nhà, đất sau sắp xếp các đơn vị hành chính ở huyện Trùng Khánh.

Được biết, sau khi sáp nhập các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, huyện Trùng Khánh có 25 cơ sở nhà đất dôi dư; Trụ sở các phòng, ban chuyên môn gồm 13 cơ sở nhà, đất, giữ lại tiếp tục sử dụng 3 cơ sở nhà, đất, điều chuyển 4 cơ sở nhà đất; Trụ sở UBND các xã, thị trấn gồm 12 cơ sở nhà, đất, giữ lại tiếp tục sử dụng 7 cơ sở nhà, đất, điều chuyển 5 cơ sở nhà, đất.

Phản hồi loạt bài "Công sở tiền tỷ lãng phí sau sáp nhập”: Cao Bằng lập 3 đoàn kiểm tra - Ảnh 1.

Ông Nguyễn Trung Thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng (áo tím) và đoàn công tác kiểm tra trụ sở UBND huyện Trà Lĩnh cũ (nay là huyện Trùng Khánh). (Ảnh: Kim Cúc)

Sau buổi kiểm tra, ông Nguyễn Trung Thảo đề nghị UBND huyện Trùng Khánh tiếp tục duy trì công tác bảo vệ, trông coi trụ sở; tiến hành rà soát, đánh giá lại các sở sở nhà, đất có phương án thẩm định phù hợp sắp xếp chủ động, linh hoạt tránh lãng phí…

Cùng ngày, Đoàn kiểm tra số 2 của tỉnh do bà Nguyễn Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn đến kiểm tra, đánh giá thực trạng cơ sở nhà, đất sau khi sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện, xã tại huyện Hà Quảng.

Tại buổi kiểm tra, bà Nguyễn Bích Ngọc đề nghị huyện Hà Quảng tiến hành rà soát lại từng cơ sở nhà, đất để có phương án sắp xếp khoa học, tối ưu nhất, đúng quy định, sử dụng có hiệu quả. Trước mắt, đối với 3 cơ sở thu hồi cần giao cho 1 đơn vị quản lý; triển khai các thủ tục bàn giao tài sản; một số phòng ban không sử dụng đưa vào phương án sắp xếp bán đấu giá tài sản;…

Đồng thời yêu cầu UBND huyện Hà Quảng chỉ đạo các cơ quan, đơn vị được giao tiếp nhận quản lý, sử dụng cơ sở nhà, đất phải đảm bảo công tác bảo vệ tài sản và an ninh trật tự; quan tâm công tác an ninh trật tự, vệ sinh môi trường đối với các cơ sở nhà, đất tạm thời chưa sử dụng.

Phản hồi loạt bài "Công sở tiền tỷ lãng phí sau sáp nhập”: Cao Bằng lập 3 đoàn kiểm tra - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng (áo trắng) kiểm tra cơ sở nhà, đất sau sáp nhập tại huyện Hà Quảng. (Ảnh: Dương Liễu).

Trao đổi với PV Báo NTNN/Dân Việt bà Nguyễn Bích Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng - cho biết: "Tinh thần là không được phép để nhà hoang, cần phải sử dụng, không riêng gì trụ sở. Tuy nhiên mình cần thực hiện song song sao cho phù hợp với quy hoạch".

Trước đó, ngay sau khi tiếp nhận thông tin phản ánh của Báo NTNN/Dân Việt, ông Hoàng Xuân Ánh, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng đã dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra tại huyện Quảng Uyên. "Sau khi tiến hành kiểm tra, tổng hợp sẽ thông tin lại quý Báo" - ông Ánh nói.

Còn tại tỉnh Hòa Bình, trao đổi với Phóng viên, cán bộ Phòng Quản lý giá và Công sản cho biết, sau khi Báo NTNN/Dân Việt phản ánh, tỉnh Hòa Bình đang làm rất quyết liệt về việc rà soát sắp xếp tài sản công theo Nghị định 167/NĐ-CP của Chính phủ và rà soát toàn bộ trụ sở các đơn vị sau khi sắp sếp. Sau đó sẽ đề xuất phương án sắp xếp cho phù hợp.

Bộ Tài Chính: UBND cấp tỉnh được giao đảm bảo tài sản sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí

Liên quan đến việc sử dụng tài sản tại đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau sắp xếp, sáp nhập. Bộ Tài chính cho biết, tại Điều 41, Điều 42, Điều 43 Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành (Nghị định số 151/2017, Nghị định số 167/2017) đã quy đinh cụ thể các hình thức xử lý tài sản công (trong đó có nhà, đất) của các cơ quan nhà nước khi có thay đổi về tổ chức, thay đổi chức năng, nhiệm vụ; thẩm quyền quyết định, trình tự, thủ tục lập phương án, phê duyệt phương án, quyết định xử lý và tổ chức thực hiện việc xử lý theo từng hình thức.

Phản hồi loạt bài "Công sở tiền tỷ lãng phí sau sáp nhập”: Cao Bằng lập 3 đoàn kiểm tra - Ảnh 3.

Trụ sở UBND huyện Phục Hòa trước đây gần như để không, ngay sảnh vào tòa nhà được một số người căng lưới chơi cầu lông. (Ảnh: Hoàng Chiên)

Các bộ, ngành, địa phương, trong đó có các địa phương có đơn vị hành chính cấp huyện, xã được sắp xếp, sáp nhập theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã và đang thực hiện theo các quy định kể trên.

Tại điểm b khoản 7 mục III kế hoạch thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong gia đoạn 2019 - 2021 (Ban hành kèm theo Nghị quyết số 32 ngày 14/5/2019 của Chính phủ) giao UBND cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo các nội dung:

"Rà soát, xây dựng phương án tiếp nhận, bàn giao, sử dụng các trụ sở làm việc, tài sản, cơ sở vật chất của các cơ quan, tổ chức, đơn vị thực hiện sáp nhập, hợp nhất tại các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã sau khi sắp xếp, bảo đảm sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí, thất thoát tài sản, đất đai khi đưa vào khai thác, sử dụng".

Như vậy, pháp luật về quản lý, sử dụng đã quy định các nội dung liên quan đến việc sắp xếp, xử lý tài sản công khi có sự thay đổi về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ làm cơ sở để UBND cấp tỉnh hướng dẫn, chỉ đạo thực hiện theo Nghị quyết số 32 ngày 14/5/2019 của Chính phủ.

Trước đó, Báo NTNN/Dân Việt đã đăng tải loạt bài phàn ánh "Sau sáp nhập huyện, xã, công sở tiền tỷ bị bỏ phơi mưa phơi nắng" gây lãng phí rất lớn tại một số tỉnh đi đầu trong cả nước trong việc thực hiện Đề án sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, xã như tỉnh Cao Bằng, Hòa Bình...

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem