Đường hoa nông thôn mới, tường nhà vẽ tranh bích họa như phim ở làng họ Đặng của Quảng Ninh
Làng họ Đặng ở Quảng Ninh với đường hoa nông thôn mới, tường nhà vẽ tranh bích họa đẹp như phim
Thứ hai, ngày 03/04/2023 13:18 PM (GMT+7)
Khi những cánh hoa đào đua nhau khoe sắc khắp núi rừng cũng là lúc người dân xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn (TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh) sum vầy bên gia đình, làng bản để đón một mùa Xuân mới với kỳ vọng cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.
Xóm họ Đặng nhiều năm nay được mệnh danh là "làng bích hoạ". Con đường hoa nông thôn mới dẫn vào xóm tươi mới với hai bên đường là những hàng cây xanh, hoa tươi khoe sắc.
Con đường hoa nông thôn mới dẫn vào xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh.
Ở xóm đa phần là người Dao Thanh Y này, nếu như ngày thường, để thuận tiện cho sinh hoạt, mọi người có thể mặc trang phục hiện đại, nhưng vào những ngày lễ hội, đặc biệt là ngày Tết, phụ nữ người Dao Thanh Y ai cũng khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc mình.
Một trong những nét đẹp văn hoá truyền thống của người dân thôn Pò Hèn là vào dịp cuối năm, chuẩn bị đón năm mới, người dân trong thôn cùng nhau chung vui trong ngày “lệ làng”.
Vào ngày này, các gia đình cùng đóng góp kinh phí, dâng mâm cơm cúng tạ ơn thần linh cho một năm bình an vừa qua và cầu cho năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng khỏe mạnh, ấm no. Sau đó, người dân tập trung về nhà văn hóa thôn cùng nhau liên hoan, ca hát và chơi những trò chơi truyền thống.
Cán bộ chiến sỹ Đồn BP Pò Hèn giúp người dân xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh chăm sóc vườn cây ăn quả theo mô hình vườn mẫu nông thôn mới.
Đến với xóm họ Đặng vào dịp Tết, đi đến đâu cũng nhận được những nụ cười, những lời chúc ấm áp và sự tiếp đãi nhiệt tình với những món ăn truyền thống đậm đà hương vị núi rừng.
Mấy năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, đời sống của người dân trong xóm có khó khăn hơn. Tuy nhiên, chương trình xây dựng nông thôn mới như một luồng gió mát đã làm thay đổi cuộc sống của người dân trong xóm. Từ năm 2016, theo chủ trương của TP Móng Cái là đưa Hải Sơn thành điểm du lịch cộng đồng.
Vì thế, các gia đình đã được vận động di dời chuồng trâu, bò ra xa nhà, làm vệ sinh toàn bộ thôn xóm. Để tạo điểm nhấn cho xóm họ Đặng trong việc làm du lịch cộng đồng, chính quyền xã kêu gọi các hộ dân đồng ý vẽ tranh tường.
Đến nay, cả xóm có khoảng 20 hộ dân thì đã có hơn một nửa số hộ có những bức tường nhà được trang trí bằng những bức tranh phong cảnh. Dưới bàn tay của các hoạ sĩ, những bức họa đẹp về con người và cuộc sống vùng đất nơi đây làm những ngôi nhà nhỏ bé trở nên rực rỡ, xinh xắn.
Người dân trong xóm thêm tích cực phát triển kinh tế từ sản xuất nông, lâm nghiệp; chăm sóc những vườn mẫu là các loại cây ăn quả, trà hoa vàng để nâng cao thu nhập.
Hải Sơn là xã vùng cao, biên giới, cách trung tâm TP Móng Cái hơn 30km về phía Tây Bắc, có vị trí trọng yếu, chiến lược về quốc phòng - an ninh. Xã có 3 thôn (Pò Hèn, Lục Chắn và Thán Phún Xã), là nơi sinh sống của đồng bào người Kinh, Dao và Sán Chỉ (trong đó, dân tộc thiểu số chiếm gần 87%).
Đến Hải Sơn, du khách không chỉ được nghe lại những câu chuyện lịch sử bi tráng, hào hùng trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới năm 1979, khi cả Đồn Biên phòng Pò Hèn với 45 chiến sĩ đã hy sinh để bảo vệ biên cương của Tổ quốc, mà còn có dịp thăm “làng bích họa” xóm họ Đặng, tham gia ngày hội văn hóa, thể thao, du lịch và trải nghiệm cuộc sống của đồng bào các dân tộc địa phương.
Đặc biệt, nơi đây đã trở thành một địa điểm mới mà nhiều du khách không thể bỏ qua trong hành trình trải nghiệm các cung đường biên giới Đông Bắc. Chính quyền và người dân nơi đây luôn kỳ vọng vào việc phát triển du lịch cộng đồng sẽ từng bước làm thay đổi cuộc sống của người dân.
Anh Đặng Văn Hùng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Pò Hèn, cho biết: Từ những bức tranh vẽ trên tường cùng với xây dựng nông thôn mới, ý thức của người dân đã nâng lên rất nhiều.
Họ giữ gìn cảnh quan, dọn dẹp thường xuyên, ngõ xóm ngăn nắp đảm bảo vệ sinh, sạch đẹp. Xóm họ Đặng đã có nhiều thay đổi, đã mở ra hướng đi cho ngành du lịch nơi biên giới phát triển. Từ một khu dân cư hẻo lánh, xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn đã trở thành điểm đến hấp dẫn, với vẻ đẹp kỳ thú từ những bức họa trên tường nhà và cảnh sắc thiên nhiên hữu tình.
Đến nay, đã 3 cái Tết trong điều kiện dịch bệnh Covid-19, nhưng người dân trong thôn nói chung, trong xóm họ Đặng nói riêng đều cố gắng bảo nhau thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch, giữ gìn cảnh quan môi trường, gìn giữ những bức họa đẹp đẽ này, để khi hết dịch được chào đón du khách ghé thăm.
Theo ông Phùn Văn Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn, từ nhiều năm nay, xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn đã trở thành một điểm đến hấp dẫn trong tuyến du lịch trải nghiệm biên giới của TP Móng Cái. Hiện nay, ngoài phát triển nông, lâm nghiệp, bà con nơi đây đã bước đầu trải nghiệm, làm quen với hoạt động du lịch cộng đồng.
Đặc biệt, đến với Hải Sơn vào dịp xã tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao – Du lịch các dân tộc và Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc vào dịp cuối năm, du khách và người dân sẽ được hòa mình trong các hoạt động đặc sắc như giao lưu bóng đá nam – nữ; thi gói bánh chưng; thi đẩy gậy, kéo co, đánh quay, ném còn, đi cầu khỉ; tham quan, mua sắm đặc sản địa phương...
Người dân xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn du Xuân qua những con đường hoa nông thôn mới, qua những tường nhà vẽ tranh bích họa...
Người dân xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn đang đón những ngày Xuân ấm áp với hy vọng một cuộc sống ấm no, đủ đầy hơn.
Hơn 3 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngoài việc phát triển sản xuất, người dân nơi đây vẫn giữ gìn nét văn hóa truyền thống, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp, tô thắm thêm những bức tranh tường, tạo nét tươi mới cho “Làng bích họa” nơi biên cương để sẵn sàng đón du khách ghé thăm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.