Đại Việt sử ký toàn thư chép rằng ngay từ thời Hùng Vương, Việt Nam đã được chia thành 15 bộ, trong đó có các bộ Ninh Hải, Lục Hải.
Địa bàn của bộ Ninh Hải, Lục Hải thời đó không hoàn toàn trùng với địa bàn tỉnh Quảng Ninh hiện nay, nhưng khu vực trung tâm của Ninh Hải, Lục Hải chính là khu vực tỉnh Quảng Ninh bây giờ.
Năm 179 trước công nguyên, nước ta khi ấy gọi là Âu Lạc bị Triệu Đà thôn tính. Đến năm 111 trước công nguyên, nước ta lại rơi vào ách đô hộ của nhà Đông Hán.
Mặc dù chịu sự đô hộ của quan lại nhà Hán với mưu đồ Hán hoá nhưng người Việt nói chung, người Việt ở vùng Quảng Ninh khi ấy nói riêng vẫn bảo tồn, phát triển văn hoá theo bản sắc dân tộc mình.
Mô hình nhà cửa, gia trại phát hiện trong mộ cổ thời Hán ở Mạo Khê (Đông Triều) đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.
Đầu năm 1968, ông Bùi Văn Dần ở thôn Đá Bạc, xã Minh Châu, huyện Vân Đồn (khi đó còn là huyện Cẩm Phả) trong khi đào hố trồng chuối đã tình cờ phát hiện ra các ngôi mộ cổ.
Tháng 3/1968, Viện Khảo cổ phối hợp với Ty Văn hoá Quảng Ninh điều tra, phát hiện 6 ngôi mộ cổ được xây bằng gạch, hình vòm cuốn. Trong đó, đã khai quật 3 ngôi mộ, gồm 1 mộ đàn ông, 1 mộ đàn bà và 1 mộ trẻ em, được xác định thuộc một gia đình.
Hiện vật chôn theo các ngôi mộ gồm có các hũ, âu, đĩa, lọ, nồi bằng gốm; khay, bát, ống nhổ, đèn, gương, tiền bằng đồng; nhẫn, vòng tay bằng bạc, vàng; dao, kiếm sắt. Các nhà khảo cổ kết luận đây là ngôi mộ của một gia đình quý tộc Hán, niên đại khoảng thế kỷ thứ 2 sau công nguyên.
Ngược dòng lịch sử, năm 40, Hai Bà Trưng khởi nghĩa, lấy được 65 thành ấp ở Lĩnh Nam, xưng làm vua. Năm 42, nhà Đông Hán cử Mã Viện sang đàn áp.
Hai Bà Trưng thua trận phải tuẫn tiết. Nhà Đông Hán thay đổi chính sách, cử quan lại nhà Hán sang cai trị, ráo riết đồng hoá dân Việt.
Văn hoá Đông Sơn chuyển sang vừa tiếp nhận văn hoá Hán, vừa chống Hán hoá để tồn tại và phát triển. Những người khách phương Bắc đến Đá Bạc trong hoàn cảnh lịch sử như vậy. Họ tới thống trị nhưng rồi chết, gửi xương lại Đá Bạc. Con cháu họ về sau là ai không rõ nhưng nếu có thì hẳn tất cả đã trở thành người Việt.
Đồ gốm phát hiện tại đảo Tuần Châu (TP Hạ Long) cho thấy vào thế kỷ 6 -7, giao thương đã phát triển mạnh ở vùng Quảng Ninh bây giờ.
Tháng 11/2010, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á phối hợp với các cơ quan văn hóa của huyện Yên Hưng (nay là TX Quảng Yên) tiến hành làm vệ sinh, bảo tồn một hầm mộ gạch lớn có tên gọi dân gian là "Hố Của" tại thôn Năm, xã Sông Khoai.
Hầm mộ này có niên đại thế kỷ thứ 2 sau công nguyên. Đây là một hầm mộ gạch kiểu Hán giống với mộ cổ Đá Bạc, có chăng là kiến trúc quy mô hơn, mang tính nghệ thuật hơn.
Gần đây, giới khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt cả nhiều chuyên gia khảo cổ, nhân chủng Trung Quốc đã xác nhận, đa số chủ nhân các hầm mộ như mộ Đá Bạc, Sông Khoai đã phát hiện ở Việt Nam là người Việt. Họ có thể là những quý tộc, thương nhân Việt hoặc là những quan lại người Việt dưới thời Bắc thuộc.
Trong giai đoạn Bắc thuộc, người Việt ở Quảng Ninh vẫn không bị Hán hoá mà phát triển theo bản sắc riêng của mình. Ở Tuần Châu, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều đồ gốm là vò, hũ, bát, đĩa (còn nguyên vẹn, hiện lưu tại Bảo tàng Quảng Ninh) thuộc các triều đại Tuỳ, Đường (thế kỷ 6-7, thuộc Trung Quốc) sản xuất, bên cạnh các đồ gốm sứ bản địa. Điều đó chứng tỏ, giao thương vào thế kỷ 6-7 ở Quảng Ninh khi đó đã phát triển và đó là nền tảng cho sự ra đời của Thương cảng Vân Đồn sau này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.