Đường ngoại nhập khó có thể “hoành hành” về giá cuối năm 2021

Thanh Phong Thứ ba, ngày 14/12/2021 16:42 PM (GMT+7)
Theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu giảm. Cùng với đó, các nhà máy trong nước đã nỗ lực điều tiết trước "ý đồ" đẩy giá của đường ngoại nhập.
Bình luận 0

Cụ thể, theo VSSA, thị trường đường tháng 11 đã ghi nhận hiện tượng các nhà thương mại đường nhập khẩu đã tìm cách đẩy giá đường lên. Tuy nhiên, dưới tác động của dịch Covid – 19 nhu cầu về đường trong nước giảm sút . Cùng với đó, các nhà máy đường cũng có những nỗ lực ổn định giá khiến ý đồ tăng giá bất thành.

Theo đó, giá đường sản xuất từ mía trong nước tùy phẩm cấp đường (chất lượng, cỡ hạt) và đường nhập khẩu từ các nước ASEAN (giá có VAT) dao động ở mức 18.600 – 19.500 đồng/kg.

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2021 Việt Nam đã chi ra số tiền kỷ lục 684.035.289 USD để nhập khẩu khối lượng kỷ lục 1.438.675 tấn đường. Con số này cao hơn số liệu cùng kỳ năm 2020 là 546.811.678 USD để nhập khẩu 1.357.278 tấn đường.

Đường ngoại nhập khó có thể “hoành hành” về giá cuối năm 2021 - Ảnh 1.

Đường ngoại nhập không thể làm "loạn" giá dịp cuối năm. (Ảnh: VOV)

Nguồn cung dồi dào trong khi nhu cầu đường cho tiêu dùng trực tiếp và sản xuất dưới tác dụng của dịch bệnh Covid 19 và thời tiết mưa nhiều đã giảm thấp, dẫn đến giá đường trong tháng 11 ổn định bất chấp ý đồ tăng giá của các nhà thương mại nhập khẩu đường.

"Số liệu xuất khẩu đường của Thái Lan cho thấy đường xuất khẩu từ Thái Lan đến Campuchia và Lào đều tăng so với cùng kỳ, bất chấp tình hình dịch bệnh Covid 19 đang xảy ra tại hai quốc gia này và lớn hơn nhiều so với số liệu xuất khẩu chính ngạch (có khai báo hải quan) từ hai quốc gia này vào Việt Nam.

Trong khi đó số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy trong 10 tháng đầu năm 2021, Việt Nam đã nhập khẩu 106.459 tấn đường từ Campuchia và 73.974 tấn đường từ Lào, nhỏ hơn nhiều so với khối lượng đường hai quốc gia này đã nhập khẩu từ Thái Lan. Dữ liệu nêu trên là dấu hiệu rõ ràng cho thấy lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vào hai quốc gia này chính là nguồn gốc của các hoạt động gian lận thương mại đường nhập lậu đang diễn biến tại khu vực các tỉnh biên giới giữa Việt Nam với Campuchia và Lào", đại diện VSSA nhận định.

Minh chứng về nội dung trên, đại diện VSSA dẫn số liệu, trong tháng 11, các ngành chức năng đã phát hiện hàng chục tấn đường nhập lậu qua các cửa khẩu biên giới Tây Nam.

Cụ thể, ngày 5/11, Công an huyện An Phú, tỉnh An Giang phát hiện và tạm giữ gần 10 tấn đường cát Thái Lan nghi vấn nhập lậu từ Campuchia về Việt Nam trên khu vực biên giới huyện An Phú.

Ngày 13/11, các đơn vị thuộc Bộ đội Biên phòng tỉnh Tây Ninh phối hợp phát hiện, bắt giữ đối tượng điều khiển xe ô tô tải, vận chuyển trái phép hàng hóa nhập lậu, thu giữ 6.500 kg đường cát ngoại. Số đường này đều là đường cát ngoại, có xuất xứ từ Thái Lan.

"Mặt hàng đường cũng thường xuyên xuất hiện trên tuyến đường 9 Lao Bảo, Quảng Trị, các đối tượng buôn lậu ít vận chuyển hàng nhỏ lẻ mà vận chuyển hàng với số lượng lớn và dùng nhiều thủ đoạn để qua mặt lực lượng chức năng, nhiều vụ buôn lậu đã được các lực lượng chức năng phát giác và bắt giữ", đại diện VSSA thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem