Dương Nhật Lễ là ai mà được vua Trần Dụ Tông truyền ngôi?

MA Thứ ba, ngày 25/04/2023 18:31 PM (GMT+7)
Dương Nhật Lễ không phải con trai ruột của Trần Nguyên Dục, nhưng trước khi băng hà vì lao lực, vua Trần Dụ Tông lại truyền ngôi cho người cháu này, khiến nhà Trần càng thêm rối ren...
Bình luận 0

Trần Minh Tông, vua thứ 5 nhà Trần, có bà vợ chính hậu là Lệ Thánh hoàng hậu (tức Hiến Từ Thái hậu sau này), sinh ba người con: Cung Túc vương Trần Nguyên Dục, công chúa Thiên Ninh và Trần Hạo ( Trần Dụ Tông - vua thứ 7).

Bà vợ kế của Trần Minh Tông là Anh Tư nguyên phi, là cô ruột của Hồ Quý Ly, sinh hai người con: Trần Vượng (Trần Hiến Tông – vua thứ 6) và Cung Định vương Trần Phủ, tức Trần Nghệ Tông (vua thứ 8). Anh Tư nguyên phi sau được phong là Minh Từ Thái phi.

Dương Nhật Lễ là ai mà được vua Trần Dụ Tông truyền ngôi? - Ảnh 1.

Ảnh minh họa.

Vợ kế nữa của Trần Minh Tông là Lê Thị, em gái của bà Minh Từ - cũng là cô của Hồ Quý Ly, sau được phong làm Đôn Từ Thái phi, sinh người con trai là Trần Kính (Trần Duệ Tông - vua thứ 9 của nhà Trần).

Trong ba bà hậu phi của Trần Minh Tông thì bà chính hậu Hiến Từ được tiếng là hiền từ, đôn hậu và khoan nhân nhất. Nhưng lại lận đận với con cái nhất.

Con trai út Trần Dụ Tông làm vua bị sử sách phê phán nặng vì chỉ lo ăn chơi hoang đàng, sa đọa, tạo mầm mống cho sự suy sụp của triều đại. Trần Dụ Tông bị bệnh liệt dương nên đã nghe lời của thái y Trâu Canh làm những điều xằng bậy.

Con trai trưởng là Trần Nguyên Dục cũng ăn chơi phóng đãng như đứa em trai. Một lần đi chơi bên ngoài gặp phải cô đào hát, vợ của kép hát Dương Khương, Trần Nguyên Dục ép lấy cô đào hát về làm vợ trong khi cô này đã có thai với Dương Khương. Sau khi sinh ra, Trần Nguyên Dục lại tin rằng người con trai có tên Dương Nhật Lễ đó là con của mình.

Theo Đại Việt Sử ký Toàn thư, Dương Nhật Lễ đích xác là con ruột của kép hát Dương Khương. Mẹ ông là vợ Dương Khương, là một người múa hay lại có nhan sắc, do hay diễn Tây Vương Mẫu trong vở Vương Mẫu hiến bàn đào, bà được gọi thông dụng là Vương mẫu. 

Sai lầm của Hiến Từ Thái hậu

Trần Nguyên Dục mất lúc còn đang tuổi thanh niên. Ngày 25 tháng 5 năm Kỷ Dậu (tức 29/6/1369), vua Trần Dụ Tông cũng băng hà vì hoang dâm kiệt sức; trước khi mất, đã ban chiếu truyền ngôi cho  Dương Nhật Lễ. Trong tình thế đó, Hiến Từ Thái hậu đồng ý di chiếu cho đón Dương Nhật Lễ lên ngôi, đặt niên hiệu Đại Định.

Cùng lúc này, sứ đoàn nhà Minh sang sắc phong cho Dụ Tông tới Việt Nam. Nhật Lễ (tên ngoại giao với nhà Minh là Trần Nhật Kiên) xin được thụ phong nhưng sứ nhà Minh là Trương Dĩ Ninh không đồng ý. Nhật Lễ phải cử sứ là Đỗ Thuấn Khâm sang nhà Minh báo tang và cầu phong .

Theo Đại Việt sử ký toàn thư ghi nhận, Đại Định Đế lên ngôi nhưng bỏ bễ công việc, ham chơi, rượu chè, cho đón cha ruột Dương Khương vào triều, giữ chức Lệnh thư gia, có ý đổi sang họ Dương khiến các quan trong triều bất bình. Hiến Từ Thái hậu, mẹ Trần Dụ Tông tỏ ý hối hận việc lập Nhật Lễ. Nhật Lễ bèn ngầm đánh thuốc độc giết chết vào ngày 14 tháng 12 năm Kỷ Dậu (tức 12 tháng 1 năm 1370) .

Đêm ngày 20 tháng 9 năm Canh Tuất (tức 9 tháng 10 năm 1370), cha con quan Thái tể Cung Tĩnh vương Trần Nguyên Trác, Trần Nguyên Tiết và hai người con của Thiên Ninh công chúa, chị gái Trần Dụ Tông đem người tôn thất vào thành định giết Đại Định.

Đại Định Đế trèo qua tường, nấp dưới cầu mới. Mọi người lùng không thấy, giải tán ra về. Khi trời sắp sáng, Đại Định Đế vào cung, chia người đi bắt Nguyên Trác cùng 17 người chủ mưu và giết hết .

Bị phế truất

Anh khác mẹ của Trần Dụ Tông là Cung Định vương Trần Phủ, vì có con gái làm Hoàng hậu của Nhật Lễ, sợ vạ lây đến mình nên tránh ra trấn Đà Giang (tức Gia Hưng), ngầm hẹn với các em là Cung Tuyên vương Trần Kính, Chương Túc thượng hầu Trần Nguyên Đán, Thiên Ninh công chúa Ngọc Tha hội ở sông Đại Lại, phủ Thanh Hóa để dấy quân. Trần Kính giúp ông đảm nhận việc sắm sửa mọi vũ khí, trang bị quân đội.

Khi ấy, Đại Định Đế Dương Nhật Lễ chuyên dùng thiếu úy Trần Ngô Lang mà không biết Ngô Lang đồng mưu với Trần Phủ. Mỗi khi sai quân tướng đi đánh bắt, Ngô Lang đều bí mật bảo họ theo Trần Phủ đừng về nữa. Rất nhiều lần sai các quân Nam, Bắc đi đánh, đều không một ai trở về. Do đó quân của Trần Phủ, Trần Kính mạnh thêm.

Ngày 13 tháng 11 năm Canh Tuất (tức 1 tháng 12 năm 1370), Trần Phủ đến phủ Kiến Hưng, truất Nhật Lễ làm Hôn Đức công. Ngày 15, Phủ lên ngôi, tức Trần Nghệ Tông. Ngày 21 tháng ấy, Trần Phủ cùng Trần Kính và Thiên Ninh công chúa dẫn quân về kinh, sai giam Nhật Lễ ở phường Giang Khẩu.

Dương Nhật Lễ tới lúc đó mới biết mình bị Trần Ngô Lang phản bội. Trong khi bị giam giữ, ông lừa gọi Trần Ngô Lang đến gần rồi bóp cổ giết chết Trần Ngô Lang. Trần Nghệ Tông bèn lập tức hạ lệnh giết chết Dương Nhật Lễ và con ông là Liễu, rồi sai đem chôn ở núi Đại Mông .

Nhật Lễ ở ngôi được hơn 1 năm, không rõ thọ bao nhiêu tuổi. Nhà Trần lúc đó đã suy yếu, các tôn thất bạc nhược. Nhiều việc thất đức của Nhật Lễ lẽ ra chưa dẫn đến việc bị phế truất. Tư tưởng phong kiến không chấp nhận người ngoại tộc làm vua trong triều, bởi vậy sai lầm lớn nhất của Nhật Lễ là định đổi sang họ Dương khiến tôn thất nhà Trần nắm quyền bính khắp trong nước xúm lại tìm cách lật đổ. Tính từ khi Nhật Lễ lên ngôi cho tới khi cuộc đảo chính đầu tiên xảy ra tới 1 năm nhưng không có ai chống đối vì khi đó Nhật Lễ vẫn giữ họ Trần.

Tần Thủy Hoàng trước đây cũng phải đối mặt với tiếng tăm về thân thế và cũng có những việc làm thô bạo, thất đức nhưng đã khôn khéo suốt đời không đổi sang họ Lã, giết luôn Lã Bất Vi (người bị dị nghị là cha mình) và tìm cách đàn áp thẳng tay những ai có ý định khơi chuyện này để chống đối. Bởi thế Tần Thủy Hoàng giữ được ngôi vị trọn vẹn.

Khách quan nhìn nhận, Nhật Lễ không có tài năng và tư cách, mắc hàng loạt sai lầm nên việc nhanh chóng bị lật đổ là tất yếu. Tác giả Trần Xuân Sinh trong sách Thuyết Trần lại cho rằng Trần Nhật Lễ thực ra chỉ là “đứa con hư của dòng họ nhà Trần” nên bị truất đi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem