Vị Phó bảng nào ra sức khuyên vua Tự Đức cầu hòa với Pháp ở Nam Kỳ?

Thứ hai, ngày 24/04/2023 17:33 PM (GMT+7)
Nguyễn Bá Nghi thân là đại thần được vua Tự Đức tin cậy giao cho trọng trách đối phó với thực dân Pháp ở Nam Kỳ lại chỉ bàn lui bằng cách nghị hòa. Mà đã hòa với kẻ đến xâm lược thì có khác gì là đầu hàng giặc?
Bình luận 0

Theo sách Đại Nam chính biên liệt truyện, Nguyễn Bá Nghi là người làng Lạc Phố, huyện Mộ Hoa (sau đổi là Mộ Đức), tỉnh Quảng Ngãi. Vì sử sách không ghi rõ nên cho đến ngày nay không ai biết ông sinh vào năm nào, mà chỉ biết ông mất vào năm Tự Đức thứ hai mươi ba (tức năm 1870), sau ngót 40 năm làm quan.

Theo sách Quốc triều Hương khoa lục thì Nguyễn Bá Nghi thi đỗ cử nhân tại trường thi Hương - Thừa Thiên, khoa Tân Mão (1831) và năm Nhâm Thìn (1832), ông đỗ Phó bảng. Sau đó ông được triều đình bổ dụng làm Tri huyện, rồi được thăng làm Tri phủ. Nhờ có tiếng ngay thẳng, ông được trao chức Thự án sát ở Vĩnh Long. Tại đây, vì xét xử một vụ án và để xảy ra oan sai nên ông bị cách chức một thời gian.

Vị Phó bảng nào ra sức khuyên vua Tự Đức cầu hòa với Pháp ở Nam Kỳ? - Ảnh 1.

Chân dung Phó bảng Nguyễn Bá Nghi.

Đến những năm đầu đời vua Thiệu Trị (1841-1847), Nguyễn Bá Nghi được làm Thị giảng Học sĩ, rồi được thăng làm Thị lang bộ Lại, nhưng ông giữ chức này cũng chẳng được bao lâu thì lại bị giáng xuống làm Thị giảng Học sĩ như cũ. Năm 1844, Nguyễn Bá Nghi lại được thăng làm Bố chánh tỉnh An Giang. Năm 1846, ông lại về kinh và được giao giữ chức Thị lang bộ Lễ và sang năm 1847 thì được hưởng lương ngang với hàng Tòng nhị phẩm.

Dưới thời vua Tự Đức trị vì, Nguyễn Bá Nghi từng được phong tới chức Tổng đốc sơn Hưng Tuyên rồi Thượng thư bộ Hộ. Ông là một trong những bậc đại thần có danh vọng lớn. Sách Đại Nam chính biên liệt truyện có chép về đoạn cuối cuộc đời Nguyễn Bá Nghi như sau:

Vào năm Tự Đức thứ mười bốn (tức năm 1861), quân Pháp vây hãm Đại Đồn ở Gia Định, quan Tổng đốc giữ thành là Nguyễn Tri Phương trúng đạn và bị thương, cho nên triều đình đặc cách chọn Nguyễn Bá Nghi làm Khâm sai Đại thần, thống lĩnh hết số quân mới sai phái đến để cùng với các quan ở Gia Định tính toán các việc mà làm. Nguyễn Bá Nghi vừa đem cờ tiết tới nơi đã nói rằng, đánh hay giữ đều không tiện, bèn sai người đến dinh trại của quân Pháp xin giảng hòa. Ông lại ghi sự trạng đang xảy ra và định dâng lên vua. Đúng lúc đó, lại được dụ của nhà vua với đại ý nói rằng, nếu có chủ ý gì, cứ việc thẳng thắn tâu lên. Nhân đó, Nguyễn Bá Nghi đã tâu rằng:

- Thần vẫn nghe các nhà binh nói rằng, tàu của Pháp chạy bằng hơi nước, nhanh như bay. Súng của họ có thể bắn vỡ thành, công phá đến vài nhẫn (mỗi nhẫn tương đương với khoảng 0,425m) lại bắn xa được vài mươi dặm (mỗi dặm bộ tương đương với 500m). Họ có những khí giới như vậy, ta đánh hay giữ đều khó cả... Thần đến Biên Hòa xét thấy tình thế rất cấp bách, cho nên mới bất đắc dĩ phái người đến gặp tướng quân Pháp để vặn hỏi. Tiếng là để mượn tạm kế hoãn binh, thực là để tỏ cái ngu của thần, ấy là sự thể đã đến lúc đánh hay giữ đều không được. Không hòa tất không định nổi thời cuộc... Hòa thì hẳn nhiên là thua kém, nhưng sự thể ở Nam kỳ không thể làm già hơn được nữa...

Tờ sớ dâng lên vua, vua dụ rằng:

- Sự thể khó khăn thế nào, ta biết rõ cả rồi. Khanh có lòng đảm trách công việc thì nên hết sức mà làm, có thế mới tỏ được cái ý gặp gió mạnh mới biết cây nào cứng.

Về sau, Nguyễn Bá Nghi cùng với tướng Pháp giảng thuyết, rồi bí mật tâu vua ý định xin giảng hòa của viên tướng này. Vua dụ rằng:

- Khanh từ khi được giao đi đến giờ, chỉ thấy chủ trương nghị hòa. Khanh là người thạo việc lại mẫn cán, trẫm đã chọn và ủy thác công việc cho, lòng trông đợi không phải là nhỏ. Vậy, khanh nên hết lòng đền ơn nước, nếu sớm có công dâng lên thì sẽ được thưởng thật hậu hĩnh.

Nhưng sau đó, Nguyễn Bá Nghi cùng với Trần Đình Túc dâng lên nhà vua tập ghi chép lời tâu về tình hình Biên Hòa, nói rằng lực ta yếu ớt, không thể đánh hay giữ được, mà hòa nghị cũng không thành, vậy xin giảm bớt quân và phái người đi cầu viện nước khác. Vua xuống dụ quở trách và cho Nguyễn Bá Nghi đem quân về đóng ở vùng Bình Thuận.

Lời bàn:

Từ ngàn xưa, trong dân gian đã có câu: “Giặc đến nhà đàn bà cũng đánh”. Vậy mà khi quân Pháp tiến hành xâm lược Nam kỳ thì cả triều đình nhà Nguyễn từ vua đến quan đại thần đều lúng túng không biết phải làm gì, quả là quá bạc nhược và hèn nhát. Còn với Nguyễn Bá Nghi, thân là đại thần được triều đình tin cậy giao cho trọng trách đối phó với thực dân Pháp ở Nam Kỳ lại chỉ bàn lui bằng cách nghị hòa. Mà đã hòa với kẻ đến xâm lược thì có khác gì là đầu hàng giặc?

Suy nghĩ và việc làm của Nguyễn Bá Nghi trong giai thoại trên đây chắc chắn không những bị người đương thời mà còn cả thế hệ hôm nay và mãi mãi mai sau chê cười là kẻ nhút nhát, nhu nhược đến mức yếu hèn. Ôi, với Nguyễn Bá Nghi thế là “bia để miệng, tiếng để đời” và biết đến bao giờ mới xóa được vết nhơ này.


ĐT (Theo Báo Bình Phước)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem