Đường Nhuệ đánh người ở Công an phường: Có đồng phạm hay không?

Phạm Hiệp Thứ năm, ngày 23/04/2020 07:52 AM (GMT+7)
Liên quan đến vụ việc Nguyễn Xuân Đường (Đường Nhuệ, Thái Bình) bị tố cáo đánh người ở trụ sở Công an phường, nạn nhân tố cáo còn có sự xuất hiện của nhiều người khác vào thời điểm đó. Chuyên gia pháp luật nhận định, cơ quan điều tra cần phải làm rõ việc này.
Bình luận 0

Có phải chỉ cố ý gây thương tích?

Cụ thể, Công an TP.Thái Bình (Thái Bình) đã khởi tố bị can đối với Đường Nhuệ trong vụ án “Cố ý gây thương tích” xảy ra tại trụ sở Công an phường Trần Lãm (TP.Thái Bình) năm 2014.

Nhắc lại diễn biến vụ án này, Công an TP.Thái Bình đã khởi tố vụ án, 6 tháng sau khởi tố thì tạm đình chỉ điều tra vì không tìm được bị can và hết thời gian. Đến tháng 4/2020, vụ án được phục hồi và Công an TP.Thái Bình tìm ra bị can Nguyễn Xuân Đường chỉ sau 8 ngày.

Trao đổi với Dân Việt liên quan đến vụ án này, luật sư Đặng Văn Cường – Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư TP.Hà Nội) cho biết, hành vi “Đánh người tại trụ sở công an mà không ai làm gì được” đã trở thành thương hiệu, tăng thêm số má của nhóm đối tượng này, khiến nhiều người kinh hãi, khiếp sợ, là điều kiện để bọn chúng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

img

Chuyên gia pháp luật cho rằng, nếu có sự xuất hiện của các đối tượng khác tại thời điểm mẹ con bà Lý bị đánh như bà này tố cáo, cơ quan điều tra cần phải xem xét các yếu tố liên quan để xác định có đồng phạm hay không.

Theo luật sư Cường, đến khi băng nhóm của Đường Nhuệ bị bắt về tội cố ý gây thương tích đối với hành vi đánh lái xe và phụ xe tại nhà Đường thì vụ án này mới tiếp tục được giải quyết, Đường mới bị khởi tố.

Luật sư Cường phân tích, theo nội dung thông tin mà dư luận phản ánh và đơn tố cáo của bà Đinh Thị Lý (SN 1964, TP.Thái Bình, nạn nhân), tại thời điểm các đối tượng thực hiện hành vi đánh mẹ con bà Lý, trong căn phòng đó đóng cửa, có Đường Nhuệ và một số đối tượng có mặt, mẹ con bà Lý có thể nhận dạng được những đối tượng này, cơ quan công an sẽ phải xác minh các thông tin trong tố cáo của bà Lý.

Trong trường hợp nếu có, những đối tượng trực tiếp thực hiện hành vi đánh người sẽ bị khởi tố bị can về tội cố ý gây thương tích, những đối tượng khác có mặt ở đó mặc dù không trực tiếp đánh nạn nhân nhưng nếu có những lời nói, cử chỉ có tính chất xúi giục, giúp sức, cổ vũ về mặt tinh thần cho đối tượng trực tiếp đánh người thì những đối tượng này cũng sẽ được xác định là đồng phạm và cùng bị xử lý về tội cố ý gây thương tích với vai trò đồng phạm giúp sức hoặc đồng phạm xúi giục.

img

Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, qua theo dõi một số vụ án cố ý gây thương tích mà Đường Nhuệ tham gia, có thể thấy hành vi của nhóm đối tượng rất tàn bạo, gây nguy hại đặc biệt đến sức khoẻ của nạn nhân. Trong ảnh là anh Mai Thế Duy (con trai bà Lý), nạn nhân bị Đường Nhuệ đánh đến vỡ xương mặt ở trụ sở Công an phường Trần Lãm.

“Chỉ có đối tượng nào có mặt và có hành vi can ngăn không có mục đích đánh đập nạn nhân thì mới không bị xử lý về tội danh này. Tuy nhiên với diễn biến của sự việc như vậy, tính chất côn đồ, hung hãn cao độ như vậy thì rất khó xảy ra tình huống có đối tượng sẽ can ngăn” – luật sư Cường nhận định.

Vị luật sư này cho rằng, Cơ quan điều tra cần phải xác minh làm rõ hành vi khách quan và ý thức chủ quan của các đối tượng này để có căn cứ xử lý theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp có căn cứ chứng minh được các đối tượng có mặt đều cùng ý chí đánh người thì sẽ khởi tố bị can và xử lý các đối tượng đó theo quy định của pháp luật.

“Với thương tích 15 % nhưng hành vi có tính chất côn đồ thì các đối tượng này sẽ phải đối mặt với hình phạt quy định tại khoản 2, Điều 134 Bộ luật hình sự với mức hình phạt từ 2 năm đến 6 năm tù.

Với đối tượng chủ mưu, cầm đầu, thực hành tích cực thì hình phạt sẽ rất nghiêm khắc.

img

Song song với việc vui mừng vì đã tìm ra bị can trong vụ án xảy ra với mẹ con mình, bà Lý đã tố cáo cụ thể 1 Phó trưởng Công an TP.Thái Bình và cho rằng người này có dấu hiệu chưa đúng trong giải quyết vụ án của bà.

Ngoài hình phạt của tội danh này, các đối tượng sẽ phải chịu các chế tài về các hành vi khác đối với các nạn nhân khác nếu trong quá trình điều tra cơ quan điều tra xác định những sai phạm khác.

Ngoài ra nếu đối tượng nào có mặt hoặc đến khu vực hiện trường của vụ án này, mặc dù không trực tiếp đánh người, không giúp sức nhưng có những hành vi la hét, chửi bới, gây mất an ninh trật tự thì cũng sẽ bị xử lý hình sự về tội gây rối trật tự công cộng” – ông Cường viện dẫn.

Mặt khác, theo luật sư của Đoàn luật sư TP.Hà Nội, khi có căn cứ chứng minh ngoài hành vi cố ý gây thương tích còn có đối tượng thực hiện hành vi gây rối trật tự công cộng, cơ quan điều tra sẽ khởi tố thêm tội danh là tội gây rối trật tự công cộng và tiến hành xử lý đối với đối tượng có hành vi này theo quy định của pháp luật.

Trách nhiệm cơ quan chức năng ở đâu?

Vị Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhìn nhận, trong vụ án này, không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan chức năng trong việc điều tra vụ án.

Được biết bà Đinh Thị Lý đã gửi đơn tố cáo có yêu cầu xem xét trách nhiệm của ông Cao Giang Nam - Phó Thủ trưởng Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình.

Ông Nam là người ký quyết định khởi tố vụ án, đồng thời cũng là người ký quyết định tạm đình chỉ giải quyết vụ án vì không xác định được ai là người đã đánh nạn nhân.

img

Quyết định tạm đình chỉ điều tra vụ án hình sự "Cố ý gây thương tích" của Công an TP.Thái Bình cách đây 5 năm.

Vì vậy, Cơ quan cảnh sát điều tra sẽ làm rõ nội dung đơn thư phản ánh của mẹ con bà Lý và các tình tiết, chứng cứ khác có liên quan, làm rõ nguyên nhân nào khiến một thời gian dài như vậy cơ quan điều tra chưa khởi tố bị can đối với các đối tượng nêu trên.

“Nếu Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình không khởi tố vụ án gây thương tích tại nhà Đường Dương với nạn nhân là phụ xe khách, báo chí dư luận không phản ánh nhiều sai phạm của nhóm đối tượng này thì liệu có phục hồi điều tra đối với vụ án này hay không? Có khởi tố bị can đối với đối tượng đã gây thương tích cho nạn nhân hay không ?

Nếu cơ quan cảnh sát điều tra công an thành phố Thái Bình không khởi tố bị can thì sắp hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự đối với vụ án này, cơ quan điều tra sẽ đình chỉ điều tra và vụ việc vĩnh viễn không được giải quyết” – luật sư Cường nêu quan điểm.

img

Đường Nhuệ là bị can đầu tiên bị khởi tố trong vụ án đã kéo dài tận 6 năm nay.

Luật sư Cường bày tỏ, cần làm rõ ở đây là do nguyên nhân khách quan hay chủ quan, có sai phạm trong công tác điều tra, giải quyết vụ án hình sự này hay không? Tại sao đến nay mới khởi tố được bị can? Nếu có sai phạm thì phải xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật.

“Nếu vụ việc này vẫn để Cơ quan cảnh sát điều tra Công an TP.Thái Bình tiếp tục thụ lý giải quyết thì e rằng sẽ gặp những khó khăn, trở ngại trong quá trình thực hiện thủ tục điều tra” – chuyên gia pháp luật bày tỏ sự băn khoăn và nêu ý kiến cần chuyển hồ sơ vụ án này tới Công an tỉnh Thái Bình để xử lý triệt để, nghiêm minh các đối tượng vi phạm pháp luật cũng như xem xét trách nhiệm trong hoạt động điều tra khi để vụ án này kéo dài.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem