Đường sắt cần ưu tiên 1.295 tỷ đồng gia cố các hầm và hạ tầng lạc hậu

Thế Anh Thứ tư, ngày 05/06/2024 12:29 PM (GMT+7)
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị, cần ưu tiên khoảng 1.295 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp đảm bảo an toàn các công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao trên các tuyến đường sắt.
Bình luận 0

Đường sắt cần gia cố hạ tầng xuống cấp

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa đề nghị Bộ GTVT báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đề xuất Bộ Tài chính ưu tiên bố trí kinh phí đầu tư để sửa chữa, cải tạo, nâng cấp các vị trí công trình xung yếu trên mạng lưới đường sắt quốc gia.

Để nâng cấp, cải tạo hạ tầng đường sắt phát huy hiệu quả khi khai thác, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam kiến nghị trước mắt, cần ưu tiên kinh phí khoảng 1.295 tỷ đồng để gia cố khẩn cấp đảm bảo an toàn đối với các công trình tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao trên các tuyến đường sắt.

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, trong tổng số vốn được đề xuất nêu trên, có tới 500 tỷ đồng dùng để gia cố 12 hầm bằng cách sử dụng vòm thép hình, khung chống.

Cùng đó, cần 700 tỷ đồng để gia cố 94 cầu bằng cách bổ sung bản táp, thay các thanh kết cấu bị rỉ thủng quá nặng, thay đinh tán bị thối đầu, thay bu lông bị hư hỏng...; 95 tỷ đồng để gia cố 14 công trình kiến trúc bằng cách sử dụng hệ thống dầm thép, khung thép để chống đỡ tại các vị trí nguy hiểm.

Đường sắt cần ưu tiên 1.295 tỷ đồng gia cố các hầm và hạ tầng lạc hậu- Ảnh 1.

Đường sắt cần nguồn vốn nâng cấp hạ tầng lạc hậu. Ảnh: VNR

Nói về việc ưu tiên bố trí nguồn vốn, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, đây là các công trình cần ưu tiên bố trí vốn trước để xử lý khẩn cấp, tránh xảy ra sự cố như hai vụ sạt lở hầm Bãi Gió (tỉnh Khánh Hòa) và hầm Chí Thạnh (tỉnh Phú Yên) do xây dựng đã lâu, phong hóa nặng.

"Hai vụ sạt lở dẫn đến ách tắc đường sắt Bắc - Nam, gây thiệt hại nặng, nhất là về vận tải", lãnh đạo Tổng công ty đường sắt Việt Nam nhấn mạnh.

Lấy dẫn chứng thiệt hại, lãnh đạo Tổng công ty Đường sắt Việt Nam cho biết, chỉ riêng sự cố sạt lở hầm Bãi Gió đã làm tổng công ty thiệt hại hơn 50,458 tỷ đồng. Trong đó, chi phí tham gia khắc phục sự cố hơn hơn 3,6 tỷ đồng; chi phí thiệt hại trực tiếp do sự cố hơn 18,7 tỷ đồng; thiệt hại giảm doanh thu ảnh hưởng từ sự cố hơn 28 tỷ đồng.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của sự cố kéo dài, nhiều hành khách và chủ hàng đã thay đổi phương tiện đường sắt bằng phương tiện khác dẫn đến doanh thu vận tải sau khi sự cố được khắc phục bị giảm, chưa hồi phục trở lại được như trước khi sự cố xảy ra.

Hiện nay, hệ thống kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia đã được sử dụng nhiều năm; các thiết bị, các vật tư chủ yếu như ray, tà vẹt, ghi, phụ kiện hầu hết đã cũ, lạc hậu, chất lượng thấp, không phù hợp tiêu chuẩn, quá niên hạn và có dấu hiệu nguy hiểm, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn công trình đường sắt, an toàn vận tải đường sắt.

Đường sắt cần ưu tiên 1.295 tỷ đồng gia cố các hầm và hạ tầng lạc hậu- Ảnh 2.

Hầm đường sắt Chí Thạnh được khắc phục sau 10 ngày sạt lở. Ảnh: VNR

Các hầm đường sắt chưa được gia cố nâng cấp

Hàng năm, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tiến hành điều tra, rà soát, tổng hợp tình trạng, trạng thái kết cấu hạ tầng đường sắt quốc gia, đặc biệt đối với các công trình, hạng mục công trình quá niên hạn sử dụng, không phù hợp tiêu chuẩn, quy chuẩn hoặc có dấu hiệu nguy hiểm trên mạng lưới đường sắt quốc gia.

Sau khi ra soát, nhận thấy hiện nay còn tồn tại hàng nghìn vị trí xung yếu. Đặc biệt, có 12 hầm xung yếu, trên tổng số 39 hầm của bộ toàn mạng lưới đường sắt.

Toàn bộ 12 hầm này đều nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội - TP. HCM, được xây dựng và đưa vào khai thác trong khoảng thời gian từ năm 1926 đến năm 1936.

Trải qua nhiều biến động lịch sử, khai thác, hiện vỏ hầm bằng bê tông hoặc đá hộc xây bị phong hóa, nứt vỡ, thấm nước, khổ tĩnh không hẹp tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khai thác chạy tàu, phải hạn chế tốc độ chạy tàu. Cả 12 hầm đều chưa từng được sửa chữa, gia cố, cải tạo từ khi xây dựng đến nay.

Tổng công ty dự kiến cần khoảng 500 tỷ đồng để sửa chữa khẩn cấp 12 hầm này. Về lâu dài, cần đưa vào các dự án đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030.

Về cầu yếu, hiện có 465 cầu xung yếu trên tổng số 1.862 cầu của toàn bộ mạng lưới. Các cầu này bị quá niên hạn sử dụng, hoặc có kết cấu bê tông, đá xây bị phong hóa, xuất hiện nhiều vết nứt quá tiêu chuẩn cho phép, hoặc có kết cấu thép bị rỉ nặng, mặt cầu yếu. Để sửa chữa cần kinh phí khoảng 4.028 tỷ đồng.

Về cống, có 876 cống xung yếu trên tổng số 4.368 cống của toàn bộ mạng lưới. Đây đều là các cống cũ, quá niên hạn sử dụng hoặc có vết nứt quá tiêu chuẩn cho phép, một số cống bị sập, không đảm bảo thoát nước đang phải gia cố tạm bằng dầm bó ray để đảm bảo an toàn. Để sửa chữa, gia cố cần kinh phí khoảng 1.544 tỷ đồng.

Cùng đó, cần kinh phí khoảng 705 tỷ đồng để sửa chữa 182 công trình kiến trúc nhà ga xung yếu trên tổng số 303 công trình kiến trúc và khoảng 9.438 tỷ đồng sửa chữa 720 công trình đường chính, đường ga, ghi, đường ngang xung yếu.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem