Dương Thụ bắt đầu “leo ngược dốc” nghệ thuật

Thứ sáu, ngày 02/11/2012 12:53 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tối 9 và 10.11, liveshow của nhạc sĩ Dương Thụ sẽ diễn ra tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Nhạc sĩ cho biết ông đang bắt đầu cuộc “leo ngược dốc” nghệ thuật vì nhận được những tín hiệu tích cực từ khán giả.
Bình luận 0

Thưa nhạc sĩ, sau gần nửa thế kỷ gắn bó với âm nhạc, tại sao bây giờ ông mới quyết định làm một liveshow cho riêng mình?

- Những gì tôi viết hơi riêng tư và không được nhiều người nghe. Nhạc của tôi khó dùng để giải trí nên các ông bầu không quan tâm. Người ta chỉ hăng hái kinh doanh thứ âm nhạc có yếu tố thương mại, nên nếu làm thì mình phải tự làm thôi.

Để có một chương trình thật sự nghiêm túc thì tốn kém lắm. Làm nhạc và “bán nhạc” lại là hai chuyện hoàn toàn khác nhau. Tôi không có năng khiếu “bán hàng”. Vì vậy chẳng bao giờ nghĩ sẽ tự tổ chức chương trình cho riêng mình. Đấy là lý do vì sao trước kia tôi không thể.

img
Nhạc sĩ Dương Thụ và ca sĩHồng Nhung

Năm nay đã là năm thứ 12 của thế kỷ 21, tình hình có nhiều thay đổi. Văn hóa xuống cấp nhưng không phải là tất cả. Một bộ phận nhỏ đang bắt đầu rủ nhau leo ngược dốc, họ muốn thay đổi, muốn đi lên, muốn có những giá trị tinh thần nhiều hơn. Tôi được động viên và nhận được sự giúp đỡ của rất nhiều người trong cái “gia đình âm nhạc” của mình, của người thân, của bạn bè và kể cả những người mới quen biết. Họ cho tôi lòng tin và những điều kiện để tự làm chương trình riêng cho mình...

Họ nói những gì mà khiến ông thay đổi lòng tin mạnh mẽ thế?

- “Nhà Hát Lớn có 500 chỗ ngồi, mà Hà Nội có nhiều triệu người, làm gì mà sợ”. Tôi nghe cũng thấy hơi có lý nhưng vẫn nghĩ, làm nghệ thuật có khi 50 chỗ mà vẫn không kín, chuyện đâu có đùa được. Nghĩ là nghĩ thế thôi, tôi vẫn mạnh dạn tham gia vào “nhóm người leo ngược dốc” bằng cái chương trình cho 500 người này của mình. Để có một chương trình, tôi thường chuẩn bị trước ít nhất là 6 tháng, chương trình này cũng thế.

Tại sao nhạc sĩ lại chọn sân khấu và khán giả ngoài Bắc để làm liveshow đầu tiên mà không phải là khán giả trong Nam?

- Đó là một chương trình do tôi cùng với những người trong “gia đình âm nhạc” của mình và những nghệ sĩ mà tôi rất quý trọng thực hiện. Đó là các nhạc sĩ Bảo Chấn, Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, các ca sĩ Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Nguyên Thảo, Tùng Dương, Trọng Tấn, Hà Linh; Ban nhạc Anh Em; các nghệ sĩ Trần Thị Mơ (cello), Xuân Huy (violon) cùng dàn nhạc thính phòng và dàn hợp xướng Học viện Âm nhạc quốc gia; Đạo diễn sân khấu là Việt Tú, nghệ sĩ Nhất Lý đạo diễn âm thanh, còn ánh sáng tôi mời anh Syri Labrozec. Chương trình có tính chất một live concert, là chương trình để nghe chứ không phải để xem.

Tôi làm ở Hà Nội vì ê kíp làm nghệ thuật của tôi hầu hết ở ngoài này, không phải vận chuyển và thuê khách sạn cho hàng mấy chục con người, chi phí chương trình sẽ nhẹ hơn. Muốn vào TP.HCM hoặc xuyên Việt thì phải có đầu tư lớn, mà tôi thì không thể. Tôi hy vọng sẽ có người đầu tư để đưa chương trình vào trong đó. Nhưng thôi, bây giờ hãy làm tốt ở ngoài này đã

Sau live concert này, đầu năm 2013, nhạc sĩ Dương Thụ sẽ thực hiện chương trình số 2 của serie “Cửa sổ âm nhạc” có tên “Hồi ức âm nhạc” về bộ tứ nhạc sĩ Hà Nội là Dương Thụ, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Trần Tiến.

Vừa rồi, nhạc sĩ có chia sẻ, điều trăn trở là âm nhạc thời nào thì có công chúng thời đó. Nhưng vào thời điểm hiện tại, nhạc sĩ cảm thấy buồn vì những tác phẩm nhạc xưa vẫn chiếm số đông trên nhiều sân khấu ca nhạc... Vậy trong liveshow này, nhạc sĩ muốn gửi gắm điều gì?

-Tôi rất sợ chữ trăn trở của bạn. Đấy cũng chỉ là nhưng ý nghĩ thường tình, những nhận xét thường tình, của riêng tôi thôi. 20 tuổi mà chỉ thích nhạc xưa chắc là có vấn đề. Trong một xã hội, con người không công nhận những cái hiện tại mà chỉ thích những cái cũ lại càng có vấn đề nữa.

Tôi cũng sợ cả chữ gửi gắm của bạn nữa. Vì nó to tát quá. Chương trình của tôi chỉ là tôi muốn hát lên cho người nghe những gì tôi yêu thương, những gì tôi buồn, những giấc mơ nho nhỏ và cả sự dịu dàng nữa... Người nghe có thấy như thế không, có đồng cảm không là điều tôi không dám đoan chắc. Nếu có thì thật hạnh phúc. Được lắng nghe, được chia sẻ những chuyện tâm tình thì còn gì bằng nữa.

Dù đã có nhiều chương trình ca nhạc có chất lượng, nhưng những đêm nhạc thị trường vẫn luôn hút được nhiều khán giả trẻ, khán giả trung tuổi. Với đêm nhạc của mình, ông có lo không bán được nhiều vé?

- Trước kia thì có, bây giờ thì không. Người nghe đại chúng thì thích đến với các show diễn ca nhạc do giới showbiz thực hiện, chẳng cứ giới trẻ hay người trung tuổi. Còn người thưởng thức âm nhạc có tính cách chọn lọc, tuy ít nhưng họ vẫn muốn đến với những gì mình thích. Nhà hát Lớn có 500 chỗ thôi mà, mà Hà Nội ta đông lắm. Và tôi rất mê các bậc đàn anh và giới trẻ có học thức của Hà Nội. Họ thật tuyệt vời. Bây giờ ngoài văn hóa ra, họ lại có điều kiện về tiền bạc nữa. Đấy chính là niềm hy vọng của tôi để tôi có thể “bình thản trước trận đánh lớn”.

Xin cảm ơn nhạc sĩ!

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem