Đường Trường Sơn huyền thoại có phiên hiệu Đường 559 bắt đầu từ đâu?

Nguyễn Huy Cường Thứ sáu, ngày 17/05/2024 07:55 AM (GMT+7)
Lâu nay chúng ta đã rất quen thuộc với tên gọi của tuyến đường huyết mạch làm nên thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, đó là đường Trường Sơn, còn gọi là Đường 559. Nhưng ít ai biết cái tên đó có câu chuyện cụ thể gắn với một địa danh nổi tiếng: Nông trường Vân Lĩnh tỉnh Phú Thọ.
Bình luận 0

Sứ mệnh lớn

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ lừng lẫy 5 châu, chấn động địa cầu, việc "ém quân" giữ lực lượng cho những thách thức mới được Trung ương và Quân đội đặt ra và tìm cách triển khai tốt nhất.

Hàng chục vạn quân nhân sau chiến thắng Điện Biên Phủ đã được đưa tới nhiều nông trường quân đội khắp miền Bắc.

Đường Trường Sơn huyền thoại có phiên hiệu Đường 559 bắt đầu từ đâu?- Ảnh 1.

Ông Võ Bẩm.

Từ 1958 Trung đoàn 210 Sư đoàn 350 được Trung ương, Tổng quân ủy chủ trương xây dựng thành một Nông trường quân đội kiểu mẫu, đóng tại Vân Lĩnh, huyện Thanh Ba tỉnh Phú Thọ.

Tướng Võ Bẩm là Cục Phó Cục Nông trường Quân đội (khi đó ông là thượng tá), chỉ đạo trực tiếp công tác xây dựng nông trường VânLĩnh. Sau đó kế vị ông là các lớp sĩ quan có bề dày đáng kể trong chiến tranh, sang thời bình họ đã lãnh đạo, quản lý Nông trường quân đội, như các ông, bà: Ngô Hoàng Thanh, Trần Thiết , Lưu Viết Thủy, Hồ Tần, Nguyễn Hữu Công, Hồ Tần , Đào Thị Dậu, Đặng Xuân Nghiêm.

Đặc biệt, từ Trung đoàn 210 đã xuất hiện vị tướng anh hung, đó là Thượng tướng Nguyễn Chơn - 2 lần Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, ngoài ra còn nhiều tướng lãnh khác.

Nếp sống, sản xuất, xây dựng nông trường ngay từ thủa ấy đã thừa kế tác phong, kỷ luật, kỷ cương quân đội. Tên từng đội sản xuất vẫn nương theo những đơn vị từ thời chiến đấu và chiến thắng trong kháng chiến chống Pháp, chồng Mỹ.

Đường Trường Sơn huyền thoại có phiên hiệu Đường 559 bắt đầu từ đâu?- Ảnh 2.

Vân Lĩnh nơi ghi dấu lịch sử.

Lớp cựu quân nhân xưa, nay họ đã vào tuổi U90, U80 vẫn nhớ từng đêm đốt đuốc, phá đồi trồng chè hào hứng, say mê và gian khổ những năm cuối thập niên 50, đầu thập niên 60 của thế kỷ XX. Những ngày ấy tất cả công việc tại nông trường đều chấp hành theo hiệu lệnh nhà binh, mọi sinh hoạt theo tiếng kẻng từ vỏ trái bom cũ vang lên…

Những ngày tháng này dù lao động vất vả nhưng khẩu phần ăn thời bao cấp vẫn là tiêu chuẩn gạo và nhu yếu phẩm ở mức tối thiểu…Nhưng bù lại là sự quan tâm của Đảng và Nhà nước khiến mọi người đều yên lòng.

Từ truyền thống dân tộc tới thời đại Hồ Chí Minh, Bác Hồ và Đảng ta luôn coi trọng những đơn vị khi thời bình là dân, khi có biến động thành quân, đó là chính sách bền vững, linh hoạt để đối phó với thời thế đầy thách thức.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Thủ tướng Phạm Văn Đồng cùng nhiều tướng lĩnh đã về Nông trường Vân Lĩnh truyền đạt chủ trương, phát đi mệnh lệnh và động viên chiến sĩ hoàn thành nhiệm vụ.

Đáp lại sự tâm ấy, hơn hai nghìn quân nhân đã phát huy tốt nhất phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, Bộ đội Điện Biên trong thực hiện nhiệm vụ mới.

Sản phẩm chính của Nông trường là cây chè, tại đây 100% sản phẩm chè được sản xuất đạt tiêu chuẩn xuất khẩu cho các nước XHCN, đổi lấy vật chất khác để phục vụ chiến đấu. Cây chè nơi đây đã trở thành sản phẩm đặc trưng của nông trường ngay từ thời điểm còn khó khăn này.

Trong những năm tháng gian khổ này, Vân Lĩnh đã hình thành và phát triển hình thái mẫu mực của đội quân mạnh trong chiến tranh, giỏi trong làm kinh tế.

Nhiều đoàn đại biểu các nước Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Là…đã đến Vân Lĩnh trao đổi và học tập kinh nghiệm. Trong cuốn sổ lưu niệm của Nông trường hiện còn lưu giữ những dòng chữ chân tình, kính trọng Việt Nam của các trưởng đoàn nước bạn đã tới đây.

Ông Đặng Viên Phàm, Trưởng đoàn Hạ Môn Trung Quốc đến thăm Vân Lĩnh ngày 29/3/1959 đã viết: Trên mặt trận chiến đấu các đồng chí là những anh hùng. Trong mặt trận kiến thiết hòa bình các đồng chí là những người xuất sắc!.Tôi rất cảm phục và chúc mừng.

Còn trưởng đoàn của Lào khi đến thăm nơi đây đã ghi: Chúng tôi đến đây để tham quan, nhưng thực tế là chúng tôi phải học tập các đồng chí, chúng tôi cương quyết học tập tinh thần các đồng chí!

Đường Trường Sơn huyền thoại có phiên hiệu Đường 559 bắt đầu từ đâu?- Ảnh 3.

Những cựu chiến binh xưa đang sinh sống ở Vân Lĩnh.

Tháng ngày lịch sử đến kế thừa và tiếp bước

Nằm ngay trong chiến lược của Đảng và Bộ Quốc phòng, Vân Lĩnh trở thành nơi "ém quân", nơi giữ lực lượng cho cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc sau này.

Khi cuộc chiến tranh chống Mỹ nổ ra, khoảng 500 công nhân đã tạm biệt Nông trường, tạm xa gia đình để vào Nam chiến đấu.

Lực lượng này đã góp công lao vào những chiến thắng lẫy lừng ở miền Nam, đặc biệt là những chiến trường quân khu 5, Bình Định, Quảng Ngãi, Quảng Nam, Bình Trị Thiên. Nơi này cũng chính là quê hương của đại đa số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 210, Sư 305 anh hùng đang sống tại Vân Lĩnh.

Cũng từ lực lượng "gốc" này, rất nhiều sĩ quan trung, cao cấp của quân đội, công an và của nhà nước đã trưởng thành từ đây như Hồ Sỹ Đàm, Nghiêm Triều Dương, Lê Vinh Quy, Đặng Trần Thành, Hồ Anh Thắng, Đỗ Thị Kim Lĩnh, Đinh Hồng Nghiệp Nguyễn Duy Thanh, Nguyễn Hữu Hạnh, Trần Văn Phú, Nguyễn Thị Thanh Thảo, Vũ Đức Thắng, Nguyễn Đình Thắng Nguyễn Hồng Quang , Đinh Xuân Hải …

Gia đình Thiếu tướng tình báo Đặng Trần Đức cũng được Trung ương gửi gắm vào cộng đồng này suốt những năm kháng chiến, màu xanh nông trường đã trở thành tấm áo giáp mềm mại che chở cho người hậu phương để chiến sĩ ở tuyến đầu an tâm chiến đấu.

Ngày ban cán sự đoàn nhận nhiệm vụ là 19/5/1959 nên được chọn làm ngày truyền thống bộ đội Trường Sơn. Tiểu đoàn vận tải 301 tiền thân của Đoàn 559 được tập trung thành lập tại sở chỉ huy Lâm thời Sư đoàn 305, tại một địa danh tên là "đồi chiêu đãi sở" gần trung tâm nông trường Vân Lĩnh.

Ngày tháng lịch sử đó đã được ấn định thành phiên hiệu, thành bí số của tuyến đường vận tải chiến lược nối hậu phương với tiền tuyến: Đường 559.

Tuyến đường chiến lược của cuộc chiến tranh chống Mỹ này đã in bao nhiêu dấu giầy của các cán bộ, sĩ quan xuất phát từ Nông trường Vân Lĩnh xưa. Việc này được ghi nhận trong nhiều cuốn sách của nhiều sĩ quan thời chống Mỹ.

Nếu phải ghi nhận thành tích của một địa phương vùng bán sơn địa tại mảnh đất Phú Thọ thì Vân Lĩnh được xem một địa phương khá mẫu mực.

Du khách, bạn hữu đến từ xa sẽ phải chứng kiến một địa phương có môi trường phát triển rất rõ. Khái niệm "xanh, sạch, đẹp" và tính quy củ in rõ từng xóm từng làng, từng ngọn đồi của Vân Lĩnh.

Những đội văn nghệ, những đội thể thao dân dã duy trì nếp sống "Bán quân sự" của cha ông từ sáu bảy chục năm cho đến hôm nay.

Nơi đây, chính quyền và nhân dân tự hào vì có những doanh nghiệp vẫn bám trụ vào cây chè để phát triển. Những người làm chủ thời nay, họ rất năng động, tiếp thu nhanh những công nghệ mới, đã cho ra đời những sản phẩm cao cấp, làm chủ thị trường khó tính như EU, Ấn Độ.

Nét vừa là vẻ đẹp, vừa là niềm tự hào của Vân Lĩnh là: Từ hơn hai nghìn con người ban đầu, họ đã tồn tại trong gian khó, đã trưởng thành, hy sinh trong chiến tranh và dựng xây, đã trải qua bao nhiêu lần tan hợp của chiến chinh, của đời người nhưng nay vẫn tồn tại một "Hội Vân Lĩnh" ở khắp ba miền Trung Nam Bắc. Con, cháu của các chiến binh xưa nay vẫn kết nối với nhau qua những sinh hoạt kỷ niệm. Tinh thần, tình cảm của những con người trong tổ chức có tên "Vân Lĩnh" càng ngày càng thân ái, càng bền chặt.

Trong số họ nhiều người đã là những sĩ quan cao cấp trong các lực lượng vũ trang, trong bộ máy quản lý nhà nước. Họ là niềm tự hào cho cộng đồng Vân Lĩnh, họ cũng là người truyền cảm hứng cho con cháu họ để cái tên Vân Lĩnh không bào giờ nhạt phai.

Vân Lĩnh đó như một di sản văn hoá, một di tích lịch sử của đất nước, một địa phương biết kế thừa và triển đang rộn rã niềm vui trong những ngày kỷ niệm của Bộ đội Trường Sơn với Bí số hào hùng: 559.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem