Tướng Công binh kể những lần hút chết trên đường Trường Sơn ác liệt

Lương Kết (ghi) Thứ sáu, ngày 17/05/2019 06:43 AM (GMT+7)
“Anh em chúng tôi bỏ hết quần áo để lội sông khảo sát để làm thêm cầu ngầm nữa thì máy bay trinh sát OV -10 của địch bất thình lình lao tới. Chúng bắn quả pháo cối để báo hiệu cho máy bay phản lực đến đánh. Chúng tôi vội lao lên bờ nhưng chỗ đó chẳng có hầm gì, mỗi người tìm một hốc cây để lánh”, Thiếu tướng Hoàng Kiền kể về những tháng ngày ác liệt trên đường Trường Sơn.
Bình luận 0

img

Thiếu tướng Hoàng Kiền (ảnh L.K).

Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công Binh, ông nguyên là công binh Trường Sơn, hiện đang là Phó Chủ tịch Hội truyền thống Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh Việt Nam đã kể lại với PV những tháng ngày ác liệt mà ông đã trải qua trong những năm ở Trường Sơn.

Khí thế hừng hực vượt Trường Sơn

Tôi nhập ngũ tháng 8.1970, lúc đó 19 tuổi, đang là giáo viên cấp 2. Có thể nói đây là giai đoạn mà cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đang ở giai đoạn quyết liệt nhất. Sau cuộc Tổng tiến công năm 1968, địch phản công gây những khó khăn, tổn thất cho ta. Ngoài Bắc tiến hành động viên lớn để dốc sức người, sức của chi viện cho chiến trường miền Nam.

Tỉnh Nam Hà (nay tách Nam Định, Hà Nam, ông Kiền quê xã Giao Thịnh - huyện Giao Thuỷ - tỉnh Nam Định,) quê tôi, trong đợt nhập ngũ này có gần 500 người là giáo viên, số ít là học sinh cuối cấp. Số này biên chế được thành một tiểu đoàn.

Trong 3 tháng huấn luyện, ngày chúng tôi ở thao trường tập bắn súng, đốt bôc phá, ném lựu đạn, tập chiến thuật…đêm đêm tập hành quân (đeo bao lô đựng những cục đất đóng thành viên khoảng 35kg và khẩu súng). Khí thế lúc đó rất hừng hực, chúng tôi vừa đi vừa hô khẩu hiệu: "Rèn chân đồng vai sắt, xây ý chí kiên cường, để vượt dải Trường Sơn, vào Nam tiêu diệt Mỹ".

img

Máy bay địch đánh phá ác liệt ở Trường Sơn (ảnh tư liệu).

Sau thời gian huấn luyện, đơn vị tôi hành quân vào Nam, cuộc hành quân bộ vượt Trường Sơn hết sức gian lao. Chủ yếu là đi theo đường giao liên, đường ô tô bị đánh phá ác liệt không thể đi được.

Cùng đơn vị hành quân với tôi có anh Đặng Quý Thiều, anh người thành phố Nam Định, bạn học cùng lớp với tôi ở sư phạm. Anh Thiều sức khỏe yếu nên đi chậm, thường bị rớt lại phía sau, tôi phải dắt. Sau này thấy anh yếu quá không đi được, đơn vị bàn nhau cho anh ở lại trạm giao liên để quay ra Bắc. Thời đó nếu bộ đội hành quân vào chiến trường, ai đó lại quay trở ra dư luận cho rằng là đảo ngũ, tiếng rất xấu. Anh Thiều quyết tâm xin đi tiếp. Chúng tôi bàn nhau chia ba lô quân trang của anh ra để đem giúp, tôi nhận dắt anh.

Hành quân một tháng rưỡi, chúng tôi vào đến đường 9 Nam Lào, tôi được phân về đơn vị công binh ở Binh trạm 32 Đoàn 559 - Trường Sơn. Thế rồi tôi gắn bó với với con đường huyền thoại gần 6 năm liền.

img

Những người lính công binh trên đường Trường Sơn (ảnh tư liệu).

Trọng điểm trên đường Trường Sơn không có ban đêm

Đến Binh trạm 32, khung cảnh hiện ra trước mắt tôi là cảnh bom đạn địch đánh phá rất ác liệt. Binh trạm này có địa danh tên gọi Văng Mu, được coi cánh cửa thép Trường Sơn, rồi Phú Kiều, The Mé đều bị bom đạn đánh phá ác liệt.

Tôi được điều vào Đội khảo sát và được huấn luyện một tuần (lúc vào chưa biết gì về công binh), được phổ biến một số kinh nghiệm tránh máy bay địch. Sau đó. Tôi đi đến các trọng điểm mà địch đánh phá ác liệt để khảo sát tìm đường tránh hoặc tìm cách khắc phục.

img

Thanh niên xung phong ở Trường Sơn (ảnh tư liệu).

Tất cả các trọng điểm tôi qua thấy cây rừng bị bom đạn, chất khai quang đốt cháy trơ gốc. Tại các trọng điểm, địch thả pháo sáng không ngừng giây nào, cứ 5 giờ chiều máy bay địch bay đến thả pháo sáng, đến sáng chúng mới dùng. Có thể nói các trọng điểm trên Trường Sơn không có đêm. Mùa khô máy bay địch đánh bổ nhào, mùa mưa chúng đánh tọa độ (máy bay đến tọa độ thì cắt bom xuống), rồi B52 đánh dải thảm. Riêng Văng Mu là đường độc đạo không có đường tránh, mùa khô đất mặt đường bị nghiền mịn như bột, ngập đến đầu gối, mùa mưa thì cực kỳ lầy lội.

Trước sự đánh phá ác liệt của địch, tôi đã chứng kiến sự hy sinh anh dũng của những người lính, những thanh niên xung phong. Họ đúng như tinh thần của câu nói “sống bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, để giữ cho con đường huyền thoại được thông suốt.

img

Đường Trường Sơn bị đánh phá trơ trụi nhưng xe vận tải của ta vẫn vượt qua (ảnh tư liệu).

Những lần hút chết

Nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược từ hậu phương lớn ra tiền tuyến lớn, đầu năm 1971 dưới sự yểm trợ của không quân của Mỹ, quân đội Nguỵ đã mở cuộc tiến công sang Đường 9 - Nam Lào lấy tên là Lam Sơn 719 với lực lượng rất lớn, khoảng 30 nghìn quân) 450 xe tăng, xe thiết giáp; hơn 200 khẩu pháo, 700 máy bay các loại.

Binh trạm 32 có bộ phận tiền phương ở khu vực Tha Mé, địch đánh đứt liên lạc. Thủ trưởng đơn vị cử tôi và một người nữa đi bộ vào tiền phương để xem tại sao mất liên lạc.

Sau 2 ngày đi bộ khoảng 80km, chúng tôi đến tiền phương của Binh trạm, cũng là lúc địch vừa đánh xong, bom đạn của chúng đánh trúng sở chỉ huy, chăn màn quần áo bị cháy hết. Tất cả anh em chui vào hầm bị ngạt thở nhưng may không ai làm sao. Vừa trông thấy tôi, Thủ trưởng của tiền phương nói ngay: Địch đang đổ bộ xuống đây về báo cáo ngay Binh trạm. Hai chúng tôi vội chạy bộ quay về, khi qua quả đồi không tên thấy có một Đại đội 12ly7 đang phục kích địch. Anh em nói to, chạy ngay đi chúng sắp đổ bộ xuống rồi. Hai chúng tôi vừa băng qua đồi thì trực thăng địch đổ bổ xuống.

img

Trường Sơn - con đường huyền thoại của thế kỷ XX (ảnh tư liệu).

Sau chiến dịch Lam Sơn 719 của địch, về tổng thể chúng ta giữ được đường Trường Sơn nhưng có những đoạn đường bị đánh tắc. Tôi được giao đi cùng tiểu đội khảo sát để làm đường tránh cho đường 32B. Đoạn ngầm qua sông, cấp trên định làm cầu chìm dưới nước (căng dây cáp dưới nước và dải gỗ lên trên) nhưng thác chảy mạnh không giữ được cầu, sau bắc cầu nổi nhưng chỉ một đêm bị địch đánh chìm.

Những người lính Trường Sơn chuyển sang phà nhưng cũng chỉ một đêm địch đánh chìm phà. Cuối cùng cấp trên hạ quyết tâm làm ngầm bằng cách chở đá về lấp sông thành đường ngầm cách mặt nước khoảng 80cm đến 1m xe có thể chạy qua được.

Chúng tôi đang khảo sát làm tiếp ngầm nữa, khi anh em đang cởi hết quần áo (vì toàn nam giới) để lội sông khảo sát thì máy bay trinh sát OV -10 của địch bất thình lình lao đến vì chúng phát hiện xe vận tải của chúng ta vừa qua ngầm. OV -10 bắn quả pháo cối để báo hiệu cho máy bay phản lực đến đánh. 6 anh em chúng tôi chạy lên bờ nhưng chỗ đó chẳng có hầm gì, mỗi người tìm một hốc cây để lánh. Tôi vừa chui vào một hốc cây thì bên ngoài bom nổ ầm ầm, mảnh bom, đất đá bay vèo vèo. Chúng đánh phá mấy chục phút mới dừng, tất cả chúng tôi may mắn không ai việc gì.  

Cũng đợt đi khảo sát đường 32B, một đêm 6 anh em chúng tôi ngủ trong rừng. Đúng ra phải cắt cử người để gác, nhưng chúng tôi nghĩ giữa rừng sâu chẳng có ai, nên khi võng xong, anh em trò chuyện rồi ngủ. Đêm đó trời mưa rất to, sáng hôm sau tỉnh dậy, chúng tôi bàng hoàng khi nhìn thấy vết chân của phỉ Lào vừa đi qua (đặc điểm của phỉ Lào là hành quân đêm, luồn lách rừng). Có lẽ do đêm đó mưa to, trời tối nên toán phỉ không phát hiện chúng tôi đang ngủ trên võng, nên tất cả anh em mới thoát nạn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem