Vị Tư lệnh được phong Trung tướng vượt cấp và những dấu ấn trên đường Trường Sơn huyền thoại

Thiếu tướng Hoàng Kiền Thứ tư, ngày 01/03/2023 06:31 AM (GMT+7)
Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đánh giá đúng tài năng, bản lĩnh, nhân cách, những cống hiến của Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên. Năm 1974, ông xứng đáng được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.
Bình luận 0

Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên (1/3/1923 -1/3/202, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, nguyên Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn), Thiếu tướng Hoàng Kiền, nguyên Tư lệnh Công binh, hiện là Phó Chủ tịch Hội Trường Sơn Việt Nam có bài viết cho Dân Việt về vị Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn này.

Tác phong công tác đặc biệt của vị Tư lệnh Trường Sơn

Đầu năm 1967, Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - Phó Chủ nhiệm Tổng cụ Hậu cần kiêm Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Tiền phương nhận quyết định của Bộ Quốc phòng điều vào làm Tư lệnh Bộ Tư lệnh 559.

Trên đường vào ông chú tâm kết hợp quan sát địa thế và cách đánh của địch ở các khu vực vượt khẩu, nên ông muốn đi xe ban ngày. Thật là chuyện lạ đối với cán bộ cao cấp. Người chỉ huy trạm giao thông không chịu cho qua, ông phải thuyết phục mãi, đến mức phải nói là Tư lệnh đi kiểm tra tuyến, ông mới được vượt qua trọng điểm lúc xế chiều. Đến Sở chỉ huy, ông tập trung nghiên cứu nguyên nhân không thành công của công việc những năm trước.

Vị Tư lệnh được phong Trung tướng vượt cấp và những dấu ấn trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 1.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên lúc sinh thời. Ảnh Tư liệu

Ông rút ra những điều hết sức trăn trở: Thời tiết khô ráo chỉ có thời gian ngắn mâu thuẫn với yêu cầu khối lượng chi viện ngày càng lớn; việc nắm địch quá chậm; cách tổ chức chỉ huy chưa ổn, thiếu thống nhất; đời sống bộ đội quá gian khổ, dịch bệnh uy hiếp khả năng duy trì sức chiến đấu lâu dài... Đặc biệt về tư tưởng chủ động tiến công giành thời cơ còn yếu....Sau khi cân nhắc kỹ mọi mặt, ông thuyết phục dời Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh vào khu vực trung tâm gần đường 9 (SCH Na Bo). Rồi ông trực tiếp thị sát các trọng điểm, đi ban ngày. Đây là một tác phong công tác đặc biệt của vị Tư lệnh Trường Sơn.

Đầu năm 1971, tôi trong tổ công tác của Ban Tham mưu Công binh  Binh trạm 32 đi khảo sát đường từ Sở chỉ huy Binh trạm, theo đường 128 B  ra ngã ba Lùm Bùm để đón cấp trên. Máy bay địch mới ném bom xuống ngã ba Lùm Bùm, công binh đang khắc phục hậu quả để thông đường. Thấy đoàn xe con có ba chiếc đi từ phía ngoài vào. Đến trạm điều chỉnh giao thông các cán bộ xuống thăm bộ đội, kiểm tra nắm tình hình đường phía trong.

Tôi được gặp Đại tá Đồng Sỹ Nguyên - Tư lệnh Bộ đội Trường Sơn. Ông có dáng người to cao, mặc bộ quân phục, đi ủng, đội mũ sắt, đi kiểm tra tuyến vào ban ngày, đây là tác phong đặc biệt của ông. Có đi ban ngày mới quan sát được địa hình, đường sá, các trọng điềm đánh phá của địch, để có phương án tác chiến cho phù hợp, mặc dù đi ban ngày trên đường Trường Sơn là vô cùng nguy hiểm.

Đến Cơ quan Binh trạm 32, ông nói chuyện với cán bộ chiến sĩ cơ quan trong hang với hai nội dung:

Phát huy danh hiệu Binh trạm vạn tấn ( mỗi tháng chở hàng vượt qua đường 9 được 1 vạn tấn trở lên), đẩy mạnh vận chuyển với kết quả cao hơn nữa.Chuẩn bị đối phó với cuốc tiến công ra Đường 9 Nam Lào của Mỹ - Nguỵ, có địa bàn của Binh trạm 32.

Trên cơ sở nghiên cứu thực tế, ông chỉ đạo thí điểm đội hình vận tải tập trung, lợi dụng địa hình thời tiết sương mù, các khe suối cạn, tranh thủ cho xe chạy ban ngày, chạy lấn từng đoạn. Sau đó Tư lệnh phóng xe thị sát toàn tuyến, dự các buổi giao ban của các Binh trạm, Trung đoàn...

Khi quay về, Tư lệnh rút ra một loạt vấn đề phải sửa gấp: "Trước hết phải trang bị thông tin hữu tuyến điện đến từng đơn vị, từng trạm chỉ huy xe trên đường, đến các trận địa phòng không đánh địch. Sở chỉ huy các cấp phải đứng giữa đội hình chiến đấu, cán bộ chỉ huy phải trực tiếp ở khâu trọng yếu. Các cấp phải chấp hành nghiêm quy định báo cáo hàng ngày, trực tiếp báo cáo và nhận lệnh. Công binh phải bố trí lực lượng túc trực chống phá hoại, cấp cứu xe và người. Khẩn trương hạ độ dốc, mở rộng "cua", làm nhẵn mặt đường.

Các Binh trạm phải tổ chức đội hình vận tải tập trung đại đội, tiểu đoàn.... Các kho phải sửa chữa, cải tiến bảo đảm giải phóng xe nhanh đồng loạt....". Là một cán bộ hành động, có óc thực tiễn cao, ông đặc biệt coi trọng việc bảo đảm đời sống cho bộ đội. Ông chỉ thị cho Cục Hậu cần, Quân y phải trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra việc bảo đảm ăn nghỉ trên đường, phòng bệnh, chống dịch hiệu quả.

Vị Tư lệnh được phong Trung tướng vượt cấp và những dấu ấn trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 2.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn Đồng Sỹ Nguyên đến thăm bộ đội Trường Sơn. Ảnh Tư liệu

Các nội dung cải cách được phân công kiểm tra, đôn đốc chặt chẽ. Sau bốn tháng vừa chấn chỉnh vừa thực hiện kế hoạch nhiệm vụ, các Binh trạm như guồng máy, tăng tốc nhịp nhàng trong dây chuyền khổng lồ của Trường Sơn. Kết thúc mùa khô (1966-1967), cả hai tuyến trước và tuyến sau đều hoàn thành vượt chỉ tiêu Bộ giao. Thắng lợi đầu tiên của Tuyến chi viện chiến lược làm nức lòng mọi người.    

Đường huyền thoại trong huyền thoại Trường Sơn

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên còn đưa ra một loạt vấn đề có tính nguyên tắc của Tuyến vận tải chiến lược: Phải tổ chức binh chủng hợp thành với bốn lực lượng: Vận tải - Giao thông - Bộ binh - Cao xạ ... Công tác bảo đảm cầu đường nhất định phải đi trước một bước... Cần định hình chiến thuật từng binh chủng trong chiến đấu hiệp đồng... Mở các chiến dịch vận tải tiến lên "Tổng công kích", dứt điểm các hướng chi viện...

Vị Tư lệnh được phong Trung tướng vượt cấp và những dấu ấn trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 3.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên thăm, động viên chiến sĩ lái xe trước khi lên đường làm nhiệm vụ. Ảnh Tư liệu

Năm 1968, khi địch đánh phá ngăn chặn ác liệt, không đưa được xăng dầu vào cho xe vận chuyển, ông đã báo cáo với Bộ Tổng Tư lệnh để triển khai hệ thống đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn - một con đường "huyền thoại" trong huyền thoại Trường Sơn.

Cũng từ năm 1967 hệ thống thông tin dây trần đã mở ra chạy dọc hai hướng Tây và Đông Trường Sơn, bảo đảm cho nhiệm vụ chỉ huy kịp thời, vững chắc, thông suốt. Đây cũng là một "huyền thoại" trong huyền thoại Trường Sơn.

Năm 1971, để đối phó với máy bay AC.130 vô cùng nguy hiểm, ông đã đưa ra ý tưởng mở đường kín, còn gọi là đường "K". Nhờ có đường K đã "loại"được máy bay AC.130 cũng như các loại máy bay khác ra "khỏi vòng chiến đấu".

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, dưới sự chỉ đạo của Quân uỷ Trung ương và Tổng Tư lệnh về làm đường cơ bản, ông đã tổ chức triển khai thi công thật khẩn trương.

Đường Trường Sơn đã được xây dựng cơ bản và đặc biệt là cải tạo nhánh phía Tây kịp thời bảo đảm vận chuyển chi viện cho cuộc Tổng tiến công đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đi đến thắng lợi hoàn toàn của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Vị Tư lệnh được phong Trung tướng vượt cấp và những dấu ấn trên đường Trường Sơn huyền thoại - Ảnh 4.

Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên (đội mũ vải) nghe báo cáo về kế hoạch triển khai tuyến xăng dầu khu vực 471. Ảnh Tư liệu

Sáng tạo đặc biệt về tổ chức lực lượng

Về tổ chức phát triển lực lượng và tăng cường trang bị kỹ thuật trong chiến đấu binh chủng hợp thành trên chiến trường Trường Sơn do Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên nghiên cứu đề xuất. Đây là một trong những sáng tạo độc đáo, mô hình tổ chức lực lượng và phương thức hoạt động này chưa hề có trong vận tải chi viện chiến lược ở Việt Nam.

Tư tưởng chỉ đạo của ông là sử dụng sức mạnh binh chủng hợp thành trên toàn chiến trường, đặt dưới sự chỉ huy thống nhất vào một Bộ Tư lệnh. Coi trọng hệ thống chỉ huy, các Tham mưu trưởng: Tham mưu trưởng Tác chiến; Tham mưu trưởng Vận tải, Tham mưu trưởng Phòng không... Chỉ huy sở làm việc 24/24 giờ với thông tin liên lạc thông suốt.

Việc xây dựng mô hình tổ chức lực lượng qua các giai đoạn như Binh trạm, Trung đoàn binh chủng, Sư đoàn khu vực, Sư đoàn binh chủng phát triển theo yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt là tháng 4/1973, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Trường Sơn đề nghị Bộ cho thành lập 2 Sư đoàn ô tô vận tải và 6 trung đoàn độc lập, 4 Sư đoàn công binh và 2 trung đoàn cầu, 1 Sư đoàn phòng không và 6 trung đoàn độc lập, 1 Sư đoàn bộ binh và 2 trung đoàn độc lập, tiếp nhận 1 Sư đoàn phòng không phối thuộc, bỏ hình thức giao liên bộ chuyển thành hai trung đoàn giao liên cơ giới.

Lúc này toàn chiến trường có trên 10 vạn quân, 8 sư đoàn, 21 trung đoàn binh chủng độc lập trực thuộc và 1 Sư đoàn phối thuộc của Bộ. Đây là một sáng tạo đặc biệt của Bộ đội Trường Sơn xuất phát từ ý tưởng của Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên.

Trường Sơn là một chiến trường. Nơi đây đã diễn ra cuộc chiến ngăn chặn của không quân Mỹ với quy mô và mức độ ác liệt nhất trong lịch sử chiến tranh của nhân loại. Tư lệnh Đồng Sỹ Nguyên với bản lĩnh, trí tuệ và tài năng, ông đã chỉ huy các lực lượng của Bộ đội Trường Sơn đánh bại cuộc chiến tranh ngăn chặn của không quân Mỹ trên tuyến đường nay, lập nên những chiến công huyền thoại.

Đảng, Nhà nước, Quân đội đã đánh giá đúng tài năng, bản lĩnh, nhân cách, những cống hiến của ông. Năm 1974, ông xứng đáng được thăng quân hàm vượt cấp từ Đại tá lên Trung tướng.

Trung tướng Đồng Sỹ Nguyên, tên thật là Nguyễn Hữu Vũ, sinh ngày 1/3/1923 trong một gia đình có truyền thống cách mạng và yêu nước tại Trung Thôn, Quảng Trung, Quảng Trạch, Quảng Bình. Mới 12 tuổi ông đã tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 12/1939, ông trở thành đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem