Đường Trường Sơn huyền thoại: Hang Tám Cô và những hy sinh không thể đong đếm

Gia Tưởng Chủ nhật, ngày 19/05/2019 08:44 AM (GMT+7)
Để làm nên tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, góp phần quan trọng vào công cuộc giải phóng miền Nam - thống nhất đất nước, không thể kể được hết những hy sinh to lớn của lực lượng thanh niên xung phong... 
Bình luận 0

Trong những đóng góp đó phải kể đến sự đóng góp to lớn củ Ban Thanh niên xung phong (TNXP) 67 thuộc Bộ Giao thông Vận tải, với những chàng trai cô gái tuổi đời còn rất trẻ. Họ đã dệt nên một bản anh hùng ca của những người làm đường, giữ đường như giữa mạch máu của chính mình. 

Huyền thoại hang Tám Cô

img

Hang Tám Cô nơi chứng kiến sự hi sinh của những thanh niên xung phong bất khuất. (Ảnh: I.T)

Trên con đường huyết mạch Trường Sơn, không thể kể hết được tên người, địa danh, địa điểm ghi dấu nơi những người TNXP đã nằm lại. Trong đó có hang Tám Cô thuộc xã Tân Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Đây là địa danh đã được lớp lớp các thế hệ TNXP ở Ban 67, nay là Tổng Công ty Xây dựng công trình số 5 luôn nhắc tới. Họ coi đó như là một phần lịch sử anh hùng của đơn vị mình.

Ngược dòng lịch sử, năm 1965, lực lượng vận chuyển bằng cơ giới của Đoàn 559, bộ đội Trường Sơn thường xuyên phải chịu cảnh ngập lụt tại túi nước Xiêng Phan (Lào), từ Pắc Pha Năng tới bản Na Nô- Na Nhom, có chỗ ngập sâu tới 6 mét. Nhiều lúc hàng trăm xe mắc kẹt tại địa điểm này. Cần phải có một tuyến đường khác từ bến phà Xuân Sơn, vượt tây Trường Sơn, qua Lùm Bùm kết nối với đường 128 rồi nhập vào đường 9. 

Thực hiện chủ trương này, năm 1966, Bộ Tư lệnh Đoàn 559 phát lệnh khởi công chiến dịch mở đường mang tên “Chọc thẳng Trường Sơn, mở đường thắng lợi” gọi tắt là Đường 20 - Quyết Thắng". Hàng ngàn cán bộ, chiến sỹ, chủ yếu là lực lượng TNXP ngày đêm đào, cuốc, san bằng mặt đường. Sau 77 ngày đêm lao động khẩn trương, tuyến đường hoàn thành. 

Tháng 6/1971, 8 TNXP quê ở huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) đã cùng hàng nghìn TNXP khác tình nguyện vào chiến đấu và phục vụ chiến đấu trên đất lửa Quảng Bình. Họ được biên chế vào Đội 163, Ban 67 phụ trách cung Đường 20 - Quyết Thắng. 

Năm 1972, phát hiện ra Đường 20 – Quyết Thắng, đế quốc Mỹ điên cuồng tập trung mọi phương tiện chiến tranh hiện đại nhằm hủy diệt con đường.

Chiều ngày 14/11/1972, ngày định mệnh ở hang Tám Cô, máy bay B.52 ném bom rải thảm dọc tuyến đường 20 – Quyết Thắng. Tiểu đội TNXP 163 của Ban 67 đang bám trụ đường gồm các đồng chí: Nguyễn Văn Huệ, Trần Thị Tơ, Lê Thị Lương, Hoàng Văn Vụ, Nguyễn Văn Phương, Đỗ Thị Loan, Nguyễn Mậu Kỷ, Lê Thị Mai chạy vào một hang đá bên đường (nay gọi là hang Tám Cô) trú ẩn. Cả quãng đường qua Km16,5 trên Đường 20-Quyết Thắng bị bom cày nát, cắt đoạn, đất đá tung lên mù mịt. Những vách núi đá dựng đứng lắc lư.

Sau một loạt bom, 5 chiến sĩ pháo binh hy sinh trước cửa hang. Cùng lúc đó một tảng đá nặng hàng trăm tấn trên cao đổ ập xuống bịt kín miệng hang…

Tiếng máy bay, tiếng bom nổ vừa dứt, đồng đội lao đến dùng cuốc, xẻng, xà beng... đào bới nhưng không thể lay chuyển được khối đá khổng lồ án ngữ trước miệng hang. Nghe rõ tiếng kêu cứu của các đồng chí TNXP vọng ra từ khối đá nhưng tất cả đều bất lực…

Không chịu bó tay, những chiếc ống thông rỗng ruột được luồn qua qua kẽ nứt để đổ cháo loãng, những viên thuốc B1, những bánh lương khô đã được nghiền nát vào trong hang nhằm kéo dài sự sống cho các anh chị. Nhưng tất cả đều tuyệt vọng bởi những ống dẫn cũng bất lực không đủ để cứu sống các anh các chị. Thế rồi, tiếng kêu cứu yếu dần, đến ngày thứ 7, đồng đội chỉ thoáng nghe một giọng nữ gọi yếu ớt "Bầm ơi cứu con..."!, rồi tất cả rơi vào im lặng vĩnh viễn.

Tám chiến sỹ TNXP gồm 4 nam, 4 nữ, hy sinh ở hang "Tám Cô" như một huyền thoại không lý giải được. Rằng, lịch sử cũng có sự trùng hợp đến kỳ lạ.

Trước thời điểm các anh chị hy sinh thì ở tuyến đường 20-Quyết Thắng tại Km16 +200 có một hang lớn, sâu và rộng, rất thuận lợi cho bộ đội và TNXP tránh máy bay địch. Cũng chính vì địa thế thuận lợi của nó mà các đơn vị TNXP thường nhường cho các nữ TNXP vào ẩn nấp. Có thời gian dài một tiểu đội nữ TNXP gồm 8 cô gái vẫn thường vào tránh máy bay địch. Mọi người quen gọi là hang "Tám Cô".

Khi 8 chiến sỹ TNXP mất cũng chính tại hang đá này, đồng đội các anh, các chị không muốn đổi tên. Thế là, hang "Tám Cô" trường tồn mãi mãi cho đến ngày hôm nay.

Ngày 22/3/1996, lực lượng tìm kiếm đã nổ quả mìn đầu tiên phá hòn đá lớn chắn cửa hang. Ngày 11/5/1996, phát hiện thấy bộ hài cốt đầu tiên được xác định là của liệt sĩ Hoàng Văn Vụ và một cụm xương, tóc, răng cùng một số kỷ vật lẫn lộn. Do liệt sĩ Hoàng Văn Vụ là người Công giáo, có đeo tượng thánh giá trên cổ, khi phát hiện vẫn còn nên hài cốt của anh được để riêng. 7 tiểu sành khác tách từ cụm xương, tóc, răng, được cho là hài cốt 7 thanh niên xung phong còn lại và không xác định được cụ thể tên tuổi từng liệt sĩ.

Ngày 4/6/1996, tỉnh Quảng Bình đã làm lễ bàn giao, đưa tiễn 8 liệt sĩ về an táng tại nghĩa trang liệt sĩ ở quê nhà huyện Hoằng Hóa. Cuộc tìm kiếm hài cốt liệt sĩ hang Tám Cô kết thúc. Tại cửa hang một nhà bia tưởng niệm được xây dựng để tri ân 8 liệt sĩ.

Năm 2010, Chủ tịch Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đã truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân cho tập thể liệt sỹ TNXP hy sinh tại hang Tám Cô.

Không thể đo đếm được những hy sinh

img

Ông Vũ Trọng Kim cựu thanh niên xung phong nói chia sẻ những mất mát của những người đồng đội mình. (Ảnh: P.V)

Trong buổi gặp mặt TNXP tại Đà Nẵng, đồng chí Vũ Trọng Kim - Chủ tịch hội cựu TNXP tại Miền Nam chia sẻ, thực hiện chủ trương và quyết tâm chiến lược chi viện hậu cần, quân lực cho miền Nam thành lập chính quyền cách mạng để đánh Mỹ, giải phóng đất nước, ngày 5/5/1959, đoàn công tác đặc biệt làm nhiệm vụ mở đường Trường Sơn thành lập để mở tuyến giao liên bằng gùi, thồ với phương châm “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng”. 

Ngày 19/5/1959, đoàn 559 được giao nhiệm vụ mở đường Hồ Chí Minh. Đến ngày 23/4/1967, Bộ Giao thông Vận tải quyết định thành lập Ban 67. Từ đó, tuyến chiến lược này đã khơi thông Nam Bắc. Năm 1964, khi đế quốc Mỹ tiến hành “chiến tranh cục bộ”, đưa hàng chục vạn quân Mỹ vào miền Nam, thực hiện gom dân kìm kẹp, mở các cuộc hành quân “Tìm và diệt” lực lượng cách mạng của ta; tạo ra sự kiện “Vịnh Bắc bộ”, ngày 5/8/1964,  đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại, dùng máy bay ném bon bắn phá một số nơi rồi lan rộng ra toàn miền Bắc nước ta …

Nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền Bắc đối với tiền tuyến lớn miền Nam, ngày 21/6/1965, Trung ương Đoàn Thanh niên lao động Việt Nam tổ chức các Đội TNXP chống Mỹ cứu nước tập trung phục vụ công tác giao thông vận tải, thu hút 14 vạn cán bộ, đội viên TNXP tình nguyện tham gia vào 170 Đội TNXP và 50 Đại đội TNXP trực thuộc với quyết tâm “Xẻ dọc Trường Sơn cứu nước”.

Các lực lượng công binh, TNXP, dân công hỏa tuyến gồm 120.000 người đã làm nên mạng đường liên hoàn, vững chắc với 5 hệ thống đường trục dọc, 21 đường trục ngang, nối Đông với Tây Trường Sơn, vươn tới các chiến trường với tổng chiều dài 2 vạn km đường ô tô, 1.400km đường ống dẫn xăng dầu, 3.140km “đường kín” cho xe chạy ban ngày, cùng hàng nghìn cầu, cống, ngầm khác.

Trong giai đoạn 1965 – 1972, địch đã thực hiện khoảng 733.000 chuyến bay, đánh phá 152.000 trận, ném gần 4 triệu tấn bom đạn khiến hơn 20.000 bộ đội, TNXP, công nhân giao thông hy sinh và 30.000 người bị thương trên con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại.

Đây chỉ là những con số, mà không nói hết được mọi sự hi sinh của những chiến sỹ TNXP của Việt Nam. Nhiều anh chị em đã hòa vào đất đá cỏ cây ở Trường Sơn, để mở những cung đường máu ra tiền tuyến góp phần thống nhất đất nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem