Tác phẩm về Trường Sơn - những tượng đài kỷ niệm được dựng lên trong trái tim người nghe

Thủy Tiên Chủ nhật, ngày 19/05/2019 17:20 PM (GMT+7)
Nhân kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh, nhà thơ – nhà biên kịch Đoàn Tuấn, cũng là người lính trở về từ chiến trường, chia sẻ ấn tượng của ông về những bài thơ, ca khúc viết về đường Trường Sơn.
Bình luận 0

Có nhiều bài thơ, một số đã được phổ nhạc và các ca khúc như: Lá đỏ, Trường Sơn đông Trường Sơn tây, Sợi nhớ sợi thương… nói về con đường huyền thoại này. Theo ông, các ca khúc về đường Trường Sơn ra đời trong những năm chiến tranh chống Mỹ có ý nghĩa như thế nào với lịch sử, dân tộc Việt Nam?

Trong những năm tháng chiến tranh chống Mỹ, các bài hát về đường Trường Sơn vẫn vang lên khắp đất nước, kể cả ở chiến khu Đ và đến tận mũi Cà Mau. Tôi đã nghe  người dân đất Mũi kể về cảm xúc của họ khi nghe những bài hát này, dù chỉ truyền qua làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, nhưng công chúng vẫn rất nhớ và thuộc rất nhanh. Vì sao ư? Bởi những bài hát đó đều xuất phát từ trái tim nồng nàn tình yêu đất nước và khát vọng thống nhất. Chúng là tiếng lòng cất lên hàng ngày từ trong sâu thẳm của người dân nước Việt mọi lứa tuổi. Chúng có vai trò rất lớn thúc giục mọi người ra trận, hành động vì mục đích cao cả. Những bài hát này, qua thời gian, càng chứng tỏ giá trị  lớn lao của mình trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

img

Nhà thơ - nhà biên kịch Đoàn Tuấn 

Về khía cạnh nghệ thuật, các bài thơ, ca khúc về đường Trường Sơn đã để lại dấu ấn ra sao cho nền văn học/âm nhạc nước ta, thưa ông?

Những bài hát đó có cấu trúc rất vững chắc và gọn gàng. Nhịp điệu các ca khúc thường thể hiện ở nhịp đi hành khúc, nhịp 2/4. Ca từ của những bài hát đó giản dị mà sâu sắc, giàu tính chiến đấu nhưng cũng rất trữ tình, lãng mạn. Hơn nữa, những ca khúc đó đều thể hiện vẻ đẹp của lời ca cũng như vẻ đẹp của âm nhạc. Mỗi ca khúc là một góc nhìn về Trường Sơn, vừa cụ thể vừa khái quát. Và tất cả đều chiếm được lòng tin, thiện cảm của công chúng. Tôi đã nghe rất nhiều người trong gia đình tôi, anh chị em, cô bác hàng xóm cũng như các ca sỹ bán chuyên nghiệp hát những ca khúc này. Mỗi người một vẻ, nhưng đều rất say mê và truyền cảm. Điều đó chứng tỏ, giai điệu cũng như ca từ của những bài hát này đạt đến độ chuyên nghiệp rất cao nhưng lại rất dễ tiếp cận.

Theo ông, yếu tố nào khiến các bài thơ/ca khúc này vẫn sống mãi với thời gian, để đến với đông đảo công chúng, ngay cả với thế hệ trẻ?

Nhiều bài thơ về Trường Sơn không chỉ được ngâm hàng đêm trên sóng phát thanh mà còn là chất liệu để các nhạc sỹ phổ nhạc bên cạnh những ca khúc được sáng tác trực tiếp trên chiến trường. Những ca khúc này có đời sống vững bền bởi, thứ nhất, chúng ghi dấu ấn lịch sử thời đại một cách riêng biệt; thứ hai, chúng được sáng tác bởi những cảm xúc đã chín muồi, trong sáng và hào sảng, không hề bi lụy, chạm đến những miền xúc cảm sâu lắng và đẹp đẽ trong trái tim người nghe. Điều cuối cùng tạo nên sức sống lâu bền của các ca khúc này: chúng đều là những tác phẩm với vẻ đẹp hoàn hảo.

img

Ông cho rằng, khi viết một tác phẩm (thơ/nhạc) có bối cảnh lịch sử, ở đây là những năm chiến tranh chống Mỹ, thì việc gắn kết với bối cảnh, không gian lịch sử có ý nghĩa quan trọng như thế nào để tác phẩm vừa mang ý nghĩa lịch sử, vừa mang yếu tố nghệ thuật, từ đó độc giả, công chúng dễ dàng tiếp nhận?

Một tác phẩm muốn sống lâu trong lòng công chúng, trước hết, phải đạt đến độ chân thành và giản dị về nội dung cũng như hình thức. Những bài thơ, ca khúc về Trường Sơn không chỉ đơn thuần là tác phẩm thơ/nhạc mà còn gắn với một địa danh huyền thoại, nơi đó hàng triệu người Việt Nam đã “xẻ dọc” dãy núi này đi cứu nước. Nơi đó cũng là nơi mà nhân dân Việt Nam thời kỳ đó luôn hướng lên, chiêm ngưỡng những tấm gương quả cảm, những sự hy sinh cao đẹp của một thế hệ vĩ đại nhất trong lịch sử dân tộc. Và những ca khúc về Trường Sơn là tượng đài kỷ niệm bằng âm nhạc, được dựng lên trong trái tim người nghe nhiều thế hệ.

img

Ông có thể chia sẻ cảm xúc của cá nhân mình khi nghe, xem, đọc các tác phẩm thơ, bài hát viết về đề tài đường Trường Sơn huyền thoại vốn rất gần gũi với thế hệ của ông?

Từ sự cảm mến và xúc của bản thân về những người đồng đội của mình, về một thời kỳ lịch sử đã trải qua, tôi soi chiếu vào thế hệ trẻ và nhận ra rằng: Càng có độ lùi về không gian và thời gian, thế hệ trẻ càng nhận chân được những giá trị lịch sử được thử thách qua thời gian. Tiếc rằng, có một bộ phận thế hệ trẻ hiêjn nay chạy theo âm nhạc ngoại, sáng tác những ca khúc lai căng, giai điệu xa lạ,lời ca gượng gạo như kẻ nói ngọng. Họ quá sính ngoại mà không chịu học hành cho ra hồn. Những bài hát của họ chưa ra đời đã chết từ lâu. Họ cần học hỏi từ âm nhạc của các thế hệ đi trước, sao cho mỗi ca khúc đều lấp lánh vẻ đẹp của âm nhạc và lời ca. 

 Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem