Bài viết gây tranh cãi trước đó của Duy Khoa vẫn được anh giữ lại trên trang cá nhân:
HÃY TRAO CHO ANH - "Nhạc Sơn Tùng nghe như đấm vào tai. Thật không thể tiêu hóa nổi gu âm nhạc của giới trẻ bây giờ!"
*
"Nhạc bolero là thứ âm nhạc thụt lùi"
Nếu có người nói như thế ắt hẳn sẽ nhận được một rổ gạch đá từ những người yêu nhạc Bolero và sẽ có hàng ngàn người sẵn sàng phân tích cái hay của Bolero. Đó là tình yêu dành cho một thể loại âm nhạc đã ăn vào tim, vào máu của những người yêu nhạc Bolero và họ sẽ sẵn sàng đứng ra bảo vệ dòng nhạc mình yêu.
Và nếu phát ngôn như câu mở đầu của bài viết, có lẽ xấp xỉ 1 triệu người yêu mến nhạc của Sơn Tùng M-TP vào chửi bới, giải thích, thuyết phục người phát ngôn trên hãy nhanh chóng từ bỏ quan điểm của mình và người đó sẽ có nguy cơ trở thành "đứa rơi mất não..."
Cuộc tranh luận sẽ không bao giờ đi đến hồi kết bởi họ đang tranh luận về quan điểm và sở thích của nhau, sự khác nhau này mỗi chúng ta nên tôn trọng.
Đứng trên quan điểm cá nhân nghe nhạc của cá nhân mình thì "Hãy trao cho anh" không phải là một sản phẩm đột phá về giai điệu hay ca từ. Có lẽ đột phá nhất là những cảnh quay đẹp được thực hiện tại Mỹ và cái tên đình đám Snoop Dogg, một biểu tượng của văn hóa đại chúng, của nhạc Rap Mỹ, bên cạnh đó là nữ ca sĩ trẻ nóng bỏng Madison Beer cùng dàn người đẹp triệu đô.
Để bước ra thế giới, ngoài việc cố gắng hòa nhập với màu âm nhạc chung, còn phải đầu tư và thay đổi về hình ảnh. Và đương nhiên phải có người tiên phong dám đi bước đầu tiên, dám làm, nhám nhận dù là thành công, hay chỉ trích.
Mình nghĩ rằng Iphone khi ra đời cũng luôn phải có phiên bản nâng cấp, vá lỗi, thì tại sao Sơn Tùng M-TP không thể có cơ hội để ngày một tốt hơn? Mình chưa thích, ko có nghĩa là người khác không yêu thích và cắm tai nghe lên lắc lư theo điệu nhạc của "Hãy trao cho anh".
Đối với hàng triệu fan của Sơn Tùng M-TP một khi đã yêu, họ sẵn sàng bảo vệ và hy sinh thời gian, tiền bạc ủng hộ cho tình yêu của mình.
Nếu là một người làm kinh doanh, chắc chắn Sơn Tùng M-TP đã đi đúng hướng và nắm rất chắc lý thuyết kinh doanh cũng như thực hành nó một cách bài bản: Tạo ra cộng đồng người tiêu dùng trung thành và sẵn sàng ủng hộ.
Thương hiệu được xây dựng đi theo đúng lộ trình Biết - Hiểu - Tin - Yêu. Nếu Sơn Tùng M-TP kinh doanh sản phẩm thương mại, cậu ấy bán gì người ta cũng sẽ ùn ùn kéo đến mà mua. Đó là điều mà bất cứ doanh nhân nào cũng mơ ước.
Sơn Tùng M-TP từng bị loại từ vòng gửi xe cuộc thi Vietnam Idol. Có phải chúng ta vẫn thường động viên các sĩ tử: Đại Học không phải là con đường duy nhất đi đến thành công. Mà thật ra cậu ấy từng đỗ thủ khoa nhạc viện TP HCM, thế nên có lẽ dừng bước trong cuộc thi đó có lẽ chỉ làm cậu ấy thêm mạnh mẽ và quyết tâm hơn trong việc chinh phục thị trường âm nhạc và khán giả mà thôi.
Nền âm nhạc đại chúng của Việt Nam còn quá non trẻ, so với nền công nghiệp âm nhạc của Hàn, Mỹ, Châu Âu, vì vậy việc học hỏi và bị ảnh hưởng bởi những ngôi sao giải trí nước ngoài là điều không thể tránh khỏi.
Trong máu người Việt không phải là Rock, Rap, Dance, mà là dân ca Việt Nam, nhạc cách mạng, nhạc trữ tình Việt Nam, sau này thêm phần bị ảnh hưởng bởi Cantopop đến từ Hồng Kông, Đài Loan...Rồi gần đây là Hàn Quốc.
Thế nên việc một nghệ sĩ trẻ tự mò mẫm đi lên từ những bước đầu tiên bị ảnh hưởng bởi một phong cách âm nhạc là điều dễ hiểu. Tất cả các ngôi sao giải trí trên thế giới đều từng yêu mến và học hỏi, sáng tạo từ một hình mẫu nào đó trước khi tìm ra hình mẫu riêng của mình. Sơn Tùng M-TP cũng vậy, hãy cho cậu ấy thời gian.
Cho đến giờ, Tùng vẫn là niềm tự hào của gia đình còn Sơn Tùng M-TP là thần tượng của hàng triệu bạn trẻ Việt Nam, Tùng cố gắng đưa hình ảnh, tiếng nói, âm nhạc của Việt Nam giới thiệu ra thế giới, nên việc fan của bạn ấy đồng lòng cày view để sản phẩm âm nhạc được lan tỏa trên khắp thế giới lại càng nên ủng hộ.
Mọi người chắc còn nhớ Gangnam Style của PSY, nếu ko có người dân Hàn Quốc đồng lòng cày view và cùng truyền thông trong nước cũng như quốc tể đẩy mạnh, có lẽ khó mà tạo được sự bứt phá để K-Pop đi chinh phạt trời Tây.
So sánh Sơn Tùng MTP với bất cứ ca sĩ thuộc thế hệ đi trước nào như Mỹ Tâm, Đan Trường, Đàm Vĩnh Hưng cũng đều không phù hợp, bởi Tùng là ca sĩ của thế hệ mới, nơi mà sức mạnh của công nghệ, công nghiệp 4.0 sẽ đưa bạn đi khắp thế giới chỉ bẳng cú click chuột.
Sơn Tùng M-TP hiểu khán giả của thế hệ Y, Z nghĩ gì, muốn xem gì, nghe nhạc gì. Sơn Tùng MTP cũng là một ngôi sao giải trí, nghĩa là sức hút của Tùng không đơn thuần đến từ giọng hát, nó còn phải được xây dựng từ thần thái, phong cách thời trang, cách thức giao lưu, tiếp cận khản giả...vv và rất nhiều những yếu tố khác.
Điều này không hề giống với một ca sĩ hát Opera, thính phòng, nhạc đỏ, nhạc nhẹ ví dụ như Mỹ Linh hay Thanh Lam... nơi giọng hát là yếu tố hàng đầu và duy nhất để tạo nên một thần tượng.
Thời thế tạo anh hùng. Chúng ta vẫn thường cổ vũ người trẻ: Follow your dream! Hãy theo đuổi ước mơ của bạn và đừng bao giờ bỏ cuộc chỉ vì những lời chỉ trích đánh giá của những người thậm chí chẳng hiểu biết gì về bạn hay ước mơ mà bạn đang theo đuổi!
Bài viết này mình viết khách quan, không vì yêu hay ghét Sơn Tùng MTP. Cậu ấy có tài năng, thực lực, nên cổ vũ!
Ca khúc mình nghe và thích nhất của Tùng: "Nắng ấm xa dần".
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.