Eo biển Hormuz - Át chủ bài của Iran

Thứ bảy, ngày 31/12/2011 13:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trong lúc Mỹ và phương Tây hết sức lo ngại khả năng Iran đang sở hữu vũ khí hạt nhân thì quốc gia này lại tiếp tục tung ra một vũ khí khác khiến các đối thủ của Tehran gai người: Dọa đóng cửa tuyến đường qua eo biển Hormuz.
Bình luận 0

Thảm họa với kinh tế thế giới ?

Eo biển Hormuz là tuyến đường biển chiến lược và quan trọng, nằm trên vùng biển phía bắc là Iran và phía nam là Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất và Musandam, một phần đất tách ra của Oman.

img
Đô đốc Hải quân Iran Sayyari chỉ đạo tác chiến tại eo biển Hormuz qua bản đồ.

Eo biển Hormuz có chỗ hẹp nhất khoảng 34km và rộng nhất là 58km. Tàu chở hàng đi qua đây chủ yếu là dầu thô xuất khẩu và khoảng 15 triệu thùng dầu được vận chuyển mỗi ngày qua Hormuz.

Ước tính, có đến 40% lượng dầu mỏ của thế giới được chuyên chở qua con đường biển này. Theo nhận định của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (USEIA), nếu Hormuz bị khóa lại sẽ khiến giá dầu còn đắt hơn vàng và đó sẽ là một thảm họa đối với nền kinh tế thế giới.

Gần đây, Iran và Mỹ liên tục đưa ra những cảnh báo liên quan eo biển này. Các nhà lãnh đạo Iran tuyên bố sẽ phong tỏa hoạt động vận chuyển dầu mỏ qua Hormuz, nhấn mạnh "sẽ không có một giọt dầu nào được vận chuyển qua nơi đây" nếu phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ Iran.

Phản ứng với đe dọa này của Iran, ngày 28.12, Mỹ tuyên bố "bất cứ động thái nào cản trở hoạt động vận tải qua eo biển Hormuz sẽ không được dung thứ". Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã bác lời cảnh cáo này của Mỹ, đồng thời tuyên bố rằng Iran sẽ có những hành động dứt khoát "bảo vệ lợi ích sống còn" của mình.

Căng thẳng có dấu hiệu gia tăng khi cuối tuần qua Hải quân Iran tiến hành tập trận rầm rộ kéo dài 10 ngày gần eo biển này. Cuộc tập trận mang tên Velayat 90 nhằm thể hiện sức mạnh quân sự, khả năng phòng thủ của Hải quân Iran tại các vùng biển quốc tế.

Đô đốc Hải quân Iran Habibollah Sayyari tuyên bố các lực lượng vũ trang nước này có thể dễ dàng phong tỏa eo biển Hormuz, nhưng vào thời điểm hiện nay không cần thiết phải đóng cửa eo biển này.

img
Cuộc tập trận mang tên Velayat 90 của Hải quân Iran.

Theo một báo cáo của Lầu Năm Góc, Iran đã từng vài lần đe dọa sẽ chặn tuyến đường huyết mạch trên nhưng chưa bao giờ thực hiện. Giới phân tích chỉ rõ, nếu Tehran thẳng tay đóng cửa eo biển Hormuz thì chẳng khác nào "tự bắn vào chân mình", bởi có đến 80% nguồn thu của Iran được lấy từ quá trình trung chuyển dầu mỏ qua tuyến hàng hải chiến lược này.

Thống kê của USEIA cho thấy, Iran hiện là nước sản xuất dầu mỏ lớn thứ tư thế giới. Phần lớn sản lượng dầu của Iran được vận chuyển qua Hormuz tới Trung Quốc - một khách hàng lớn của họ.

Iran thừa sức "khóa" Hormuz

Trong cuộc chiến Vùng Vịnh vào thập niên 80 của thế kỷ trước, Iran đã tấn công tàu bè chở dầu của Iraq ở Vịnh Ba Tư nhằm cắt đứt nguồn xuất khẩu của nước láng giềng. Vào thời điểm đó, tác động của giá dầu tăng lên nền kinh tế thế giới là không đáng kể, bởi lực lượng hải quân phương Tây đã được điều động tới áp tải các tàu chở dầu đi qua Hormuz.

Dẫu biết các tướng lĩnh Iran chỉ đe dọa như những lần trước song Mỹ và phương Tây vẫn lo sốt vó. Ngày 29.12, Hải quân Mỹ cho biết hai tàu chiến của nước này, gồm tàu sân bay USS John C. Stennis và tàu tuần dương trang bị tên lửa dẫn đường USS Mobile Bay, đã đi qua eo biển Hormuz bất chấp cảnh báo của Iran. Nữ phát ngôn viên Hạm đội 5 thuộc Hải quân Mỹ, R.Rebarich cho biết, hai tàu trên của Mỹ đã "thực hiện hành trình thường lệ qua eo biển Hormuz theo kế hoạch đã định" và "không có sự cố nào xảy ra".

Những đe dọa liên tiếp của Iran về việc đóng cửa eo biển Hormuz trong tuần qua và khuôn khổ cuộc tập trận của Hải quân Iran mang tên Veleyati 90 hiện nay cho thấy ý định của Iran đáp trả các biện pháp trừng phạt cứng rắn mà phương Tây lên kế hoạch vào tháng tới. Vòng trừng phạt mới này dự kiến sẽ tước mất 80% nguồn thu của Iran.

Ông Matthew Kroenig thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại của Lầu Năm Góc nhận định: "Iran có thừa khả năng chặn tuyến đường biển qua Hormuz do từ nhiều năm nay, lực lượng của quốc gia Hồi giáo này thường xuyên tập dượt các phương án đối phó với tàu chiến của phương Tây, với các cuộc tập trận thả ngư lôi, lên kế hoạch điều động tàu chiến, máy bay và tên lửa".

Tuy nhiên theo nhà quân sự Brenna Schnars, Tehran chỉ có thể "khóa" eo biển Hormuz trong một thời gian ngắn do tiềm lực của lực lượng hải quân nước này không thể cầm cự quá lâu trước Hạm đội 5 với các tàu sân bay hùng hậu của Mỹ.

Tuy có tiềm lực mạnh song tất cả tàu chiến Mỹ đều "ngại" mạng lưới thủy ngư lôi dày đặc của Iran sẽ được tung ra trong trường hợp xảy ra chiến tranh tại eo biển này. Minh chứng cho sự lo ngại đó là vào ngày 29.12, các lực lượng Mỹ và NATO tại Vịnh Ba Tư đã được đặt trong tình trạng báo động cao độ sau khi tình báo Mỹ cảnh báo, lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đang sẵn sàng cho lính biệt kích hải quân rải ngư lôi tại eo biển Hormuz.

Theo đó, Iran có kế hoạch thả ngư lôi tại Hormuz và vùng biển đối diện với các giếng dầu và bến tàu của các nước sản xuất dầu lửa ở Vịnh Ba Tư, trong đó có Saudi Arabia.

Tehran khẳng định, ngư lôi sẽ làm nổ tung những tàu chở dầu và tàu bè khác qua lại vùng biển này. Chỉ cần vài quả ngư lôi trên biển và một vụ nổ sẽ đủ để ngăn không cho các chủ tàu và thủy thủ dám mạo hiểm với tàu thuyền của họ nên Iran không cần phải phong tỏa hoàn toàn eo biển này để đe dọa tàu bè quốc tế.

Iran từng thả ngư lôi tại Vịnh Ba Tư năm 1987 và 1988 để trả đũa việc Mỹ và các Tiểu vương quốc Vùng Vịnh ủng hộ Iraq trong cuộc chiến kéo dài với nước Cộng hòa Hồi giáo này. Nhiều tàu chở dầu và tàu chiến của Mỹ đã vướng phải ngư lôi, trong đó có tàu USS Samuel B. Roberts.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem