Công nhân thủy sản: Bám trụ lại được là may!
Chị Nguyễn Thị Bích Vân quê huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang, có thâm niên hơn 10 năm làm công nhân chế biến cá tra cho Công ty cổ phần Thủy sản Vĩnh Hoàn (Đồng Tháp). Chị cho biết, khi còn làm ở Công ty Vĩnh Hoàn, năm nào chị cũng có tiền thưởng tết, có năm được thưởng 5 triệu đồng. Gần 1 năm nay, chị chuyển về làm cho một công ty thủy sản ở tỉnh An Giang để gần nhà hơn.
Chị Vân than thở: “Năm nay nghe nói công ty không có thưởng. Hiện tại, việc làm không có thường xuyên như trước nên lương tôi chỉ đủ trả tiền nhà trọ và trang trải chi phí tối thiểu cho cuộc sống. Tôi còn bám trụ được là may mắn, vì nhiều nơi công ty phá sản, công nhân mất việc”.
|
Công nhân chế biến thủy sản hy vọng công ty làm ăn khấm khá để mong được thưởng tết. |
Nhiều công ty chế biến thủy sản khác ở ĐBSCL vẫn chưa có kế hoạch thưởng tết vì hoạt động sản xuất gặp nhiều khó khăn, công ty thua lỗ. Ông Mai Đăng Hòa - Giám đốc Công ty TNHH Thủy hải sản Sài Gòn - Mekong (Trà Vinh) cho biết: “Công ty tôi có 800 công nhân. Đến thời điểm này công ty vẫn chưa có kế hoạch thưởng tết. Ban giám đốc đang họp để xem có thể trích khoản nào thưởng chút ít cho công nhân ăn tết...”.
Theo Bộ LĐTBXH, báo cáo về thưởng tết là không bắt buộc, vì vậy thường các doanh nghiệp có thưởng mới thông báo cho sở LĐTBXH hoặc công đoàn. Tỷ lệ báo cáo cũng rất thấp. Chẳng hạn như tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Sở LĐTBXH phát ra 2.000 thông báo thì chỉ có 15 doanh nghiệp báo cáo . Đặc biệt, các doanh nghiệp tư nhân thường “phớt lờ”, không báo cáo.
Lê An
Nói về vấn đề lương, thưởng tết, ông Trương Đình Hoè - Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam cho rằng, năm 2012, nhiều doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thuỷ hải sản điêu đứng. Hiệp hội có 175 doanh nghiệp là hội viên (trong tổng số hơn gần 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nuôi trồng, chế biến xuất khẩu thuỷ sản), nhưng có tới 1/3 số đó bị phá sản, hoặc ngưng hoạt động.
“Chính vì thế, tình hình lương, thưởng tết cho anh em công nhân trong ngành rất khó khăn. Tuy nhiên, Hiệp hội cũng đang động viên các doanh nghiệp trích quỹ dự phòng để hỗ trợ một phần tiền hoặc quà để công nhân vui vẻ về quê ăn tết”- ông Hòe nói.
Ông Lê Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hiệp hội Mía đường Việt Nam nêu thực tế, Hiệp hội có 40 doanh nghiệp. Năm nay là năm cực kỳ khó khăn với ngành mía đường vì giá đường xuống thấp, dư thừa đường... Vì vậy, năm nay các doanh nghiệp phải tiết kiệm chi phí, cắt giảm tới 20% lương. Ông Thanh cho hay: “Hiệp hội đang làm việc với các hội viên, bàn giải pháp lo tết cho anh em công nhân, chắc là không nhiều nhưng sẽ cố gắng để có tết”.
Cố gắng trong khó khăn
Một số công ty thủy sản vẫn làm ăn khấm khá thì cố gắng chăm lo đời sống công nhân bằng thưởng tết. Ông Văn Phước Ba - Phó Giám đốc Công ty Cỏ May (sản xuất thức ăn cá tra, ở Khu công nghiệp Sa Đéc, Đồng Tháp) cho biết: “300 công nhân của công ty sẽ được thưởng 3 tháng lương/năm chia làm 3 đợt theo những ngày lễ lớn trong năm. Trong đó, riêng đợt gần Tết Nguyên đán sẽ thưởng 1 tháng lương với mức trung bình khoảng 4,1 triệu đồng/người”.
Công ty cổ phần Thủy sản Gò Đàng (Tiền Giang) là một trong số ít công ty thủy sản có mức thưởng tết cho công nhân thuộc loại cao nhất khu vực ĐBSCL. Ông Nguyễn Văn Đạo - Tổng Giám đốc công ty cho biết: “2.000 công nhân của chúng tôi đều được thưởng tết với 1 tháng lương cộng với thâm niên. Trung bình mỗi công nhân sẽ được thưởng 5 - 10 triệu đồng ăn tết”.
Chênh lệch thưởng tết... 325 lần!
Tại Đồng Nai, có hơn 400 doanh nghiệp báo cáo thưởng tết. Ở khối doanh nghiệp FDI, mức thưởng trung bình là 3,5 triệu đồng/người; cao nhất 650 triệu đồng, thấp nhất 2 triệu đồng. Doanh nghiệp nhà nước mức thưởng trung bình là 4 triệu đồng; cao nhất 144 triệu đồng, thấp nhất 1,8 triệu đồng. Còn doanh nghiệp nhỏ và vừa mức thưởng bình quân là 2,8 triệu đồng; cao nhất 60 triệu đồng.
Cao Thuyên
Tại Công ty TNHH một thành viên Cao su Bà Rịa, ông Võ Hữu Hiệp - Phó Tổng Giám đốc cho biết, do lợi nhuận giảm, quỹ phúc lợi của công ty năm nay chỉ đạt 15 tỷ đồng. Công ty phải huy động quỹ phúc lợi còn dư của năm trước, san sẻ để cho người lao động có một cái tết đủ đầy. Theo đó, mức thưởng tết bằng bình quân tháng lương 13, khoảng 7 triệu đồng/người.
Tuy nhiên, thực trạng chung là các doanh nghiệp khối ngành nông, lâm, thủy sản “ngại” nói tới thưởng tết. Trước ngày 31.12.2012, Công đoàn ngành nông nghiệp Việt Nam đã gửi công văn tới tất cả các doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc ngành đề nghị phối hợp báo cáo tình hình lương, thưởng tết. Tuy nhiên, đến thời điểm này mới lác đác một vài doanh nghiệp báo cáo.
Ông Nguyễn Mạnh Hiền - Phó Chủ tịch Công đoàn ngành nhận định: “Năm nay công nhân sẽ khó có tháng lương thứ 13, có chăng cũng chỉ được nửa tháng. Về thưởng tết chắc chắn sẽ có, nhưng mức thưởng cũng sẽ không cao hơn mọi năm. Thống kê, báo cáo cụ thể về tình hình lương, thưởng tết của các đơn vị sẽ có trước ngày 10.1.2013”.
Hoàng Mai - Minh Nguyệt
Vui lòng nhập nội dung bình luận.