Ép cô giáo quỳ 40 phút: Có vi phạm tội làm nhục người khác?

Đình Việt Thứ ba, ngày 06/03/2018 19:15 PM (GMT+7)
Luật sư nhận định, nếu phụ huynh ép cô giáo quỳ là đúng, sẽ có dấu hiệu của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo.
Bình luận 0

Như Dân Việt đã thông tin, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) tỉnh Long An đang xác minh vụ cô giáo bị buộc phải quỳ gối đề xin lỗi phụ huynh, xảy ra tại trường Tiểu học Bình Chánh, xã Nhựt Chánh, huyện Bến Lức.

Trước đó, trong lúc giảng dạy có một số học sinh vi phạm nội quy đã bị cô B.T.T.N - giáo viên Trường Tiểu học Bình Chánh - phạt bằng hình thức bắt quỳ gối. Ngày 28.2, 4  phụ huynh có con bị phạt đã đến trường lớn tiếng trách móc cách hành xử của cô N.

img

Trường học nơi xảy ra sự việc. Ảnh: IT

Cô N đã nhận lỗi và hứa sẽ khắc phục sai sót. Tuy vậy, một phụ huynh trong số đó đã không đồng ý. Trước áp lực của phụ huynh, cô giáo này đã quỳ gối để nhận lỗi với thời gian 40 phút.

Liên quan đến sự việc này, PV Dân Việt đã có cuộc trao đổi với luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư Interla (Đoàn luật sư TP Hà Nội).

Theo luật sư Hòe, để nhìn nhận vụ việc một cách khách quan và toàn diện thì cần phải xem xét trên tổng thể cả hai hành vi đó là hành vi của cô giáo và hành vi của phụ huynh.

Trước hết, đối với hành vi cô giáo phạt quỳ đối với các em học sinh, luật sư Hòe nói: “Trước đây, khi chúng tôi đi học việc thầy, cô phạt học sinh bằng cách bắt quỳ hoặc đánh bằng roi là bình thường. Bởi thời kỳ đó, phụ huynh quan điểm “yêu cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi”. Các thầy, cô giáo làm vậy là dạy dỗ, uốn nắn con em mình”.

Tuy nhiên, hiện nay phương pháp này không còn phù hợp nữa. Bởi thực tế đã chứng minh việc sử dụng đòn roi và những biện pháp khác có ảnh hưởng rất nghiêm trọng tới tâm lý trẻ em.

Về mặt pháp luật, việc cô giáo phạt các học sinh vi phạm nội quy của nhà trường quỳ có dấu hiệu của hành vi bạo lực học đường có thể gây tổn hại tới thể chất, tinh thần của các em.

Luật Trẻ em 2016 quy định nghiêm cấm hành vi bạo lực đối với trẻ em, cũng như quy định môi trường giáo dục phải đảm bảo an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường đối với trẻ em.

Bên cạnh đó, tại Điều 75 Luật giáo dục 2005 sửa đổi bổ sung năm 2009 quy định rõ: “Nhà giáo không được có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học”.

img

Luật sư Trương Quốc Hòe. Ảnh: NVCC

Hơn nữa, Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường nêu rõ: “Bạo lực học đường là hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của người học xảy ra trong cơ sở giáo dục hoặc lớp độc lập”.

Ngoài ra, nội quy nhà trường cũng không có bất cứ một quy định nào về việc xử phạt đối với học sinh bằng hình thức phạt quỳ như cô giáo trên đã áp dụng.

Đối với hành vi của các phụ huynh, luật sư Trương Quốc Hòe cho biết, nếu cũng với cương vị là một phụ huynh học sinh, ông có thể thông cảm đối với sự lo lắng, mất bình tĩnh của các các bậc cha mẹ trên khi thấy con mình lo sợ việc đi học nên đã có hành vi vượt quá làm ảnh hưởng tới cô giáo.

Tuy nhiên, việc làm của các phụ huynh khi bắt cô giáo phải quỳ cũng có thể có dấu hiệu của hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo.

Theo quy định tại Điều 18 Nghị định 138/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể nhà giáo thì bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

Trong trường hợp có căn cứ xác định hành vi của các phụ huynh có dấu hiệu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự, cô giáo có thể làm đơn khởi kiện yêu cầu các phụ huynh bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điều 592 BLDS năm 2015.

“Dù nói gì đi nữa thì trong vụ việc này lỗi đều xuất phát từ cả hai phía. Nếu cô giáo có thể áp dụng hình thức xử phạt nhẹ nhàng hơn với các em, có sự trao đổi với các phụ huynh trong việc giáo dục, bồi dưỡng học sinh thì có lẽ vụ việc đã không xảy ra.

Và nếu phụ huynh có thể bình tĩnh hơn trong việc xử lý vụ việc, trao đổi với nhà trường và cô giáo để tìm cách khắc phục.

Hiện nay, việc cần làm có lẽ không phải nên truy cứu trách nhiệm của ai với ai mà chúng ta cần để tâm tới ảnh hưởng của vụ việc đối với các em nhỏ”, luật sư Hòe nêu quan điểm.

 Điều 21 Nghị định 138/2013/NĐ-CP xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục đối với hành vi vi phạm quy định về kỷ luật người học, ngược đãi, xúc phạm danh dự, nhân phẩm người học thì nhà giáo có hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, ngược đãi, xâm phạm thân thể người học có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng và đình chỉ giảng dạy từ 1 tháng đến 6 tháng.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem