Việc Ủy ban châu Âu vừa ra thông cáo cho biết Hội đồng châu Âu đã chấp thuận Hiệp định Thương mại Tự do EU-Việt Nam (EVFTA) vào ngày 25/6 - gồm đủ 2 cấu phần Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư (IPA) – và sẽ ký kết tại Hà Nội vào ngày Chủ nhật 30.6. 2019 là một sự kiện quan trọng, đưa chúng ta một bước gần hơn đến việc phê chuẩn thỏa thuận thương mại lịch sử này, nhưng nó không có nghĩa rằng EVFTA đã bắt đầu có hiệu lực.
Vẫn phải chờ đợi
Theo luật pháp châu Âu với cơ chế cùng ra quyết định, thì Hiệp định này vẫn cần phải được Nghị viện châu Âu phê chuẩn mới được coi là hoàn tất về mặt pháp lý. Lộ trình này đang được kỳ vọng sẽ kết thúc tốt đẹp vào mùa thu năm nay 2019. Riêng các IPA thì sẽ cần thêm nhiều thời gian hơn bởi vì cần phải đợi sự phê chuẩn của các quốc gia thành viên.
Như vậy, chúng ta vẫn cần phải chờ đợi thêm một thời gian, với những nỗ lực cao hơn nữa của chính phủ để chính thức được ăn mừng việc EU trở thành đối tác FTA thành công thứ 11 của Việt Nam (cùng với 02 FTA khác đã được ký nhưng chưa có hiệu lực, 01 đã hoàn tất đàm phán nhưng chưa ký, và 03 đang đàm phán), cũng như Việt Nam trở thành đối tác FTA “thế hệ mới” thứ 5 của Liên minh châu Âu (cùng với Hàn Quốc, Columbia – Peru – Ecuador, Hiệp hội các quốc gia Trung Mỹ và Canada).
EVFTA mang lại điều gì cho cả EU và Việt Nam?
Đối với Việt Nam, ngay lập tức EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 07 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam thuế nhập khẩu 0%. Đối với EU,60% giá trị hàng xuất khẩu từ EU sẽ được miễn thuế khi vào thị trường Việt Nam, phần còn lại sẽ tiếp tục được loại bỏ dần dần trong khoảng thời gian tối đa là 10 năm. Như vậy, EVFTA nếu được thông qua sẽ mở toang cánh cửa giao thương, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng kinh tế giữa Việt Nam và EU, sẽ là tiền đề quan trọng thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược.
Để dễ hình dung hơn, hãy nhìn vào sự bùng nổ của hai mối quan hệ EU – Hàn Quốc và Việt Nam – Hàn Quốc sau khi các FTA giữa hai bên có hiệu lực.
Quan hệ kinh tế EU và Hàn Quốc - quốc gia châu Á đầu tiên EU ký kết FTA – đã có một sự tăng trưởng vượt bậc – đánh dấu một bước tiến chưa từng có trong hợp tác thương mại EU – Hàn Quốc.Sau 7 năm FTA được áp dụng, xuất khẩu hàng hóa của EU sang Hàn Quốc tăng 77% từ năm 2010 đến 2017. Xuất khẩu dịch vụ của EU sang Hàn Quốc tăng 70% đối với hàng nhập khẩu của EU từ Hàn Quốc từ năm 2010 đến 2016.
FDI của Hàn Quốc vào EU tăng 46%, FDI của EU vào Hàn Quốc tăng 34%. EU là nhà đầu tư lớn nhất ở Hàn Quốc với vốn tăng 140% từ năm 2010 năm 2017(đạt 5,5 tỷ EUR). FTA đã góp phần để cải thiện sinh kế của công dân, tạo công ăn việc làm, gia tăng sự giàu có ở cả hai bên đóng góp vào sự phi mã của nền kinh tế Hàn Quốc (top 11 thế giới), thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược EU - Hàn Quốc (Hàn Quốc đã trở thành một trong 10 đối tác chiến lược của EU). Không còn nghi ngờ gì, FTA là một câu chuyện thành công đối với cả hai bên.
Điều tương tự cũng đã diễn ra trong quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc sau khi FTA có hiệu lực. Thương mại và đầu tư song phương có sự tăng trưởng vượt bậc, dự kiến đạt tới 100 tỷ usd vào năm 2020. Sự đổ bộ của các nhà đầu tư Hàn Quốc đã đóng góp lớn vào việc tạo công ăn việc làm và tăng trưởng GDP của Việt Nam. Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất về đầu tư, thứ hai về ODA, thứ ba về thương mại đối với Việt Nam, trở thành đối tác chiến lược của Việt Nam.
Vì là một FTA thế hệ mới bao trùm nhiều lĩnh vực, cả các vấn đề thương mại lẫn phi thương mại, EVFTA hứa hẹn mang lại nhiều hơn như thế cho cả EU và Việt Nam, Đại sứ Liên minh châu Âu, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam đã khẳng định rằng: “FTA với Việt Nam là FTA tham vọng và toàn diện nhất mà EU từng ký với các nước đang phát triển”.
EU sẽ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ
Về phía Việt Nam, EVFTA sẽ mang lại nhiều hơn việc bãi bỏ thuế và các rào cản thương mại. Bởi vì thông qua việc cải thiện bộ luật lao động, thúc đẩy công bằng xã hội, xoá bỏ lao động trẻ em, bất bình đẳng giới… nó sẽ có đóng góp quan trọng vào thúc đẩy phát triển bền vững tại Việt Nam. Việc thực hiện được các yêu cầu của phía EU cũng xác nhận cam kết “Việt Nam sẽ là người chơi có trách nhiệm với cộng đồng quốc tế”.
Đặc biệt, sau khi EVFTA có hiệu lực, EU cũng sẽ công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Đây sẽ là một “lá phiếu” quan trọng được mong chờ từ rất lâu, bởi nó sẽ tạo thuận lợi rất lớn cho công cuộc hội nhập quốc tế của Việt Nam. Ở một khía cạnh khác, EVFTA sẽ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh cho VN trong so sánh với các quốc gia như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Về phía EU, EVFTA sẽ giúp cho EU đạt mục tiêu tăng cường vai trò tại Đông Nam Á, một bước tiến cụ thể trong lộ trình triển khai Chiến lược kết nối Á – Âu, và đặc biệt là trong cuộc đua cạnh tranh ảnh hưởng với Washington và Bắc Kinh tại khu vực.Việc EU phê chuẩn EVFTA vào thời điểm này cho thấy sự quyết liệt của Liên minh trước các động thái tranh giành vai trò tại Đông Nam Á của Donal Trump và Tập Cận Bình, trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang leo thang khốc liệt với thế thượng phong thuộc về Mỹ.
Ngay trước mắt, EVFTA đi vào hiệu lực sẽ trở thành cánh cổng giao thương cho các doanh nghiệp EU tiến vào thị trường ASEAN, tạo tiền đề để tái khởi động một Hiệp định FTA giữa EU và ASEAN trong tương lai.
Nói về những yêu cầu để được Nghị viện châu Âu thông qua,Ông Bernd Lange thành viên nghị viện châu Âu, Chủ tịch Uỷ ban Thương mại Quốc tế từng phát biểu năm 2018 trong chuyến thăm Việt nam: “Nghị viện châu Âu chú trọng vào những vấn đề giao dịch thương mại công bằng và bền vững khi xem xét các thoả thuận thương mại, và với Việt Nam cũng ko ngoại lệ. Những vấn đề của Việt Nam hiện nay là việc cải cách bộ luật lao động, thương mại +, nhân quyền, và các quyền tự do chính trị”. Việc thoả mãn những yêu cầu đó rõ ràng vẫn là những thách thức lớn đối với Việt Nam.
Nếu tất cả kết thúc tốt đẹp như dự kiến, thì chắc chắn đây sẽ là một sự kiện lịch sử trong quan hệ EU – Việt Nam sau 3 thập kỷ thiết lập quan hệ chính thức, vàcũng sẽ là thành công quan trọng nhất của quan hệ đối ngoại Việt Nam trong năm 2019.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.