EVFTA sẽ đánh thức thị trường “ngủ quên” ở Đông Âu?

Nguyên Vỹ Thứ năm, ngày 04/07/2019 14:12 PM (GMT+7)
Hoạt động thương mại với khu vực Đông Âu đã khởi sắc hơn sau quãng thời gian dài trầm lắng. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu sang khu vực này chỉ chiếm khoảng 3% xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới.
Bình luận 0

Hiệp định EVFTA (Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu) sẽ là cánh cửa rộng mở để Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn với thị trường 8 nước đã gia nhập Liên minh châu Âu cũng như toàn bộ khu vực Đông Âu.

Xuất khẩu còn khiêm tốn

Còn nhớ, trước năm 1991, khối các nước XHCN Liên Xô và Đông Âu từng là thị trường chính của ngành da giày Việt Nam, với sản phẩm chính là giày vải, giày và găng tay bảo hộ lao động.

Sau biến biến động chính trị năm 1991, xuất khẩu da giày của Việt Nam sang Nga và các nước Đông Âu bị đình trệ. Các doanh nghiệp nhà nước thuộc Tổng công ty Da giày lâm vào tình cảnh khó khăn, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa.

img

Khu vực Đông Âu là thị trường truyền thống của Việt Nam.

Qua nhiều nỗ lực vun đắp lại mối quan hệ truyền thống, nhất là khi Hiệp định thương mại tự do với liên minh kinh tế Á – Âu có hiệu lực năm 2016, hoạt động thương mại của da dày cùng với nhiều mặt hàng thế mạnh khác như dệt may, hàng điện tử, nông sản... giữa Việt Nam và Đông Âu đã có những bước tiến triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên nhìn chung, những kết quả đạt được vẫn còn khá khiêm tốn. Năm 2018 kim ngạch xuất khẩu da giày sang khu vực này chỉ đạt 361 triệu USD, chiếm 1,8% tổng xuất khẩu da giày của Việt Nam. Thị trường Nga và Đông Âu có nhu cầu cao đối với giày vải, giày thể thao, valy, túi, cặp các loại của Việt Nam, nhưng dung lượng thị trường của khu vực này vẫn thấp.

Bà Nguyễn Khánh Ngọc - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu – châu Mỹ (Bộ Công Thương) đánh giá khu vực Đông Âu còn nhiều tiềm năng, có mức phát triển GDP trung bình tương đối cao, các mặt hàng tiêu dùng ở đây không có nhiều các tiêu chuẩn khắt khe như các nước Tây Âu.

img

Xuất khẩu da giầy sang Đông Âu còn khiêm tốn.

Nhưng nhìn chung, xuất khẩu các mặt hàng chủ lực của Việt Nam sang thị trường này còn chưa ổn định. Đặc biệt là đối với mặt hàng gạo, thủy sản và chè là những mặt hàng các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu cải thiện chất lượng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá… để thâm nhập tốt hơn.

Tổng kim ngạch xuất khẩu trong nước sang Đông Âu chiếm gần 3% xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới. Nhập khẩu từ khu vực này vào Việt Nam chỉ chiếm khoảng 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam.

“Và như vậy, thương mại hai chiều giữa Việt Nam với khu vực chỉ chiếm khoảng 2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam với thế giới”, bà Ngọc cho biết.

Khơi thông từ logistisc

Ông D. Makarov - Trưởng chi nhánh Cơ quan đại diện thương mại Nga tại TP.HCM cho biết xuất khẩu của Nga vào Việt Nam vẫn tăng nhanh (29%), trong khi sự tăng trưởng xuất khẩu Việt Nam vào Nga giảm từ 35% vào năm 2017 còn 9% vào năm 2018.

img

Thói quen tiêu dùng của người Nga đã có nhiều thay đổi.

Ông này cho rằng nếu trước đây người tiêu dùng Nga cố gắng mua những mặt hàng tốt nhất thì bây giờ họ không còn muốn tiêu tốn nhiều tiền vì những thương hiệu nổi tiếng. Nhưng họ cũng quá giàu để phí tiền cho các mặt hàng không tên tuổi.

Người Nga đắn đo, và so sánh nhiều hơn trước khi lựa chọn. Diễn biến này trong phong cách mua hàng của người Nga ảnh hưởng rất nhiều đối với sự giảm sút doanh số bán hàng giá rẻ cũng như hàng đắt, hàng thương hiệu châu Âu được sản xuất ở Việt Nam.

Tuy nhiên, thị trường Nga vẫn giữ gìn tính hấp dẫn đối với hàng hóa nhập khẩu. Hiện nay ngành dệt may Việt Nam có mức phát triển khá cao và có đủ khả năng xuất khẩu hàng hóa với thương hiệu Việt Nam. “Những thương hiệu quần áo như An Phước, Việt Tiến, giầy Bitis... không kém gì hàng Tây về thời trang và chất lượng nhưng vẫn chưa được biết tại thị trường Nga”, ông Makarov gợi ý.

img

Hệ thống logistics phục vụ giao thương với Đông Âu vẫn chưa tốt.

Cộng đồng doanh nghiệp thì cho rằng thị trường Đông Âu có tiềm năng nhưng dung lượng thị trường vẫn nhỏ hơn so với các khu vực khác. Nhiều doanh nghiệp Việt còn chưa thông suốt một số quy định về nhập khẩu vào nước bạn, dẫn đến khó khăn trong quá trình giao thương. Nhất là hệ thống logistics phục vụ giao thương với Đông Âu vẫn chưa tốt.

Hiệp hội Da giày túi xách Việt Nam (Lefaso) lấy dẫn chứng khâu vận tải sang thị trường Nga chủ yếu vẫn sử dụng đường hàng hải. Thời gian vận tải thường khoảng 25 - 50 ngày, làm giảm năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam. Hàng xuất khẩu từ Việt Nam sang Nga phải đi vòng qua các cảng châu Âu. Hoặc tới cảng Vladivostock rồi đi theo tuyến đường xuyên Liên bang Nga từ Đông sang Tây nên chi phí vận chuyển tăng lên.

Ông Nguyễn Đức Thuấn – Chủ tịch Lefaso cho biết các vấn đề về pháp lý, rào cản kỹ thuật, thủ tục xuất nhập khẩu sẽ thực hiện theo các quy định FTA. Tuy nhiên, riêng đối với các nước Đông Âu, đề nghị Bộ Công Thương cần hỗ trợ thêm các hoạt động xúc tiến thương mại và phát triển thị trường khác ở mức cao hơn so với các nước Tây Âu phát triển, nhất là phát triển các tuyến tàu đi trực tiếp từ Việt Nam sang Đông Âu với chi phí hợp lý và thời gian rút ngắn.

img

Hàng Việt Nam có chất lượng và giá cả phù hợp với khách hàng bình dân, là nhón dân số chiếm phần lớn ở các nước Đông Âu.

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, thị trường Đông Âu có xu hướng thu hút đầu tư, đón nhận dịch chuyển sản xuất, thậm chí cạnh tranh được với các thị trường Tây Âu về chi phí sản xuất và cải thiện công nghệ. Do đó dung lượng và nhu cầu ở các thị trường này sẽ tăng lên, phong phú, đa dạng hơn.

Mặt khác, hàng Việt Nam có chất lượng và giá cả phù hợp với khách hàng bình dân, là nhón dân số chiếm phần lớn ở các nước Đông Âu. EVFTA đã ký kết sẽ mở ra cửa ngõ để vào thị trường Đông Âu. Thương mại và đầu tư cũng phát triển do giảm thuế, logistics sẽ có thêm các nhu cầu dịch vụ.

Ông Hoàng Quốc Vượng - Thứ trưởng Bộ Công Thương cho biết Bộ sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp với các nước trong khu vực, tổ chức thường xuyên hơn các hoạt động nhằm tăng cường sự kết nối giữa Việt Nam và Đông Âu.

“Cùng với Liên minh kinh tế Á - Âu trước đó, các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với Liên minh Châu Âu sẽ góp phần quan trọng trong việc gỡ bỏ các hàng rào thương mại, tăng cường hơn nữa cơ hội xuất khẩu hàng hóa giữa Việt Nam với các nước trong các quốc gia châu Âu nói chung, khu vực Đông Âu nói riêng”, ông Hoàng Quốc Vượng cho biết.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem