EVN phân trần về kế hoạch tăng lương?

Thanh Phong Thứ sáu, ngày 29/05/2020 14:08 PM (GMT+7)
Mới đây, sau khi bị dư luận phản ứng vì định tăng lương cho “sếp lớn” 37%, đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) phân trần cho rằng đó mới chỉ là dự thảo, không phải kế hoạch để báo cáo các cấp có thẩm quyền.
Bình luận 0

Cụ thể, theo tờ trình quỹ tiền lương thực hiện năm 2019 và kế hoạch năm 2020 của EVN, tiền lương người lao động, người quản lý công ty mẹ sẽ được tăng mạnh cho người quản lý.

Theo đó, kế hoạch tăng lương ở EVN năm 2020 cho người quản lý dự kiến ở mức 10,752 tỉ đồng (14 người), tương đương mức 64,577 triệu đồng/người/tháng, tăng 37% so với mức thực hiện năm 2019 là 47,173 triệu đồng.

Đáng chú ý, dự định tăng mạnh lương cho các lãnh đạo EVN nằm trong bối cảnh tập đoàn này đang có khoản nợ phải trả đến hết năm 2019 lên tới 310.155 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm.

Cụ thể, theo công bố báo cáo tài chính riêng năm 2019, doanh thu thuần năm 2019 của Công ty mẹ EVN ở mức trên 325.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2018. Sau khi trừ đi giá vốn hàng bán, lợi nhuận gộp còn lại 4.287 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2018.

Nợ nần “ngập đầu” vẫn định tăng lương các “sếp”, EVN nói gì? - Ảnh 1.

EVN có bản xây dựng mới thay đổi hệ số điều chỉnh tăng thêm bằng 0,5 thay cho 1 như đã nêu trong phương án cũ.

Trong năm 2019, Công ty mẹ EVN ghi nhận doanh thu hoạt động tài chính ở mức 8.592 tỷ đồng, giảm 10%. Trong khi đó, chi phí tài chính tăng 4,5% lên 12.597 tỷ đồng, chủ yếu là khoản chi phí lãi vay, chiếm tới hơn 10.300 tỷ đồng.

Năm 2019, Công ty mẹ EVN ghi nhận lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh tới 1.478 tỷ đồng, trong khi năm 2018 lãi gần 500 tỷ đồng.

Đáng chú ý, nhờ khoản lợi nhuận khác bất ngờ tăng vọt lên 3.586 tỷ đồng nên kết thúc năm 2019, Công ty mẹ EVN vẫn lãi trước thuế 2.107 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2018. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận ở mức 2.103 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 1.334 tỷ đồng năm 2018.

Chiếu theo báo cáo tài chính, đến hết năm 2019, tổng tài sản của Công ty mẹ EVN là 521.992 tỷ đồng, tăng gần 7.000 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, khoản tăng chủ yếu là tài sản ngắn hạn.

Trong khoản tài sản ngắn hạn, tiền và các khoản tương đương tiền của Công ty mẹ EVN ở mức 26.588 tỷ đồng, tăng 42% sau một năm. Trong đó, tiền mặt chỉ còn khoảng 7,5 tỷ đồng, tiền gửi ngân hàng không kỳ hạn là 11.556 tỷ đồng, còn lại là các khoản tương đương tiền.

Cũng tại thời điểm cuối năm 2019, Công ty mẹ EVN ghi nhận khoản nợ phải trả lên tới 310.155 tỷ đồng, tăng hơn 2.000 tỷ đồng so với hồi đầu năm. Trong số nợ trên, chủ yếu là khoản vay và nợ thuê tài chính dài hạn và ngắn hạn.

Với khoản nợ hơn 300.000 tỷ đồng, việc EVN dự định tăng lương cho các lãnh đạo Tập đoàn nhận được nhiều ý kiến phản ứng. Giải đáp về nội dung này, đại diện EVN cho biết, đây chỉ là nội dung dự thảo ban đầu, không phải phương án kế hoạch để các cấp có thẩm quyền xem xét.

Theo đại diện EVN cho hay, bản dự thảo này được xây dựng trên cơ sở kết quả thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, tài chính năm 2019 và kế hoạch sản xuất kinh doanh, tài chính năm 2020.

"Tuy nhiên sau khi xem xét, EVN nhận thấy cần rà soát lại để xây dựng kế hoạch tiền lương năm 2020 trên cơ sở cập nhật các yếu tố khách quan ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh, cân đối tài chính của tập đoàn trong quý I/2020", đại diện EVN thông tin.

Theo đó, bản xây dựng mới EVN về kế hoạch quỹ tiền lương của người quản lý năm 2020 đã thay đổi hệ số điều chỉnh tăng thêm bằng 0,5 thay cho 1 như đã nêu trong phương án cũ. Như vậy, mức tiền lương bình quân của người quản lý công ty mẹ EVN là 48,432 triệu đồng/người/tháng, tăng 2,67% so với năm 2019.

Nóng tuần qua: Có hay không chuyện EVN tự ý sửa hóa đơn tiền điện của khách hàng?
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem