Eximbank trả lời thế nào vụ khách hàng đòi 27,8 tỷ đồng?

Quốc Hải Thứ bảy, ngày 24/03/2018 14:01 PM (GMT+7)
Liên quan đến khách hàng Nguyễn Tiến Nam (Đô Lương, Nghệ An) đòi Eximbank trả “ngay và luôn” hơn 27,8 tỷ đồng, ngân hàng này vừa chính thức lên tiếng... “chưa thể thực hiện được”.
Bình luận 0

img

Văn bản trả lời ông Nguyễn Tiến Nam của Eximbank 

Theo giải thích của Eximbank, với tư cách là một đương sự trong vụ án, Eximbank có nghĩa vụ tôn trọng Tòa án, tôn trọng pháp luật, do đó Eximbank không thể tự ý giải quyết các vấn đề có liên quan đến vụ án theo ý chí riêng của mình khi chưa có bản án có hiệu lực pháp lý của Tòa án.

Eximbank chưa trả tiền vì... tôn trọng Tòa án?

Trong phúc đáp gửi ông Nguyễn Tiến Nam, khách hàng bị “bốc hơi” hơn 27,8 tỷ đồng trong vụ án Nguyễn Thị Lam, nhân viên Eximbank chi nhánh Đô Lương (Nghệ An) lừa đảo chiếm đoạt 50 tỷ đồng của khách hàng - ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank - cho biết, chưa thể thực hiện được việc “trả tiền ngay và luôn” của khách hàng.

Cụ thể, ông Quyết cho rằng: Căn cứ vào các quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, vụ án hình sự sẽ do Tòa án có thẩm quyền giải quyết và bản án, quyết định của Tòa án đã có hiện lực pháp luật phải được cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan tôn trọng và nghiêm chỉnh chất hành. Hiện nay, Cơ quan Điều tra (CQĐT) đã ban hành Kết luận điều tra, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) tỉnh Nghệ An đã ban hành bản cáo trạng và Tòa án vẫn đang trong quá trình xem xét, giải quyết, vẫn chưa có bất kỳ bản án có hiệu lực pháp luật nào được ban hành.

Vì vậy mọi ý kiến nêu trong Kết luận điều tra hay Bản cáo trạng mới chỉ là ý kiến từ phía CQĐT, VKSND tỉnh Nghệ An, chưa phải là quyết định cuối cùng và có hiệu lực pháp luật phải thi hành. Do đó, các ý kiến của quý ông bà yêu cầu Eximbank phải ngay lập tức thanh toán, Eximbank chưa thể thực hiện được. Để thể hiện thiện chí của Eximbank, tại buổi làm việc với ông Nam và luật sư ngày 20.3.2018, đại diện Eximbank đã đề xuất việc tạm ứng cho quý khách hàng trước một số tiền để giải quyết các nhu cầu tài chính của gia đình, tuy nhiên khách hàng đã từ chối đề nghị này.

Việc Eximbank chưa khiếu nại với Kết luận điều tra và Bản cáo trạng không có ý nghĩa là Eximbank đã đồng ý với các tài liệu này. Theo quy định của Bộ Luật Tố tụng Hình sự năm 2015, Eximbank có quyền trình bày ý kiến của mình về Kết luận điều tra và Bản cáo trạng tại phiên tòa xét xử.

“Eximbank khẳng định chưa bao giờ từ chối trách nhiệm đối với người gửi tiền. Tuy nhiên, hiện nay sự việc vẫn đang được các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết theo trình tự quy định của pháp luật, tất cả các bên có liên quan phải có nghĩa vụ tuân thủ trình tự giải quyết của cơ quan chức năng theo đúng quy định của pháp luật”, đại diện Eximbank, lên tiếng.

Mong khách hàng “bình tĩnh”

Bên cạnh việc giải thích chưa thể trả tiền “ngay và luôn”, ông Lê Văn Quyết, Tổng Giám đốc Eximbank cũng mong ông Nam bình tĩnh, hợp tác và chờ đợi cho đến khi vụ án được đưa ra xét xử và có phán quyết theo đúng quy định của pháp luật.

“Khách hàng nên cân nhắc việc ủy quyền cho nhiều người rút tiền theo các sổ tiết kiệm nêu trong đơn đề nghị trả tiền khẩn cấp vì đây không phải là giải pháp phù hợp, có thể ảnh hưởng đến các hoạt động ngân hàng hợp pháp của Eximbank và có thể gây thêm sự phức tạp trong quá trình giải quyết vụ án, cũng như xâm phạm trực tiếp đến quyền lợi và lợi ích hợp pháp, chính đáng của Eximbank”, ông Quyết nêu.

Trước đó, trong đơn gửi Eximbank, ông Nguyễn Tiến Nam, khách hàng bị mất hơn 27,8 tỷ đồng cũng “dọa”: "Nếu Eximbank không trả lại tiền ngày cho tôi thì tôi sẽ nhờ cơ quan truyền thông từ trung ương đến địa phương vào cuộc, tôi sẽ uỷ quyền 10 người/1 sổ tiết kiệm đến phòng giao dịch Đô Lương, chi nhánh Vinh và các phòng giao dịch khác của Eximbank trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thậm chí là vào tận hội sở chính của Eximbank tại TP.HCM để yêu cầu rút tiền trên sổ tiết kiệm. Nếu ngân hàng không cho rút tiền thì chúng tôi cho người đứng chờ liên tục tại đó để thông báo cho các khách hàng đến giao dịch với Eximbank biết về sự việc này”, ông Nam cho biết.

“Theo thông tin từ cơ quan CSĐT, từ năm 2012 đến năm 2015, Nguyễn Thị Lam đã có hành vi giả mạo chữ ký của bà Nguyễn Thị Kiều Hương ở chủ tài khoản và người nhận tiền và lừa dối nhân viên và lãnh đạo ngân hàng là rút tiền ở 63 chứng từ như lệnh chi, uỷ nhiệm chi, với tổng số tiền 8.398.892.618 đồng và 6.000,5 USD, 280 chỉ vàng. Nhưng đến ngày tất toán thì Lam đã trả đủ gốc và lãi cho bà Hương, bà Hương không hề hay biết. Điều này thể hiện sự yếu kém trong quản lý, kiểm soát hoạt động kinh doanh của Eximbank”, ông Nguyễn Tiến Nam, thông tin.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem