Foxconn rót vốn khủng vào Việt Nam, chuyên gia nói gì?
Foxconn rót vốn khủng vào Việt Nam, chuyên gia nói gì?
An Linh
Thứ hai, ngày 22/08/2022 11:55 AM (GMT+7)
"Không phải dòng vốn FDI chất lượng cao tự nhiên đến, bên cạnh những nỗ lực cải cách của đất nước, chúng ta đã được lựa chọn và Việt Nam đã và đang được xem là rốn…", TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh nói.
Xung quanh thương vụ Foxconn đầu tư 300 triệu USD, xây dựng nhà máy tại Bắc Giang để sản xuất, lắp ráp macbook và Apple Watch, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng: Đây là sự kiện đáng mừng, cho thấy Việt Nam đã và đang được lựa chọn từ các doanh nghiệp có dòng vốn lớn, chất lượng cao hàng đầu thế giới.
Theo TS Thành, hiện tượng các nhà đầu tư lớn vào Việt Nam như Foxconn, Fuhong, Fuyu, Fukang… đã và đang có xu hướng chuyển dịch sang Việt Nam, không phải hoàn toàn mới mà diễn ra trong vài năm trở lại đây. Nó cho thấy, các nhà đầu tư lớn đã coi Việt Nam như một trung tâm của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của khu vực và thế giới.
TS Thành cho rằng: Về bản chất, lượng vốn khủng vào Việt Nam hiện nay do nhiều yếu tố, trong đó có hai vốn đề: Một là bức tranh kinh tế Việt Nam rất sáng trong mắt các nhà đầu tư. Tăng trưởng, Việt Nam có sự ổn định kinh tế vĩ mô khiến niềm tin của các nhà đầu tư tăng lên.
"Dù chúng ta chưa hoàn hảo, có các tồn tại về môi trường kinh doanh, thể chế kinh tế vĩ mô… Nhưng Việt Nam là một đất nước luôn nỗ lực, tiếp tục cải cách", TS Thành nói.
Theo ông Thành: Đứng về mặt chính sách, Việt Nam đã, đang và sẽ là nơi thu hút dòng vốn lớn, đặc biệt chiến lược gạn lọc dòng vốn chất lượng cao, thu hút sếu đầu đàn. Với sự hội nhập nhanh chóng vào các hiệp định song và đa phương của thế giới.
"Chơi với Việt Nam sẽ chơi được với thế giới và chơi với thế giới cũng là chơi với Việt Nam", TS Võ Trí Thành nhấn mạnh.
Theo ông Thành, không phải dòng vốn FDI chất lượng cao tự nhiên đến, bên cạnh những nỗ lực cải cách của đất nước, chúng tôi muốn nhấn mạnh là: Việt Nam là sự lựa chọn của các nhà đầu tư dựa trên xu hướng chuyển dịch khỏi vốn Trung Quốc và chiến lược đầu tư Trung Quốc + 1.
"Việt Nam được lựa chọn do bản thân nội lực của chúng ta, nhưng chúng ta cũng đặt vấn đề ngược lại là sự lựa chọn đó có phù hợp với chiến lược của Việt Nam: hướng vào dòng vốn chất lượng cao, đầu tư mang tính lan toả, giúp thay đổi bộ mặt đất nước", ông Thành nói.
Theo ông Thành, nhìn rộng ra Việt Nam cạnh tranh không phải chỉ ASEAN mà còn cả Nam Á, Đông Á. Chúng ta không nên so chúng ta hiện nay, với chúng ta trước kia, phải đối chiếu, so sánh với các nước khác, 1 sự cạnh tranh lành mạnh, chất lượng.
"Nếu muốn chất lượng thì bản thân của chúng ta phải đặt đầu bài cho các nhà đầu tư về hiệu quả, tính lan toả dự án. Không chỉ giải quyết về lao động, lợi thế xuất khẩu bằng ưu đãi thuế từ các FTAs, mà còn phải là tính lan toả, công nghệ, thay đổi kỹ năng quản trị", ông Thành nói.
Viện trưởng Viện Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh khẳng định: Chúng ta phải nghĩ và chuẩn bị tốt hơn về hạ tầng, nhân lực, làm sạch đất đai để họ đặt cứ điểm, ưu đãi động lực tài khoá, tiền tệ. Qua những cái FDI lớn, mới vào…
"Họ đòi hỏi chữ xanh: đầu vào xanh, sản phẩm xanh và năng lượng xanh, công nghệ số... Hai cái này chúng ta đã và đang làm nhưng chúng ta phải thúc đẩy", TS Thành nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.