Gà nhập “đá” gà nội

Thứ sáu, ngày 02/11/2012 07:42 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Gà thải loại nhập khẩu mang lại lợi nhuận gấp 3 - 4 lần nên được nhập về ồ ạt. Trong khi đó, người chăn nuôi trong nước “chết” dần vì kiệt vốn, dịch bệnh, các chính sách hỗ trợ chậm trễ…
Bình luận 0

Những vấn đề này đã được đưa ra mổ xẻ tại cuộc họp bàn về các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, ngăn chặn buôn bán gia cầm nhập lậu khu vực phía Nam do Bộ NNPTNT tổ chức ngày hôm qua (1.11) tại TP. Hồ Chí Minh.

img
Gà loại thải Trung Quốc được bán tràn lan tại chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội) ngày 31.10.

17.000 đồng/kg gà dai Hàn Quốc nhập khẩu

Ông Nguyễn Thanh Sơn – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: “Từ đầu tháng 5.2012, khi giá gà trong nước rơi xuống mức đáy, phần lớn người chăn nuôi bỏ chuồng, lượng gà nhập khẩu từ Hàn Quốc, Trung Quốc bắt đầu tăng mạnh. Gà nhập là gà đông lạnh, không đầu, không chân. Tính đến cuối tháng 9, tổng lượng gà nhập khẩu từ Hàn Quốc đạt gần 6.200 tấn, chiếm gần 12% tổng lượng thịt gà nhập khẩu chính ngạch”.

Bên cạnh gà Hàn Quốc, gà thải loại của Trung Quốc cũng ồ ạt tràn vào Việt Nam qua biên giới phía Bắc. Nguyên nhân chính của tình trạng ồ ạt nhập gà, bất chấp chất lượng kém, nguy cơ mang mầm bệnh cao... theo Cục Chăn nuôi là do chênh lệch giá giữa gà nhập và gà trong nước. Cụ thể, giá gà thải loại Trung Quốc bán ra với giá từ 15.000 đồng/kg, về đến Móng Cái (Quảng Ninh) có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/kg, khi về đến các chợ giá lên đến 65.000 - 70.000 đồng/kg. Vào những đợt loại thải tập trung của trại chăn nuôi Trung Quốc thì giá gà còn rẻ hơn rất nhiều, có thời điểm nhập chỉ có 25.000 đồng/kg tại Móng Cái nên càng thu hút các đầu nậu tham gia nhập lậu.

Giá gà thải Hàn Quốc nhập chính ngạch cũng rất rẻ, khoảng 817 USD/tấn, tương đương khoảng 17.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá gà Hàn Quốc bán tại các siêu thị thấp nhất cũng từ 70.000 đồng/kg. “Các đầu nậu thu siêu lợi nhuận, 1 lời 4 đối với sản phẩm gà thịt, lời 2 – 3 lần đối với gà giống nên việc nhập lậu ngày càng diễn biến phức tạp” - ông Sơn cho biết.

Nguồn gốc lây lan dịch bệnh

Dù hiện nay một số siêu thị đã giảm nhập và ngừng bán các sản phẩm gà Hàn Quốc, Chính phủ cũng đã chỉ đạo Bộ Công Thương tạm dừng việc tạm nhập tái xuất nội tạng và phụ phẩm từ 30.9, song việc nhập khẩu tràn lan thời gian qua đã ảnh hưởng lớn tới ngành chăn nuôi trong nước.

Ông Phạm Văn Đông lo ngại: “Việc nông dân Trung Quốc dùng rất nhiều kháng sinh, thuốc kích thích trong quá trình nuôi gà nên các sản phẩm gà thải loại nhập khẩu từ Trung Quốc chắc chắn có tồn dư các chất nguy hiểm”.

Ông Phạm Văn Đông – Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NNPTNT) cho biết: “Sở dĩ tại các tỉnh Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long, sản phẩm giống gia cầm nhập khẩu từ Trung Quốc có giá rẻ vì chủ yếu là gà trống loại ra sau khi người chăn nuôi Trung Quốc chọn những con mái để lại nuôi sinh sản. Đây là giống thương phẩm, chỉ được nuôi lấy thịt nhưng nhiều người dân ham rẻ, vẫn để làm giống đến 1 - 2 đời sau. Do đó, chất lượng gà giống ngày càng giảm, sức đề kháng yếu, dễ mắc dịch bệnh”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phước Trung – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Hồ Chí Minh cho rằng: “Dù không trực tiếp, nhưng khu vực Đông Nam Bộ và đồng bằng Sông Cửu Long là thị trường tiêu thụ lớn của các sản phẩm gà nhập. Đây cũng là thủ phủ của ngành chăn nuôi nên khi gà nhập tràn về, người chăn nuôi đã khó càng thêm khó khăn”.

Hơn nữa, theo ông Trung, liên tục các vụ thịt bẩn, heo bệnh từ các vùng dịch được chuyển về TP.Hồ Chí Minh để tiêu thụ khiến công tác kiểm dịch thú y tại đây gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, các mầm bệnh theo đó được mang đi khắp nơi, gây ảnh hưởng tới những đàn gia súc, gia cầm an toàn.

Kiên quyết ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc và nhập lậu

Hôm qua (1.11), tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Ban chỉ đạo T.Ư về an toàn thực phẩm đã họp bàn về Đề án ngăn chặn gà không rõ nguồn gốc, có nguy cơ mất an toàn vệ sinh thực phẩm nhập lậu vào nước ta. Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, từ tháng 9 đến nay, tình trạng nhập lậu gia cầm đã xuất hiện trở lại, trung bình mỗi tuần có 15-18 tấn gia cầm nhập lậu tại chợ Hà Vỹ (Thường Tín, Hà Nội). Gần đây, còn có tình trạng một lượng lớn gà thải loại nhập từ Hàn Quốc về để chế biến thức ăn gia súc nhưng lại được bán rộng rãi cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc nhập lậu gà, vịt giống và trứng sắp nở không rõ nguồn gốc cũng diễn biến phức tạp; ước tính có khoảng 40% số lượng giống gia cầm nhập lậu chưa kiểm soát được. Tình trạng này gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến giá gà trong nước, người chăn nuôi thua lỗ.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: “Khi xây dựng phương án ngăn chặn gà nhập lậu phải làm rõ ba khâu. Cụ thể, biên giới kiểm soát cần đặt yêu cầu gì, trung chuyển giải quyết tới đâu, cuối cùng là nơi tập kết thì ai chịu trách nhiệm? Phải thống nhất giao nhiệm vụ rõ của các ban, ngành, các địa phương xung quanh Hà Nội”. Phó Thủ tướng cũng yêu cầu: “Trong tháng 11, Hà Nội phải tổ chức một đợt triển khai ngăn chặn quyết liệt việc nhập gà lậu gây hại sức khỏe cho nhân dân, phá hại sản xuất trong nước tại các chợ đầu mối, trước hết là chợ Hà Vỹ”.

Trong đề án ngăn chặn gia cầm nhập lậu đang soạn thảo, người đứng đầu các cấp, các lực lượng chức năng phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ nếu tiếp tục để xảy ra tình trạng vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập lậu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem