Gần 1,9 tỷ USD được IFC cam kết đầu tư ở Việt Nam năm tài chính 2023

Tường Minh Thứ tư, ngày 06/09/2023 16:06 PM (GMT+7)
Tổng vốn đầu tư ở Việt Nam do Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới cam kết trong năm tài chính 2023 (kết thúc ngày 30/6) đạt gần 1,9 tỷ USD, gồm 520 triệu USD cho đầu tư dài hạn.
Bình luận 0

Công bố ngày 6/9 của IFC - công ty có trụ sở chính tại thủ đô Washington, Mỹ cho biết, Việt Nam là một trong năm nước nhận được đầu tư dài hạn nhiều nhất của IFC tại châu Á - Thái Bình Dương trong năm tài chính 2023.

Gần 1,9 tỷ USD được IFC cam kết đầu tư ở Việt Nam năm tài chính 2023 - Ảnh 1.

Đại diện của IFC, Ngân hàng SMBC Nhật Bản và Công ty nông nghiệp TTC AgriS (thuộc tập đoàn TTC) ký hợp đồng đầu tư vào TTC AgriS ngày 16/6/2023 tại TP.HCM. Ảnh: TTC AgriS.

Các dự án đầu tư và tư vấn của IFC tập trung vào các thách thức lớn tại Việt Nam hiện nay như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, phát triển thương mại, và tăng nguồn cung nhà ở giá vừa phải.

Phần lớn lượng vốn đầu tư dài hạn được dành cho hàng nghìn doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, dành cho người mua nhà có thu nhập thấp và trung bình.

Ngoài đầu tư dài hạn, IFC đã cung cấp hơn 1,3 tỷ USD để tài trợ ngắn hạn thông qua tài trợ thương mại và chuỗi cung ứng cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các nhà cung cấp hàng may mặc và kinh doanh nông sản.

Riêng các dự án liên quan đến biến đổi khí hậu tại Việt Nam, đến nay IFC đã cam kết tài trợ dài hạn hơn 900 triệu USD để hỗ trợ nhằm giúp Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net zero) vào năm 2050.

Gần 1,9 tỷ USD được IFC cam kết đầu tư ở Việt Nam năm tài chính 2023 - Ảnh 2.

IFC đang hỗ trợ xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích các dự án xanh và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường carbon tự nguyện. Ảnh: TTXVN

"Khi các doanh nghiệp dần hồi phục sau đại dịch, đồng thời vượt qua những bất ổn do các cuộc khủng hoảng toàn cầu gây ra, đây là thời điểm thích hợp để khu vực tư nhân tiến hành chuyển dịch xanh nhằm nâng cao khả năng chống chịu và hiệu quả hoạt động. Điều này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế cho các công ty mà còn giúp khai mở tiềm năng của khu vực tư nhân trở thành một động lực thúc đẩy quá trình chuyển đổi của đất nước sang mô hình tăng trưởng kinh tế carbon thấp", ông Thomas Jacobs, Giám đốc Quốc gia IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết.

Ông Jacobs là người Mỹ và được bổ nhiệm vào vị trí trên vào tháng 4/2022. Hiện nay, chương trình tư vấn của IFC tại Việt Nam tập trung vào việc tạo điều kiện thuận lợi cho các dự án liên quan đến khí hậu và phát triển năng lực cho các doanh nghiệp trong nước.

Ví dụ, IFC đang hỗ trợ các bộ liên quan xây dựng các chính sách nhằm khuyến khích các dự án xanh và thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân vào thị trường carbon tự nguyện, cùng nhiều chính sách khác.

IFC cũng đang tư vấn cho các nhà sản xuất trong các ngành như thép, xi măng và nhựa áp dụng các giải pháp trung hòa cacbon để sản xuất sạch hơn.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem