Gần 40% số doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn thua lỗ

Hồng Liên Thứ ba, ngày 10/10/2017 06:45 AM (GMT+7)
Đó là một trong những số liệu thu được từ cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 do Tổng cục Thống kê công bố tại buổi họp báo chiều 9.10.
Bình luận 0

Để tiến hành cuộc Tổng điều tra, Ban Chỉ đạo Tổng điều tra các cấp đã huy động trên 180.000 điều tra viên, tổ trưởng và giám sát viên tham gia liên tục từ 1.7.2016 đến 30.7.2016

Nhiều màu sắc tích cực

Ông Phạm Quang Vinh- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, Ủy viên Ban chỉ đạo Tổng điều tra T.Ư cho biết, quá trình cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản trong giai đoạn 2011-2016 thể hiện trước hết ở kết quả cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất theo hướng số doanh nghiệp và số hợp tác xã tăng nhanh, số hộ sản xuất nhỏ lẻ ngày càng giảm mạnh.

img

Sản xuất rau quả ứng dụng công nghệ cao tại nông trại ở phường 7, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng. Ảnh: K.L

Cùng với cơ cấu lại hình thức tổ chức sản xuất, quá trình cơ cấu lại sản xuất nông, lâm nghiệp và thuỷ sản còn được tiến hành theo hướng tăng cường quy mô lớn. Trong tổng số 3.846 doanh nghiệp hoạt động trong khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, năm 2015 có 1.205 doanh nghiệp có vốn sản xuất kinh doanh từ 10 tỷ đồng trở lên, chiếm 31,3% tổng số doanh nghiệp, tăng 76,2% so với số doanh nghiệp cùng quy mô năm 2010.

Công bố số liệu về ruộng đất được tích tụ với khâu đột phá là dồn điền đổi thửa và xây dựng cánh đồng lớn, ông Vinh cũng nhấn mạnh: Tính đến 1.7.2016, cả nước có 2.294 xã đã tiến hành dồn điền đổi thửa đất sản xuất nông nghiệp, chiếm 25,6% tổng số xã. Sau dồn điền đổi thửa, các cánh đồng lớn xuất hiện và được nhân rộng ở nhiều địa phương.

Hình thức sử dụng nhà lưới, nhà kính, nhà màng nuôi trồng cây con mới chỉ có 327 xã thực hiện, chiếm 3,6% tổng số xã với diện tích nhà lưới, nhà kính, nhà màng 5.897,5ha, chiếm 0,07% diện tích đất trồng cây hàng năm và đất nuôi trồng thủy sản. Mức độ cơ giới hóa sản xuất thấp.

Ông Vinh cũng cho biết việc ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất và liên kết theo chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp đã có bước phát triển mới. Phổ biến nhất là việc áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP); đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị…

Một trong những mảng sáng trong bức tranh nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016 phải kể đến những bước phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực kinh tế trang trại. Trong giai đoạn 2011-2016, kinh tế trang trại phát triển với tốc độ nhanh. Tính đến  1.7.2016, cả nước đã có 33,5 nghìn trang trại nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng 67,2% so với năm 2011, bình quân mỗi năm tăng 10,8%. Tổng giá trị nông, lâm, thủy sản theo giá hiện hành thu được trong 12 tháng trước thời điểm 1.7.2016 của các trang trại đạt 92,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần năm 2011; giá trị sản phẩm, dịch vụ nông, lâm, thủy sản bán ra đạt 91,2 nghìn tỷ đồng, gấp 2,4 lần.

Còn nhiều bất cập

Bà Nguyễn Thị Hương - Vụ trưởng Vụ Thống kê nông, lâm nghiệp và thủy sản (Tổng cục Thống kê) cũng cho biết, trong những năm vừa qua, mặc dù sản xuất được cơ cấu lại theo hướng mở rộng quy mô, nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến. Số doanh nghiệp và HTX tăng, số hộ liên tục giảm, nhưng đến nay hộ sản xuất trực tiếp vẫn chiếm tỷ trọng lớn. Đồng thời, việc đầu tư và ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa sản xuất còn hạn chế.

Hiệu quả của hầu hết các loại hình tổ chức sản xuất, các ngành, các lĩnh vực sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản nhìn chung vẫn thấp. Trong tổng số 3.846 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản chỉ có 50,6% có lãi; 9,8% hòa vốn và 39,6% thua lỗ. Trong 6.946 HTX nông, lâm nghiệp và thủy sản cũng có tới 17,3% hòa vốn và 10,1% bị lỗ.

Bên cạnh những thành tựu, tình hình kinh tế - xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém và bất cập. Chuyển dịch cơ cấu chậm, có những mặt còn lúng túng, nhất là cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quy mô sản xuất tuy đã được nâng lên nhưng sản xuất nhỏ vẫn phổ biến; đầu tư cho nông thôn, nông nghiệp hạn chế.

Ông Nguyễn Bích Lâm - Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê nhận định: Những hạn chế nêu trên đang là thách thức lớn đối với quá trình phát triển kinh tế-xã hội nông thôn và sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản. Với sự chỉ đạo, điều hành sát sao của Chính phủ và các cấp, các ngành, sự quyết tâm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của nhân dân, khó khăn, thách thức đang tồn tại sẽ được xử lý, khắc phục, đưa nông thôn, nông nghiệp nước ta tiếp tục phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem