Tại buổi họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023 do Bộ NNPTNT tổ chức mới đây, ông Dương Văn Cường - Phó Cục trưởng Cục Kiểm ngư cho biết, sau cuộc họp lần 7 của Ban chỉ đạo Quốc gia về IUU, Phó thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra ở hai tỉnh Kiên Giang và Cà Mau. Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cùng đại diện Cục Thuỷ sản, Cục Kiểm ngư cũng tham gia đoàn công tác.
Ông Cường cho hay, qua kiểm tra, cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo là Bộ NNPTNT ghi nhận 2 tỉnh Kiên Giang, Cà Mau đã có nhiều kết quả tích cực trong công tác chống khai thác IUU. Theo đó, 2 địa phương đã có những tiến bộ rõ rệt về giám sát đội tàu, chứng nhận về truy xuất nguồn gốc, lắp đặt giám sát hành trình đạt 100%.
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như còn tình trạng tàu cá của ngư dân địa phương bị nước ngoài bắt giữ, vi phạm IUU trên biển còn nhiều nhưng kết quả kiểm tra xử phạt vi phạm còn ít.
"Từ nay đến tháng 10, Ban chỉ đạo quốc gia sẽ tiếp tục đi kiểm tra việc thực thi IUU tại các địa phương trọng điểm, hỗ trợ những địa phương còn nhiều vi phạm, chuẩn bị tiếp đón Đoàn Thanh tra EC sang kiểm tra lần thứ 4 vào tháng 10 năm nay", ông Cường thông tin.
Phát biểu tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến bày tỏ lo ngại khi hơn 6 năm qua, Việt Nam vẫn chưa gỡ được "thẻ vàng" IUU, mà chưa gỡ được thì sẽ ảnh hưởng tới nền kinh tế nói chung, lĩnh vực xuất khẩu thuỷ hải sản nói riêng, do 100% lô hàng bị kiểm soát. Chi phí thông quan sẽ cao hơn, thời gian cũng kéo dài, trước chỉ 5-6 ngày thì giờ 15 – 20 ngày mới được thông quan.
"Thuỷ sản không chỉ khó vào thị trường EU, mà thị trường Nhật Bản, Mỹ cũng đã nêu ra vấn đề này với Việt Nam. Mỹ yêu cầu phía Việt Nam phải "giải trình", bây giờ là IUU trên biển, sau này sẽ là IUU trên rừng" - ông Tiến cảnh báo.
Thứ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định các tỉnh cần nhìn thẳng vào thực tế, còn việc các tàu ngắt kết nối thiết bị giám sát hành trình, hay gửi thiết bị sang tàu khác.
Quản lí giám sát đội tàu vẫn còn vấn đề, 6 tháng đầu năm để xảy ra 14 vụ vi phạm, ngư dân bị nước ngoài (Malaysia, Indonesia, Thái Lan) bắt giữ, xử lý và tập trung tại các tỉnh Bình Định, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bến Tre, Bạc Liêu và Kiên Giang. EC khẳng định không gỡ thẻ vàng nếu không chấm dứt tình trạng này.
Theo yêu cầu của EC, tàu đi đánh bắt hải sản phải có nhật ký hành trình, nhưng hiện nay chủ yếu là hồi ký, chứ không phải nhật ký.
"10 tàu ghi chép giống nhau thì không phải là nhật ký. Bên cạnh đó, quản lí tàu vào cảng mới được 40%, chủ yếu đỗ bãi ngang, đỗ bến ở nhà thì làm sao biên phòng kiểm soát được?" - ông Tiến chỉ rõ tồn tại.
Các văn bản pháp luật của Việt Nam hiện được EC đánh giá đầy đủ. Tuy nhiên, thực tiễn của Việt Nam còn nhiều vấn đề khi mức xử phạt còn nhẹ, các tàu cá còn chưa nghiêm chỉnh chấp hành.
Ông Tiến cho biết, hiện nay Bộ NNPTNT đang sửa Nghị định 42 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản, trong đó đề xuất xử phạt nguội tàu cá vi phạm vùng biển ở nước ngoài như lực lượng cảnh sát giao thông xử phạt xe vi phạm đường bộ.
Mức phạt vi phạm này có thể từ 800 triệu đồng đến 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó là tăng cường ghi âm, ghi hình, công khai minh bạch; phạt cả chủ tàu, máy trưởng; đồng thời cho phép cảnh sát biển cũng được xử lý các tàu vi phạm.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam (VASEP), trong 5 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam chỉ đạt hơn 3,2 tỉ USD, tiếp tục giảm mạnh gần 30% so với cùng kỳ 2022 và giảm sâu từ 10 - 50% tại tất cả các thị trường xuất khẩu chính.
Trong đó, thị trường giảm mạnh nhất là thị trường Mỹ hơn 50% so với cùng kỳ, thị trường EU giảm gần 32% và Trung Quốc giảm hơn 25%. Các mặt hàng chính của xuất khẩu thủy sản Việt Nam đều giảm như tôm giảm gần 36%, cá tra giảm gần 40% và cá ngừ giảm hơn 30%.
Dự báo, các thị trường thuỷ sản vẫn tiếp tục giảm trong quý III/2023, cuối năm xuất khẩu thuỷ sản ước đạt 8,6 tỷ USD.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.