Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Điều đáng tự hào là ngành gạo Việt Nam không chỉ đáp ứng nhu cầu cho gần 100 triệu dân trong nước, mà còn góp phần đảm bảo an ninh lương thực cho cả thế giới.
Dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 sẽ đạt khoảng 6,5 - 7 triệu tấn, trong đó có khoảng 3 triệu tấn gạo chất lượng cao. Trong ngắn hạn, giá gạo sẽ vẫn ở mức cao, giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Theo Bộ NNPTNT, trong 6 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu gạo của Việt Nam tăng mạnh, trong đó khối lượng xuất khẩu tăng 22,2%, giá trị kim ngạch tăng 34,7%, đưa tổng kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 2,3 tỷ USD. Đáng chú ý là, giá nhiều loại gạo của Việt Nam vẫn duy trì ở mức cao rất lạc quan, và hiện đang cao hơn giá gạo của Ấn Độ, xấp xỉ Thái Lan.
Cụ thể, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, ngày 3/7, giá gạo bình quân 5% tấm của Việt Nam đang được xuất khẩu ở mức 508 USD/tấn, ngang bằng với Thái Lan và cao hơn Ấn Độ (473 USD/tấn). Giá gạo 25% tấm của Việt Nam ngày 3/7 đạt 488 USD/tấn, cao hơn Thái Lan 10 USD/tấn, trong khi gạo 25% tấm của Ấn Độ có giá 453 USD/tấn.
Tại thị trường trong nước, giá lúa IR 50404 tại An Giang đang được thương lái thu mua với giá trong khoảng 6.300 - 6.500 đồng/kg. Lúa OM 5451 giá 6.400 - 6.600 đồng/kg. Giá lúa OM 18 trong khoảng 6.600 - 6.800 đồng/kg. Lúa Nàng Hoa 9 có giá trong khoảng 6.600 - 6.800 đồng/kg. Giá lúa Đài thơm 8 trong khoảng 6.900 - 7.000 đồng/kg.
Lúa Nhật có giá trong khoảng 7.800 - 8.000 đồng/kg. Giá lúa Nàng Nhen (khô) có giá là 13.000 đồng/kg. Với mặt hàng gạo, giá gạo nguyên liệu điều chỉnh tăng 50 đồng/kg, trong khi gạo thành phẩm duy trì ổn định. Cụ thể, giá gạo nguyên liệu IR 50404 đang được thu mua ở mức 10.000 – 10.050 đồng/kg, tăng 50 đồng/kg. Giá gạo thành phẩm duy trì ở mức 11.400 đồng/kg.
Chia sẻ thông tin tại buổi họp báo thường kỳ 6 tháng đầu năm 2023, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến nhận định, thực tế diện tích sản xuất lúa hiện nay chỉ còn 3,4 triệu ha/vụ, chứ không được 3,9 triệu ha như trước, song nhờ làm tốt công tác giống, áp dụng cơ giới hóa cùng với trình độ canh tác của bà con nên năng suất lúa của nước ta liên tục tăng, cao nhất khu vực Đông Nam Á.
Trong đó, năng suất lúa bình quân tại ĐBSCL đạt 7,21 tấn/ha, đặc biệt như ở Bình Định có vụ đạt tới 8,1 tấn/ha… Năm nay 2 tháng nhuận, nhiều người lo sợ năng suất lúa giảm, nhưng thực tế vẫn tăng.
"Hiện giá gạo xuất khẩu của Việt Nam xấp xỉ Ấn Độ, cao hơn Thái Lan. Mọi thứ phụ phẩm từ nghề trồng lúa đều được sử dụng hết, từ rơm rạ, vỏ trấu. Đây là tiền đề thực hiện thành công Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và giảm phát thải" - Thứ trưởng Tiến khẳng định.
Cũng theo ông Tiến, tại Hội nghị cấp cao Asean 42, các nước đều bày tỏ sự quan tâm tới an ninh lương thực, nhưng trước đó, năm 2022 Việt Nam đã xuất khẩu hơn 7,13 triệu tấn gạo, thu về 3,45 tỷ USD. "Năm nay ngoài khoảng 20 triệu tấn dành cho tiêu thụ trong nước, chúng ta vẫn có thể xuất khẩu khoảng 6,5-7 triệu tấn gạo, chắc chắn sẽ thu về hơn 4 tỷ USD, hiện đã tăng cao hơn cùng kỳ năm ngoái" - Thứ trưởng Tiến chia sẻ.
Ông Nguyễn Như Cường - Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết thêm, xu thế phát triển hiện nay là đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, chuyển dịch sang thương mại, dịch vụ, do đó lĩnh vực nông nghiệp đang chịu tác động rất mạnh, diện tích sản xuất ngày càng bị thu hẹp. Đặc biệt, việc chuyển đổi từ trồng lúa sang các cây trồng khác có giá trị cao hơn đang diễn ra ở nhiều địa phương.
"Nhưng với sự chỉ đạo sát sao của Bộ NNPTNT, công tác nghiên cứu giống được đẩy mạnh, ứng phó tốt với biến đổi khí hậu, chúng ta vẫn hoàn toàn đảm bảo nhu cầu tiêu thụ trong nước lẫn phục vụ xuất khẩu.
Bài học kinh nghiệm giai đoạn 2015 – 2020, chúng tôi đã xây dựng một kế hoạch ứng phó biến đổi khí hậu, rà soát đánh giá tình hình nguồn nước ở mỗi địa phương để có kế hoạch, bố trí cơ cấu thời vụ, giống, điều tiết thủy lợi, từ đó đảm bảo ít bị thiệt hại nhất bởi biến đổi khí hậu" - ông Nguyễn Như Cường nói.
Theo báo cáo của Công ty Fitch Solutions, thị trường gạo toàn cầu năm nay sẽ thiếu khoảng 8,7 triệu tấn, mức cao nhất trong 20 năm qua kể từ các năm 2003 và 2004 - thời điểm thiếu tới 18,6 triệu tấn.
Ông Charles Hart, chuyên gia phân tích về hàng hóa của Fitch Solutions, cho biết: "Ở cấp độ toàn cầu, tác động rõ ràng nhất của tình hình thiếu gạo là giá gạo đang cao nhất trong 10 năm qua".
Theo Fitch Solutions, dự kiến giá gạo sẽ duy trì ở mức cao từ nay đến năm 2024. Cụ thể, giá gạo trung bình sẽ là 17,30 USD/cwt (1 tạ, 1 bao 1 tạ Anh khoảng 50kg, 1 bao 1 tạ Mỹ khoảng 45kg, tính ra khoảng 415.000 đồng/bao) trong năm 2023.
Theo báo cáo, nguồn cung gạo bị ảnh hưởng do thời tiết xấu ở các nước như Trung Quốc, Pakistan và do tác động của cuộc chiến tại Ukraine.
Ông Oscar Tjakra, nhà phân tích cấp cao tại Ngân hàng lương thực và nông nghiệp toàn cầu Rabobank, cho biết: "Tình trạng thiếu gạo sẽ làm tăng chi phí nhập khẩu của các nước nhập nhiều gạo như Indonesia, Philippines, Malaysia và các nước châu Phi năm 2023". Chuyên gia này nhận định nhiều quốc gia sẽ buộc phải mở kho dự trữ gạo.
Trước tình hình trên, nói về giải pháp cho ngành gạo thời gian tới, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh, Cục Trồng trọt cần hướng dẫn kỹ hơn các tỉnh xuống giống hợp lý, quy trình canh tác phù hợp với đặc thù địa phương. Đặc biệt, sản xuất lúa gạo ở ĐBSCL như lời nguyên Bộ trưởng Cao Đức Phát từng nói, đó là di sản từ bao thế hệ, bao đời để lại, bằng mọi cách chúng ta vẫn phải đảm bảo an ninh lương thực không chỉ cho đất nước chúng ta, mà còn phục vụ nhu cầu cả thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.