Gần 60.000 ngàn di sản văn hóa phi vật thể đã được kiểm kê

Thanh Hà Thứ tư, ngày 14/06/2017 18:35 PM (GMT+7)
Theo Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện, di sản văn hóa ở nước ta có số lượng rất lớn, chỉ tính riêng số di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê đã là 59.279.
Bình luận 0

Sáng ngày 14.6, phiên chất vấn Quốc hội với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện tiếp tục được diễn ra. Ngoài những vấn đề “nóng” như quy hoạch khu du lịch bán đảo Sơn Trà, cấp phép các ca khúc...nhiều đại biểu Quốc hội đã đặt câu hỏi xoay quanh bảo tồn di sản văn hóa.

img

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện trả lời các câu hỏi của đại biểu Quốc hội. Ảnh: T.H

Trong phần tranh luận của mình với Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiên xung quanh vấn đề bảo tồn di tích, đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) cho biết: 

"Thời gian qua với mục tiêu phát triển nhanh ngành du lịch chúng ta đã khai thác tối đa giá trị kinh tế của di sản văn hóa với một cách làm thiếu chuyên nghiệp khiến nhiều điểm thăm quan di tích quá tải nhất là dịp đầu năm. Sự tùy tiện và ý thức bảo vệ tài sản công cộng chưa cao nên hầu hết các di sản ở trong tình trạng bị ô nhiễm môi trường ngày càng nghiêm trọng. Và qua thực tiễn, công tác quản lý di sản văn hóa vẫn còn nhiều bất cập. Chủ yếu do công tác tổ chức điều hành, sự phân câp còn chồng chéo. Chính sách đầu tư chưa thực hiện được.

Công tác đánh giá hiện trạng, sưu tầm từ các đề án còn nặng về giấy tờ, thủ tục đây là trở ngại rất lớn về công tác bảo tồn phát huy di sản văn hóa. Và trong thời gian tới chúng ta sẽ tiến hành xã hội hóa, trong khi việc xã hội hóa đang còn nhiều bất cập. Điều này khiến tôi lo ngại nguy cơ nhiều di tích sẽ trở thành phế tích, thậm chí là mất tích nếu như chúng ta quản lý di sản văn hóa không tốt".

Trả lời phần tranh luận của đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước), Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho biết: “Đúng như đại biểu nói, hiện nay chúng ta có rất nhiều di tích. Hơn 3.329 di tích đã được xếp hạng Quốc gia, 85 di tích được xếp hạng Quốc gia đặc biệt. Tổng số di sản văn hóa phi vật thể được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia là 202; Di sản văn hóa được UNESCO ghi danh là 25; Tổng số di sản văn hóa phi vật thể được kiểm kê là 59.279.

Có thể nói rằng di sản văn hóa ở nước ta có số lượng rất lớn, đây là tài sản của đất nước. Chúng ta có trách nhiệm giữ gìn, bảo vệ và bảo tồn, đặc biệt là trách nhiệm của Bộ VHTTDL.

Trong những năm vừa qua, Bộ VHTTDL đã làm khá tốt về công tác kiểm kê, xếp hạng. Tuy nhiên vấn đề bảo tồn, tôn tạo, phát huy vẫn còn hạn chế. Bảo tồn liên quan đến nguồn kinh phí, như tôi đã nói từ năm 2015 trở về trước có chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa, trong đó nguồn đầu tư và nguồn sự nghiệp.

Nguồn đầu tư là nguồn chủ yếu đầu tư, tôn tạo, trùng tu, bảo tồn các di sản phi vật thể. Và nguồn sự nghiệp chủ yếu tập trung cho các di sản văn hóa phi vật thể. Từ năm 2016 chương trình Mục tiêu Quốc gia về văn hóa không còn, về việc này Quốc hội đã thông qua.

Hiện nay chỉ còn chương trình Mục tiêu phát triển về văn hóa, và tính chất của chương trình này là không có nguồn lực tập trung để đầu tư, mà sẽ được phân bổ thẳng về  các tỉnh, các địa phương. Vì vậy quyền quyết định trong việc phân bổ để trùng tu, bảo tồn là của các tỉnh và thành phố.

Đối với ngành văn hóa hiện nay được bố trí nguồn liên quan đến bảo tồn văn hóa phi vật thể như tôi đã báo cáo trước đó với đại biểu Hồ Thị Minh ở Quảng Trị.

Tôi thấy rằng, các di sản văn hóa của chúng ta chủ yếu làm bằng gỗ, nếu chúng ta không bảo tồn, tôn tạo, không gìn giữ sẽ xuống cấp và như đại biểu nói là sẽ biến mất. Hôm nay với trách nhiệm quản lý nhà nước, chúng tôi đề nghị nếu phân bổ về các địa phương, thì các địa phương nên bố trí nguồn để thực hiện công tác bảo tồn. Chúng tôi xin tiếp thu ý kiến và tiếp tục nghiên cứu, tham mưu cho Chính phủ xem có nguồn lực nào để giành cho công tác bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể”.

Trả lời về công tác quản lý di sản văn hóa vẫn còn nhiều bất cập. Chủ yếu do công tác tổ chức điều hành, sự phân cấp còn chồng chéo. Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Ngọc Thiện cho hay:  "Tôi còn nhớ câu này đã được đại biểu ở Quảng Ninh chất vấn tới thủ tục hành chính, sự chồng chéo giữa Bộ VHTTD, Bộ Xây dựng về việc cấp giấy phép trùng tu.

Lúc đó Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã báo cáo, giải trình, đã chỉ đạo Bộ Xây dựng, Bộ VHTTDL sẽ nghiên cứu để sửa đổi vào trong luật xây dựng sắp tới.

Còn với các di tích khác theo tôi không có gì vướng mắc, nhưng nếu đại biểu thấy có gì vướng mắc, đại biểu có thể gửi câu hỏi để chúng biết cụ thể để trên cơ sở đó chúng tôi nghiên cứu đề xuất phương án xử lý cho phù hợp".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem