Gánh nặng nợ vay "đè" Hòa Phát, tỷ phú Trần Đình Long "cài số lùi" lợi nhuận

Nhật Minh Thứ bảy, ngày 16/03/2019 09:00 AM (GMT+7)
Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đặt kế hoạch doanh thu 70.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng cho năm 2019. Nếu so với kết quả thực hiện của năm 2018, kế hoạch năm 2019 của Hòa Phát có sự tăng trưởng doanh thu 24%, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 22%.
Bình luận 0

Tập đoàn Hòa Phát (HPG) của ông Trần Đình Long vừa công bố nghị quyết HĐQT thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2019 với doanh thu toàn Tập đoàn dự kiến đạt 70.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 6.700 tỷ đồng. Tỷ lệ cổ tức dự kiến chi trả ở mức 20%, thấp hơn mức 30% trong năm 2018.

Giảm mục tiêu lợi nhuận 2019

Trước đó, trong năm 2018, Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long ghi nhận doanh thu 56.500 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế cao nhất trong lịch sử 8.600 tỷ đồng. Như vậy, nếu so với kết quả thực hiện của năm 2018, kế hoạch năm 2019 của Hòa Phát có sự tăng trưởng doanh thu 24%, nhưng lợi nhuận lại giảm tới 22%.

Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long chưa đưa ra lý giải về kế hoạch lợi nhuận gây bất ngờ này nhưng theo nhận định của công ty chứng khoán, một số lý do có thể kể đến như: sự thận trọng về giá nguyên liệu đầu vào, việc tăng giá điện và chi phí khấu hao tăng xuất phát từ dự án Dung Quất cũng như nhu cầu vốn lưu động cao hơn sẽ làm tăng chi phí lãi vay.

img 

Ngoài ra, việc Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long đặt kế hoạch thận trọng trong năm 2019 có thể xuất phát từ lo ngại giá thép sẽ thấp hơn năm trước. Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bỏ đánh thuế xuất khẩu trên phôi thép vuông từ 1.1 năm nay nhằm mục tiêu thúc đẩy xuất khẩu cũng là yếu tố ảnh hưởng không nhỏ tới diễn biến giá thép.

Tại thị trường trong nước, chưa thể quá lạc quan về diễn biến thị trường bất động sản năm 2019. Vấn đề rủi ro về thủ tục hành chính kéo dài có thể gây ra sự chậm trễ trong việc phát triển các dự án mới tại TP HCM vào năm 2019. Nếu thị trường bất động sản bị chậm lại, ngành thép không thể quá lạc quan.

Còn nhớ năm 2018, giá thép giảm mạnh đã ảnh hưởng lớn tới bên lợi nhuận của tập đoàn Hòa Phát. Cụ thể, tỷ lệ lợi nhuận gộp của công ty giảm xuống còn 17,8% trong quý 4, thấp hơn nhiều so với mức 22,6% cùng kỳ năm trước. Với Hòa Phát, đây cũng là lần đầu tiên kể từ quý III.2017 lợi nhuận của công ty rơi xuống dưới ngưỡng 2.000 tỷ đồng trong một quý kinh doanh.

img 

Hòa Phát thận trọng đặt mục tiêu lợi nhuận 2019

Một số dự án Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long định triển khai đã phải hoãn lại. Nhà máy tôn mạ có công suất 400.000 tấn/năm và vốn đầu tư 2.700 tỷ đồng, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong tháng 7 đã phải tạm ngưng do điều kiện thị trường cạnh tranh và thời tiết bất lợi. Phải đến tháng 12 vừa qua, công ty mới quyết định cho hoạt động.

Cũng xin lưu ý rằng, kế hoạch kinh doanh của HPG thường không phản ánh chính xác kết quả kinh doanh thực tế. HPG đã vượt kế hoạch 51% năm 2015, 106% năm 2016, 33% năm 2017 và 7% năm 2018. Nhiều khả năng kế hoạch năm 2019 cũng sẽ có kết quả tương tự.

Chính vì vậy, việc đặt kế hoạch kinh doanh có phần “khiêm tốn” của HPG có thể là sự thận trọng của ông Trần Đình Long, chủ tịch tập đoàn này. Đó cũng chính là lí do vì sao Hòa Phát gắn với hình ảnh "xe lu", chậm mà chắc trong suốt thời gian qua.

Nợ đã đến ngưỡng 47% tổng tài sản

Trong vài năm qua, HPG của ông Trần Đình Long được nhiều nhà đầu tư cá nhân và các quỹ đầu tư ưa thích mặc dù kết quả ngành có nhiều suy giảm. Tới nay, đây vẫn là cổ phiếu nhận được nhiều khuyến nghị tích cực nhất so với các doanh nghiệp cùng ngành.

Tuy nhiên, nhà đầu tư có dấu hiệu lo lắng hơn với vấn đề nợ vay ngày càng gia tăng của Hoà Phát, chưa kể việc liệu dự án Dung Quất có triển khai đúng tiến độ như lãnh đạo HPG khẳng định hay không.

Trước đó, ông Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Hòa Phát, cho biết khi Khu liên hợp Gang thép Dung Quất đi vào hoạt động, HPG đặt kế hoạch sản lượng 2019 đạt khoảng 3,5 - 4 triệu tấn, tăng khoảng 33% so với thực hiện năm 2018. Thế nhưng, để có được "cơ ngơi" kỳ vọng, quy mô nợ vay của Hòa Phát đã tăng rất mạnh trong năm vừa qua.

Báo cáo tới ngày 31.12.2018 của Tập đoàn Hòa Phát cho biết, tổng giá trị đầu tư xây dựng tại dự án Khu liên hợp Gang thép Dung Quất lên tới 33.755 tỷ đồng.

img 

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2018 của Hòa Phát

Toàn bộ dự án tại Dung Quất có quy mô đầu tư khoảng 53.000 tỷ đồng, trong đó vốn đầu tư cố định khoảng 40.000 tỷ đồng, dự kiến được vận hành toàn bộ vào cuối năm 2019. Một phần nguồn vốn của Hòa Phát đã được huy động từ phát hành cổ phiếu vào 2017. Theo kế hoạch, nửa số vốn đầu tư cố định của dự án (khoảng 20.000 tỷ đồng) sẽ được vay từ các ngân hàng.

Thể hiện trên báo cáo tài chính của Hòa Phát cũng cho thấy, trong năm 2018, vay nợ của tập đoàn đã tăng thêm khoảng 11.000 tỷ đồng, chủ yếu là vay và nợ thuê tài chính dài hạn.

Cụ thể, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn tương đương đầu năm, khoảng 11.495 tỷ. Nợ và thuê tài chính dài hạn 12.810 tỷ đồng, tăng mạnh từ mức 1.651 tỷ hồi đầu năm.

img

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV.2018 của Hòa Phát

Việc tăng vay nợ để đầu tư vào dự án mới, cộng với quy mô vay nợ lớn trước đó để phục vụ nhu cầu vốn lưu động đã đẩy tổng giá trị các khoản nợ phải trả của Hòa Phát lên hơn 37.616 tỷ đồng, tăng trên 82% so với con số đầu năm 22.000 tỷ đồng. Mức này tương đương khoảng 47% tổng tài sản của tập đoàn.

Đồng thời chi phí lãi vay trong năm 2018 cũng tăng lên con số 540 tỷ đồng. Theo tính toán, quy mô vay nợ của Hòa Phát sẽ tiếp tục tăng khi dự án Dung Quất dần hoàn thiện và đi vào vận hành toàn bộ.

Công ty chứng khoán Bảo Việt cho rằng, đầu tư mạnh, chấp nhận khó khăn và thậm chí nặng gánh chi phí nợ vay để củng cố sức mạnh nền tảng, giữ thị phần và làm đòn bẩy tăng trưởng cho tương lai, cũng là cách đi mà Hoa Sen Group thực hiện.

Có lẽ đây cũng là lý do khiến cho Hòa Phát của tỷ phú Trần Đình Long thận trọng đề ra mục tiêu lợi nhuận “đi lùi” trong năm 2019 này.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem