Gặp đôi vợ chồng già lập nghiệp tại Măng Đen gần 40 năm trước
Măng Đen của 40 năm trước qua lời kể đôi vợ chồng đến đây lập nghiệp
Hoàng Lộc
Thứ hai, ngày 27/03/2023 13:15 PM (GMT+7)
Ông bà chủ của trang trại rộng 8ha sở hữu vô số loài hoa đẹp đã kể cho phóng viên Dân Việt câu chuyện đến đây lập nghiệp gần 40 năm trước. Khi đó, ông bà mới từ Hà Tĩnh lên đỉnh non cao, hoang vu này xây dựng cuộc sống; thấy cọp, gấu dọc đường không phải là chuyện hiếm.
Trang trại trồng trọt, chăn nuôi có vô số loài hoa đẹp
Trong cuộc trò chuyện với chị Nguyễn Thị Trang – một người bạn của tôi ở thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), tôi tình cờ được biết, chị là con gái của cặp vợ chồng công nhân gần 40 năm trước lên mảnh đất được mệnh danh là "Đà Lạt 2" của khu vực Tây Nguyên để lập nghiệp. Sau nhiều lần nhờ chị Trang liên hệ, tôi đã gặp được ông Nguyễn Văn Bằng (59 tuổi, bố chị) và bà Đào Thị Hương (54 tuổi, mẹ chị).
Qua cuộc trò chuyện với hai người, tôi được biết, họ có trang trại rộng 8 ha ở thị trấn Măng Đen (gần Trung tâm hành hương Đức Mẹ Măng Đen – một trong những địa điểm du lịch nổi tiếng của huyện Kon Plông). Thấy tôi cỏ vẻ tò mò và muốn tìm hiểu về trang trại nữa, hai vợ chồng đã không ngần ngại dẫn tôi vào thăm quan.
Theo quan sát của tôi, trang trại được bao phủ bởi những cánh rừng tự nhiên, bạt ngàn hoa cỏ. Trong trang trại này, gia đình ông chủ yếu trồng cà phê và một số ít loại cây ăn quả. Ngoài ra, tôi nhận thấy dọc các lối vào trang trại, có nhiều loại hoa được trồng 2 bên đang đua nhau khoe sắc thắm, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp.
Ông Bằng tâm sự, trang trại rộng 8ha này được gia đình ông cần mẫn khai hoang cách đây 21 năm. Từ diện tích này, gia đình ông đã trồng 4 ha cà phê xứ lạnh xen canh với hàng ngàn cây ăn quả như chuối, cam sành, ổi và hàng ngàn loài hoa khác như hoa mai anh đào, mua thái, cúc thân gỗ... Bên cạnh đó, gia đình còn xây chuồng nuôi thêm đàn bò khoảng 30 con.
Đối với cây cà phê, gia đình ông hoàn toàn canh tác theo hướng hữu cơ. Bò được chăn thả tự nhiên trong vườn để lấy phân hữu cơ bón cho cây cà phê. Nhờ tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình kỹ thuật, cà phê sinh trưởng, phát triển tốt với tỷ lệ đậu quả từ 85% trở lên và được các đơn vị tại tỉnh Đắk Lắk thu mua, xuất khẩu ra thị trường nước ngoài. Với giá thu mua hiện tại là 23.000 đồng/kg quả tươi thì thì sẽ mang về cho gia đình hơn 400 triệu đồng mỗi năm sau khi trừ đi các chi phí.
Lý giải về việc trồng nhiều loại cây hoa khác nhau xen với cây cà phê xứ lạnh, bà Đào Thị Hương cho hay: "Mỗi loại cây sẽ có những thời điểm ra hoa khác nhau. Khi cây ra hoa, hương vị của hoa sẽ hấp thụ vào rễ và lá của cây phê, từ đó tạo nên những hạt cà phê chất lượng, đạt tiêu chuẩn để xuất khẩu ra nước ngoài".
Măng Đen 40 năm về trước ra sao?
Cũng trong câu chuyện, tôi mới biết được vợ chồng ông Bằng là một trong số nhiều người gây dựng nên những cánh rừng thông xanh mát tạo điểm nhấn cho Măng Đen.
Ngược dòng ký ức, ông Bằng kể lại, vào năm năm 1986, sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong quân ngũ, ông rời quê hương ở huyện Can Lộc (tỉnh Hà Tĩnh) vào xã Măng Cành (huyện Kon Plông) để làm công nhân tại Lâm trường Măng Cành 1 (bây giờ là Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông).
Thời điểm đó, cùng đi với ông Bằng còn có hàng chục công nhân khác, tuổi đời khoảng hơn 20, chủ yếu là người ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Công việc của ông Bằng và nhiều công nhân khác đó là trồng rừng thông trên những quả đồi trọc xung quanh vùng đất Kon Plông.
Trong ký ức của ông Bằng, thời điểm đó huyện Kon Plông rất hoang sơ và lạnh lẽo, heo hút người. Cả bốn bề nơi đây bao phủ bởi đồi núi, giao thông đi lại đầy trắc trở. Ông Bằng và mọi người phải ở trong những căn nhà tạm bợ.
"Cuộc sống thời điểm đó rất khó khăn. Cái lạnh như cắt da thịt đeo bám, nhiều ngày liền khiến tôi bị sốt rét. Ở trong rừng hồi ấy có nhiều loài thú dữ như rắn hổ mang, cọp, gấu… Có đợt đi trong rừng gặp hai con cọp khiến tim tôi loạn nhịp, tay chân run bần bật. Tôi bình tĩnh lui vào trong bụi nấp kín để chờ chúng đi rồi mới tiếp tục công việc. Cảm giác lúc ấy thật đáng sợ", ông Bằng kể.
Điều kiện sinh hoạt là vậy, còn ăn chủ yếu là rau hay măng rừng ở tại chỗ. Khi có được đồng lương, ông Bằng mua vài bịch muối ở tiệm tạp hóa nhỏ gần lâm trường rồi mang vô trong làng đổi lấy gạo, cá khô, củ mì của người Mơ Nâm (một nhánh của dân tộc Xơ Đăng).
"Cũng vì cuộc sống gian khổ tại núi rừng Măng Đen khiến hàng chục người không thể trụ nổi phải quay trở lại quê hương. Có một số người tiếp tục bám trụ tại đây, làm ăn khấm khá đến chục năm sau rồi cũng trở về quê", ông Bằng nhớ lại.
Trong quá trình công tác, ông Bằng tình cờ quen biết bà Đào Thị Hương (cũng là công nhân thuộc Lâm trường Măng Cành) rồi sau đó hai người nên duyên vợ chồng.
Dù cuộc sống gian khổ, tuy nhiên vợ chồng ông Bằng và hàng chục công nhân vẫn ở lại mảnh đất đất này và dày công vun trồng hơn 4.000ha rừng thông xanh mát, đẹp mê hồn.
"Giờ cuộc sống của 2 vợ chồng đã ổn định, không còn vất vả như ngày xưa nữa. Đó là điều hạnh phúc lớn nhất của gia đình", ông Bằng bộc bạch.
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Lương Ngọc Bảo – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen (huyện Kon Plông) cho hay: "Vợ chồng ông Bằng có thể nói là một trong số nhiều người lập nghiệp sớm nhất ở huyện Kon Plông. Dẫu cho cuộc sống hồi đó còn khó khăn và thiếu thốn nhưng ông bà vẫn quyết tâm bám trụ tại đây và đến hiện tại, kinh tế gia đình đã ổn định. Ngoài ra hằng năm, gia đình ông bà còn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các chương trình tặng quà, tặng áo ấm, tổ chức Tết Trung thu, cho nhiều hộ gia đình người đồng bào dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn, trong và ngoài thị trấn Măng Đen".
Vui lòng nhập nội dung bình luận.