Gập ghềnh đi cùng con chữ: Rút ngắn đường đến trường cho các em

Lê San (thực hiện) Thứ tư, ngày 09/09/2015 08:11 AM (GMT+7)
Nhằm góp phần giảm bớt khó khăn trên con đường đến trường của hàng nghìn học sinh nghèo miền núi, đầu năm học 2015 - 2016, Báo Nông Thôn Ngày Nay triển khai chương trình “Bánh xe yêu thương - Nâng bước tới trường”. Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay chia sẻ thêm về chương trình này.
Bình luận 0

Chương trình “ Bánh xe yêu thương -Nâng bước tới trường” đã được ấp ủ thực hiện như thế nào, thưa ông?

-Trong những chuyến công tác, từ thiện lên vùng cao, miền núi, chúng tôi được chứng kiến cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của các em học sinh. So với học sinh miền xuôi, các em phải vượt qua rất nhiều chướng ngại để được đến trường, đến lớp. Khi hỏi các thầy, cô giáo về lý do các em học sinh bỏ học, nhiều người cho rằng  hầu hết là do nhà quá xa trường, đi học rất vất vả và mất thời gian.

img

Nhà báo Lưu Quang Định - Tổng Biên tập Báo Nông Thôn Ngày Nay tặng xe đạp cho học sinh nghèo xã Ninh Lai (Sơn Dương, Tuyên Quang).  Ảnh:  L.H.T

Có lần, một cô giáo ở Trường Tiểu học Suối Tọ 2, Phù Yên, Sơn La kể: Nhà các em ở tận đỉnh đồi, muốn đến trường đúng giờ, các em phải thức dậy từ 3-4 giờ sáng. Ngày nắng còn đỡ, ngày mưa, ngày rét căm căm các em vẫn phải đi bộ từng ấy quãng đường. Khó khăn như thế đã làm các em nản lòng mà bỏ học giữa chừng.

Hình ảnh các em lặn lội đi tìm con chữ như thế, đã ám ảnh chúng tôi. Tại sao không làm một điều gì đó để rút ngắn bớt quãng đường đến trường của các em, giúp các em có động lực để đến trường? Từ đó ý tưởng thực hiện chương trình “Bánh xe yêu thương- Nâng bước tới trường” đã ra đời. Được sự đồng ý của T.Ư Hội Nông dân và Uỷ ban Dân tộc, chúng tôi đã vận động các nhà hảo tâm, nhà tài trợ cùng chung tay để thực hiện chương trình.

Mục tiêu cụ thể của chương trình là gì thưa ông?

"Tôi tin rằng khi sức lan toả của chương trình được nhân rộng, không chỉ có 1.000 chiếc xe đạp mà còn số lượng xe đạp lớn hơn nhiều sẽ đến được với các em”.

Nhà báo Lưu Quang Định

-Mục tiêu của chương trình là sẽ quyên góp 1.000 chiếc xe đạp để tặng học sinh nghèo vùng núi, nông thôn. Thông qua tổ chức Hội Nông dân hoặc Ban dân tộc các địa phương, các em học sinh nghèo sẽ được lựa chọn, dựa trên nhu cầu và hoàn cảnh thực sự.

Chủ tịch Hội Nông dân xã sẽ là đầu mối nắm danh sách, hiểu sát sao từng hoàn cảnh, và cũng là người sẽ giám sát hiệu quả của chương trình. Ngay từ đầu, chúng tôi đã xác định, chương trình muốn hiệu quả phải tới được đúng đối tượng, những em học sinh khó khăn thực sự.

Thực tế tháng 8.2014, chúng tôi đã triển khai hỗ trợ 40 chiếc xe đạp cho các em học sinh ở hai xã Pa Ham và Nậm Nèn, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên. Qua 1 năm, hiệu quả của chương trình thực sự nhìn thấy được. Kết quả học tập của các em đều được nâng lên rõ rệt. Các em phấn khởi, ham thích với việc học hơn. Những sự giúp đỡ tuy nhỏ thôi nhưng đã đạt được kết quả mà chúng tôi mong đợi.

Tiếp tục từ thành công đó, năm học mới này, chương trình sẽ tiếp tục tặng 70 xe đạp cho các em học sinh ở hai xã Tân Thành (huyện Hàm Yên) và Ninh Lai (huyện Sơn Dương), tỉnh Tuyên Quang, và hàng trăm chiếc xe cho học sinh một số xã thuộc huyện Bảo Lâm, Cao Bằng, học sinh một số xã thuộc huyện Bắc Nậm, tỉnh Bắc Kạn và một số địa phương khác.

1.000 chiếc xe đạp là con số tương đối lớn, liệu chương trình có hoàn thành mục tiêu?

-Theo tôi, 1.000 chiếc xe đạp vẫn là con số nhỏ so với số học sinh có nhu cầu xe đạp đến trường ở vùng khó khăn. Hàng năm, có rất nhiều cơ quan, tổ chức đứng ra làm từ thiện với mong muốn chia sẻ, làm vơi bớt đi những khó khăn, vất vả của các em học sinh. Người đi làm từ thiện vì thế cũng rất đa dạng, từ học sinh, sinh viên đến anh công nhân, chị bác sĩ, nhà khoa học, người kinh doanh…

Tôi tin rằng khi sức lan toả của chương trình được nhân rộng ra, không chỉ có 1.000 chiếc xe đạp mà còn số lượng xe đạp lớn hơn nhiều sẽ đến được với các em. Chúng tôi hy vọng, đây sẽ là một chương trình dài hơi và là hành trình yêu thương mà ai cũng sẽ muốn đóng góp sức mình.

Xin cảm ơn ông!

Theo số liệu của Bộ LĐTBXH, hiện nay Việt Nam có gần 1,5 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Ngoài ra, gần 2,5 triệu trẻ em đang có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh này. Phần lớn trong số trẻ em đó sinh sống ở khu vực nông thôn.    

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem