Gặp gỡ lãnh đạo tỉnh Bình Dương: Doanh nghiệp ‘kêu trời’ nạn kẹt xe

Văn Dũng Thứ bảy, ngày 31/10/2020 09:38 AM (GMT+7)
Nhiều doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh Bình Dương đã bức xúc trước tình trạng kẹt xe, ùn tắc giao thông xảy ra liên tục khiến hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hoá bị ngưng trệ.
Bình luận 0

Chiều 30/10, lãnh đạo tỉnh Bình Dương nhiệm kỳ mới đã gặp gỡ các hiệp hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng và tháo gỡ những khó khăn mà các doanh nghiệp đang đầu tư trên địa bàn găp phải.

Tại buổi gặp gỡ, ông Trần Văn Nam – Bí thư Tỉnh uỷ yêu cầu các hiệp hội doanh nghiệp chia sẻ thẳng thắn, chân thành để lãnh đạo tỉnh Bình Dương kịp thời nắm bắt, giải quyết nhanh chóng.

Đại diện Hiệp hội Da giày tỉnh Bình Dương phản ánh, nhiều năm qua hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh mặc dù được đầu tư bài bản, hiện đại nhưng nạn kẹt xe xảy ra liên tục khiến hoạt động sản xuất, vận chuyển hàng hoá bị ngưng trệ.

"Trước đây, chúng tôi đi từ Dĩ An lên Thủ Dầu Một chỉ mất khoảng 20p. Nhưng bây giờ di chuyển cũng quãng đường đó mất hơn 1 giờ đồng hồ", đại diện Hiệp hội Da giày phản ánh.

Bình Dương

Lãnh đạo tỉnh Bình Dương gặp gỡ đại diện các hiệp hội doanh nghiệp chiều 30/10. Ảnh: Mai Xuân

Đại diện Hiệp hội Logistics cho biết, hiện nay các hệ thống cảng logistics trên địa bàn tỉnh đều gặp trở ngại về hệ thống giao thông kết nối các cảng.

"Hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương không có cảng biển, vì vậy chúng tôi mong muốn sắp tới lãnh đạo tỉnh chú ý đến vấn đề này và có lộ trình phát triển cảng sông", đại diện Hiệp hội Logistics nói.

Trả lời vấn đề phản ánh của đại diện Hiệp hội Logistics, ông Trần Văn Nam thừa nhận hiện nay tất cả các cảng sông trên địa bàn đều thiếu đường kết nối, hiện tỉnh đang đầu tư hệ thống hạ tầng kết nối vào các cảng logistics.

Cũng theo ông Nam, trong vài năm tới, Bình Dương sẽ hiệp thương với Đồng Nai và Bình Phước để xây dựng cầu nối 3 tỉnh đặt tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên.

"Chúng tôi đã báo cáo với Thủ tướng để xin chủ trương xây hạ tầng kết nối với các tỉnh như Đồng Nai, Bình Thuận và đã được Thủ tướng hoan nghênh, tán thành. Sắp tới chúng tôi sẽ tổ chức hiệp thương với tỉnh bạn để thực hiện các dự án hạ tầng", Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương nhấn mạnh.

Bình Dương

Ông Minoru Onuma – đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn, trong nhiệm kỳ mới, chính quyền tỉnh Bình Dương sẽ giải quyết tốt vấn đề hạ tầng giao thông, kẹt xe. Ảnh: Mai Xuân

Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương cũng cho biết thêm, nếu muốn thực hiện được các vấn đề nêu trên, Bình Dương cần phải ưu tiên xây dựng tuyến xe buýt nhanh (BRT) nối Suối Tiên- TP Mới Bình Dương.

Vận tốc thiết kế cho xe buýt nhanh là 80km/h. Xe di chuyển nhanh nhờ chạy trên làn đường ưu tiên với hệ thống tín hiệu giao thông thông minh, thu vé tự động và dải phân cách, trạm dừng riêng biệt.

Tuyến đường cho xe buýt nhanh được cải tạo nâng cấp từ tuyến đường Mỹ Phước – Tân Vạn hiện hữu. Trên tuyến này sẽ xây thêm 6 cầu vượt ở các nút giao lớn nhằm giảm ùn ứ, tạo điều kiện cho xe buýt di chuyển.

Tỉnh Bình Dương sẽ sắm 30 xe buýt và xây 24 trạm xe trên tuyến đường dài khoảng 30 km này. Dự kiến dự án thực hiện trong giai đoạn 2020-2025. Đây được xem là dự án nối dài hiệu quả của tuyến metro Bến Thành- Suối Tiên.

"Ngoài đầu tư hạ tầng "cứng", chúng tôi cũng mong muốn chính quyền Bình Dương đầu tư phát triển hạ tầng "mềm", cụ thể là đơn giản hoá thủ tục hành chính, phát triền các công nghệ giúp các nhà đầu tư nước ngoài có sự thuận lợi hơn trong công tác sản xuất, vận chuyển hàng hoá", ông Minoru Onuma bày tỏ.

kẹt xe

Kẹt xe liên tục khiến các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Bình Dương gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: V.D

Ông Mai Bá Trước – Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tỉnh Bình Dương cho biết, sở đã phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ tối đa cho doanh nghiệp để hoàn thiện các thủ tục liên quan đến đầu tư; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của các dự án; triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Sở KH&ĐT đã rút ngắn tối đa thời gian xử lý hồ sơ đăng ký doanh nghiệp bằng cách bãi bỏ nhiều thủ tục, đơn giản hóa các quy định về điều kiện kinh doanh, hỗ trợ đăng ký kinh doanh qua mạng, chuyển trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua đường bưu điện, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp tại nhà, thậm chí tại các quốc gia khác đối với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài.

Bình Dương hiện có 48 khu, cụm công nghiệp với tổng diện tích lên đến hơn 10.000ha, chiếm 1/4 diện tích KCN miền Nam. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các thành phần kinh tế phát triển. Lũy kế đến ngày 30/6/2020, toàn tỉnh có 45.493 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký đạt 394.500 tỷ đồng. Tổng số dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực đến 30/6/2020 là 3.865 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,93 tỷ đô la Mỹ. Bình Dương hiện đứng thứ 3 cả nước về thu hút vốn FDI. Nguồn vốn chủ yếu thuộc các lĩnh vực sản xuất công nghiệp và thương mại, dịch vụ.

Theo ông Nguyễn Quốc Cường - Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Bình Dương, tỉnh luôn chú trọng xây dựng cộng đồng doanh nghiệp vững mạnh. Tỉnh luôn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, nâng cao khả năng tiếp cận, ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ hiện đại vào thực tế sản xuất.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem