Họa sỹ Heather McClellan trong xưởng vẽ
Học sơn mài để hiểu văn hóa Việt
Cùng gia đình chuyển tới Hà Nội chưa đầy 1 năm, McClellan cảm giác có một niềm thôi thúc tìm hiểu văn hóa Việt Nam. Thế là suốt 4 tháng, chị theo một lớp học vẽ tranh sơn mài của họa sỹ Việt như một người vẽ sơn mài thực thụ. Mặc dù, chị cũng là một “chuyên gia” trong lĩnh vực về đồ họa và minh họa ở Mỹ.
Heather tâm sự: “Điều tôi ngạc nhiên nhất là tại sao trong một chất liệu sơn mài lại có nhiều kỹ thuật thủ công phức tạp đến thế. Từ cách sơn, mài cho đến sử dụng các chất liệu trang trí… mỗi lần vẽ là tôi lại khám phá thêm nhiều kỹ năng mới”.
Sau khi đã có những kiến thức cơ bản, chị bắt đầu sáng tạo những tác phẩm đầu tiên, bức nào cũng có bóng dáng một người phụ nữ. Điều làm tôi cảm phục dù là một họa sỹ phương Tây khá xa lạ với tranh sơn mài truyền thống của Việt Nam, nhưng bằng nhiều cách “buộc” người xem phải nán lại trước những tác phẩm của mình.
Khi thì là những phụ nữ phương Tây ẩn hiện trong suối tóc và đêm tối nhập nhoạng, trôi nổi giữa dòng đời. Vẫn là những người phụ nữ ấy nhưng trở nên dịu dàng, bao bọc, ôm ấp đứa con của mình, khi đó tình mẫu tử thăng hoa, quyến luyến, hòa quyện.
“Tôi chỉ vẽ khi bà nở nụ cười” - Heather McClellan cho biết
Đẹp theo cách của riêng mình
Ấn tượng hơn cả trong gần 30 bức tranh mà Heather thực hiện đó là tranh những phụ nữ lớn tuổi. Từ khi đến Việt Nam, Heather đã rong ruổi từ Đà Nẵng, Hội An, đến Ninh Bình… Ở mỗi nơi, chị lại gặp gỡ, trò chuyện và chụp hình những phụ nữ mà chị gặp trên đường. Trong căn phòng của chị có khoảng 5, 6 khuôn mặt tần tảo, lam lũ nhưng đều được Heather trìu mến gọi là “những người đàn bà đẹp”.
Đây là một người phụ nữ Hội An đang lang thang trên khắp các bãi biển để bán mũ vải cho du khách. Kia là một cụ bà người Ninh Bình chít khăn đen, ái ngại vì hàm răng móm mém. Tấm ảnh khác là một người phụ nữ với một nụ cười hiền hậu với những nếp nhăn lô xô trên trán. Có lẽ bức ảnh ấy sẽ không có gì đặc biệt nếu không nghe câu chuyện từ nữ họa sỹ.
Chị kể: “Tôi gặp người phụ nữ ấy ở trên phố Trúc Bạch, bà có một vết sẹo rất to trên gò má. Khi gặp tôi, bà dùng khăn che vết sẹo ấy đi. Và cuối cùng như bạn thấy, trên bức tranh của tôi không có vết sẹo nào cả. Tôi không muốn bà ấy buồn, thấy mặc cảm hay chỉ vì có một khiếm khuyết trên khuôn mặt mà lọt vào ống kính của tôi. Nên tôi chỉ vẽ bà khi bà nở nụ cười”.
Với Heather, khi vẽ những phụ nữ bình dị, chị muốn họ cảm thấy đặc biệt và đẹp theo cách của riêng họ, dù trên khuôn mặt có hằn bao nhiêu nếp nhăn, đồi mồi hay có cả một vết sẹo đi chăng nữa.
Nếu có dịp đến thăm triển lãm của chị, bạn sẽ được thấy chính những người bà, người mẹ bước ra từ trong tranh, đang chiêm ngưỡng khuôn mặt của chính mình được vẽ bởi bàn tay và trái tim đầy yêu thương của một phụ nữ phương Tây hoàn toàn xa lạ với họ. Bởi chính họ là những vị khách đặc biệt được chị trân trọng mời đến, để họ tin tưởng: đã là phụ nữ, sinh ra trên đời ai cũng có quyền tự hào.
(Theo An Ninh Thủ Đô)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.