Gặp lại “chú bé” tham gia cướp chính quyền

Thứ bảy, ngày 17/08/2013 07:23 AM (GMT+7)
Tham gia cách mạng từ năm 12 tuổi, 14 tuổi cùng đồng đội tấn công phủ Khâm Sai cướp chính quyền, ông Nguyễn Văn Mùi là đội viên trẻ tuổi nhất của ngày Tổng khởi nghĩa 19.8.1945.
Bình luận 0
Giác ngộ cách mạng...

Ông Nguyễn Văn Mùi sinh năm 1931, quê ở Thượng Cát, Từ Liêm, Hà Nội. Qua người anh là Nguyễn Văn Tân, ông được giác ngộ cách mạng và trở thành đội viên của nhóm hoạt động bí mật do đồng chí Lê Chiêu (sau này là Thiếu tướng Lê Chiêu- Chính ủy Cục Kỹ thuật) trực tiếp phụ trách. Ông cho biết, trong nhóm có khoảng chục người và người nào được giao nhiệm vụ thì chỉ biết việc đấy, không được tiết lộ cho người khác.

img
Ông Nguyễn Văn Mùi hồi ức về những ngày Tổng khởi nghĩa 19.8.1945 (ảnh chụp ngày 16.8).

Ngày 17.6.1945 tại núi Nùng - Bách Thảo có một cuộc mít tinh rất lớn của Đại Việt nhằm ủng hộ phát xít Nhật. Tham gia có binh lính của Nhật và lính bảo an. Chủ trương của ta là phải phá tan cuộc mít tinh phản động này. Ông Mùi được giao đóng vai một chú bé bán bánh rán, dưới chiếc rổ bán bánh rán là 6 khẩu súng lục, đứng dưới một gốc cây xà cừ trong cuộc mít tinh theo quy định. Các tự vệ đoàn sẽ tham gia cuộc mít tinh và hô khẩu hiệu chống Nhật nhằm phá mít tinh.

Trong trường hợp lính bảo an nổ súng thì ông Mùi có trách nhiệm chuyển vũ khí cho nhóm tự vệ để họ nổ súng chống lại. Người đội trưởng phụ trách nhóm bí mật là ông Đào Văn Xuân (tức đại tá Đào Văn Xuân - Phó Chính ủy Quân khu Thủ đô) mặc một áo mưa đen để ông Mùi có thể nhận ra (vì trước đó họ không quen biết nhau). Cuộc mít tinh diễn ra thất bại nhưng không phải nổ súng. Trên đường trở về nhà, bọn Nhật chặn đường khám xét ông, nhưng ông Mùi đã mưu trí lách vào một ngõ nhỏ mang được số súng về nơi an toàn.

Đội viên nhỏ tuổi nhất

Tình thế ngày càng căng thẳng như tiên đoán dông bão của cách mạng sắp đến. Khí thế cách mạng hừng hực. Sáng 19.8.1945, ông Mùi được đội trưởng Lê Chiêu báo tin đến tập trung từ sớm tại khu vực Tám Mái (nay là Kim Mã). Rải rác từng người bí mật đến nơi quy định mang theo vũ khí, ông Mùi được giao một khẩu Braoning.

Tổng nhóm có gần 70 người. Đến lúc này họ mới biết mặt nhau, một số là sinh viên, còn lại là công nhân. Tất cả hành quân đến Nhà hát Lớn tham gia mít tinh, sau đó chuyển sang chiếm phủ Khâm Sai. Ông Mùi mỉm cười nhớ lại: “Tôi cùng mọi người trèo qua cổng sắt rồi xông vào, một tay tôi cầm khẩu súng lục, một tay đấm bình bịch vào cửa gỗ lim hét toáng lên: Quan Khâm Sai đâu rồi?…- Chuyện đã lâu rồi nhưng tôi còn nhớ mãi”.

Sau nhiều năm công tác trong quân đội, năm 1959 ông chuyển sang ngành y, có nhiều cống hiến rồi về hưu vào năm 1994. Hiện nay ông đã là ông nội của một đại gia đình với 3 con và nhiều cháu. Đã nhiều năm trôi qua, ông vẫn sống trong căn phòng giản dị hơn 20m2 ở một khu phố nhỏ gần Kim Mã - nơi xưa kia ông và các đồng đội vẫn bí mật hoạt động.


Sau khi Tổng khởi nghĩa thành công, ông Mùi tham gia quân đội và là đội viên nhỏ tuổi nhất (14 tuổi). Những ngày đầu tiên tham gia quân đội rất vất vả, gian khổ nhưng cũng đầy hào hùng khí phách của một thời tuổi trẻ xông pha bảo vệ Tổ quốc.

Ngày 2.9.1945 lễ Tuyên ngôn độc lập bắt đầu, ông Mùi được giao nhiệm vụ đứng lẫn trong nhân dân để bảo vệ lễ đài, đề phòng bất trắc.

Thời gian sau, ông được cử đi học thông tin ở khu bộ Hà Nội rồi chuyển sang làm thư ký văn phòng cho cụ Tôn Đức Thắng, lúc này mới từ Côn Đảo trở về. Ông nhớ lại: “Nhiều năm sau, có lần tôi bị ốm nằm viện, cụ Tôn biết tin có nhắn lời thăm và hỏi: Thế nó đã lớn chưa hay còn bé tí như ngày xưa?”. Sau khi không làm thư ký cho cụ Tôn nữa, ông Mùi trở về đơn vị tại Văn Điển rồi tham gia bảo vệ Hà Nội trong những ngày thủ đô nằm trong vòng vây của giặc Pháp. Kháng chiến bắt đầu, đơn vị ông rút lên chiến khu cho đến ngày hòa bình lập lại mới trở về Hà Nội.
Nguyễn Thiên Việt ( Nguyễn Thiên Việt)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem